146 mã tăng trần giúp VN-Index có cú bật cao nhất trong 5 tháng

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
15:56 - 27/10/2022
Sàn HoSE tràn ngập sắc tím. Vietstock
Sàn HoSE tràn ngập sắc tím. Vietstock
0:00 / 0:00
0:00
Sau giai đoạn chiết khấu sâu, VN-Index hôm nay đã có phiên bùng nổ với 146 mã tăng trần, hơn 500 mã tăng giá, chinh phục lại ngưỡng hỗ trợ 1.000 điểm.

Kết phiên, chỉ số sàn HoSE dừng ở mốc 1.028 điểm, tăng gần 35 điểm so với phiên hôm qua. Đây là mức tăng mạnh nhất của VN-Index kể từ ngày 17/5/2022.

HNX-Index cũng tăng gần 8 điểm còn UPCoM tăng 1,4 điểm. Tuy nhiên thanh khoản vẫn chưa có sự cải thiện với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 11.300 tỷ đồng.

Điểm tiêu cực là khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng hơn 170 tỷ đồng trên sàn HoSE (trong tổng số hơn 2.400 tỷ đồng giao dịch). KBC dẫn đầu chiều bị bán với 140 tỷ đồng. HPG cũng bị bán ròng 97 tỷ đồng, tiếp sau là STB, VIC, VHM, NLG, SSI, DGC... Ngược lại, VNM được mua ròng mạnh nhất với giá trị 72 tỷ đồng, sau đó là FRT, MSN, VRE, DIG, GMD...

VN30 còn bay cao hơn VN-Index với số điểm tăng so với phiên hôm qua là 38, lên mốc 1.028,5 điểm. Ngoài NVL và PDR giảm nhẹ, các mã còn lại đều tăng mạnh, hàng loạt bluechip tăng trần như ACB, BID, CTG, GVR, SSI, TCB...

Trên toàn thị trường có 146 mã tăng trần, 524 mã tăng giá; hoàn toàn áp đảo so với hơn 170 mã ở chiều giảm. Nhờ đó, tất cả các nhóm ngành đều kết phiên trong sắc xanh.

Nhóm chứng khoán dẫn đầu chiều tăng với vốn hoá tăng gần 7%. Trong những phiên giảm mạnh vừa qua, đây là nhóm bị xả mạnh nhất nên hầu hết các cổ phiếu đều đã bị chiết khấu sâu, kể cả các mã đầu ngành như SSI, VND, VIX, HCM...

Dòng tiền nhập cuộc bắt đáy ở mức giá thấp đó đã giúp hàng loạt mã chứng khoán đổ tím trong phiên hôm nay như APG, APS, AGR, BSI, CTS, FTS, HCM, SBS, PSI... Các mã còn lại cũng đều kết phiên với thị giá tăng mạnh.

VND của VNDirect cũng tăng trần. 4 phiên trước đó, cổ phiếu này nằm sàn liên tiếp khiến thị giá lui về sát ngưỡng 10.000 đồng. Trước bối cảnh giá cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi những thông tin liên quan đến tư vấn phát hành trái phiếu, VND hôm qua đã phát đi thông cáo đính chính. Đây có thể là động thái tích cực giúp ngăn chặn đà bán tháo.

Các nhóm tăng mạnh tiếp theo là khai khoáng, ngân hàng, hoá chất, thuỷ sản, nông nghiệp, xây dựng, bán lẻ, thép, bảo hiểm với vốn hoá tăng 3-6%.

Nhóm bất động sản có tỷ lệ tăng khiêm tốn hơn, chỉ +1,3%. Nguyên nhân là các “anh cả” như VIC, VHM chỉ tăng nhẹ 0,3% và 1,2%. NVL, BCM và PDR ở chiều giảm.

Nhiều mã vừa và nhỏ ghi nhận tăng mạnh, tăng trần như VRE, DXG, TCH, HDG, CEO, KHG, HQC, IDJ, LDG...

VRE (Vincom Retail) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với tổng doanh thu thuần đạt 2.005 tỷ đồng, tăng 154,7% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 794 tỷ đồng, gấp 33 lần. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận sau thuế của VRE đạt 1.944 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021.

Một doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Vingroup cũng đã cập nhật kết quả kinh doanh quý 3/2022. Đó là Vinhomes (VHM). Công ty ghi nhận tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 18.949 tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất sau thuế của công ty mẹ đạt 14.494 tỷ đồng, tăng tương ứng 37% và 30% so với cùng kỳ.

Tin liên quan

Đọc tiếp