150 doanh nghiệp trên cả nước tham dự Hội chợ Xuân Giảng Võ 2023

hội chợ HÀ NỘI
07:39 - 12/01/2023
Một gian hàng trưng bày thực phẩm tại hội chợ. Ảnh: Anh Thư
Một gian hàng trưng bày thực phẩm tại hội chợ. Ảnh: Anh Thư
0:00 / 0:00
0:00
Hội chợ Xuân Giảng Võ - Hội chợ đồ uống Xuân 2023 là sự kiện truyền thống có quy mô lớn, với hơn 200 gian hàng, quy tụ 150 doanh nghiệp với hàng nghìn chủng loại sản phẩm hàng hóa, trong đó có các đặc sản vùng miền trên cả nước.

Khai mạc vào tối 11/11, hội chợ chính thức trưng bày từ ngày 12/1 tới 18/1 (tương đương từ 21 – 27 tháng Chạp). Hội chợ năm nay có qui mô hơn 200 gian hàng, thu hút gần 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của nhiều tỉnh thành trên cả nước từ miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông đến miền Tây Nam Bộ.

Với mục tiêu là nơi hội tụ hương vị Xuân đất Việt, Hội chợ năm nay có sự tham gia đông đảo của các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn; các mặt hàng lương thực thực phẩm phục vụ Tết, các sản phẩm thủy hải sản chế biến và tươi sống; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sơn mài, gốm sứ, đồ đồng, nội thất cùng nhiều sản phẩm thời trang, gia dụng khác.

Set quà tặng với sản phẩm là từ trầm của CTCP Trầm Đông Dương. Ảnh: Anh Thư

Set quà tặng với sản phẩm là từ trầm của CTCP Trầm Đông Dương. Ảnh: Anh Thư

Trong đó có thể kể đến như hành, tỏi Lý Sơn, chè Tân Cương Thái Nguyên, gạo nương Tuyên Quang, chè tuyết Tây Bắc, mật ong rừng, mộc nhĩ, nấm hương, măng chua, miến dong Cao Bằng, bánh đậu xanh, bánh gai Hải Dương, chả, giò, bánh chưng Ước Lễ…

Các sản phẩm tham gia hội chợ đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín, là sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; canh tác theo hướng hữu cơ và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP của địa phương. Đồng thời, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và đạt tiêu chuẩn VietGap, Global Gap…

Bên cạnh đó Hội chợ còn trưng bày các sản phẩm tiêu dùng rất được ưa chuộng như bánh kẹo, trái cây nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Ba Lan… Hay các sản phẩm chăm sóc sức khỏe như Chuỗi hệ thống nhà thuốc tiêu chuẩn Nhật Bản – Omi Pharma, sâm Ngọc Linh, hồng sâm Hàn Quốc, đông trùng hạ thảo, nấm Linh chi; các sản phẩm đồ gia dụng…

Gian hàng đồ uống ngoài trời của doanh nghiệp Habeco. Ảnh: Anh Thư

Gian hàng đồ uống ngoài trời của doanh nghiệp Habeco. Ảnh: Anh Thư

Trong lĩnh vực đồ uống, Ban Tổ chức và Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam phối hợp tổ chức khu trưng bày ngoài trời với sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đồ uống như Sabeco, Habeco, Suntory Pepsico Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam, Tân Hiệp Phát.

Ban Tổ chức sẽ giám sát, kiểm tra nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trưng bày bán tại hội chợ, đặc biệt là công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

Là một doanh nghiệp tham dự hội chợ, ông Dương Huy Hoàng, Tổng Giám đốc CTCP nghiên cứu, ứng dụng và xuất nhập khẩu Trầm Đông Dương, cho biết, đây là một trong những hội chợ lâu đời nhất của Hà Nội. Năm nay là lần thứ 30 được tổ chức, hội chợ đã trở thành một phần truyền thống của người dân thủ đô.

Việc ngày Tết, người dân cùng gia đình đi tham quan hội chợ Xuân đã trở thành một trong những nét văn hóa Tết, đồng thời cũng là cơ hội để quảng bá, đưa các sản phẩm tiêu dùng dịp tết như thực phẩm, đồ uống, đồ phong thủy… đến gần với người dân, tận dụng dịp mua hàng cuối năm.

Ông Dương Huy Hoàng, Tổng Giám đốc CTCP nghiên cứu, ứng dụng và xuất nhập khẩu Trầm Đông Dương. Ảnh: Anh Thư

Ông Dương Huy Hoàng, Tổng Giám đốc CTCP nghiên cứu, ứng dụng và xuất nhập khẩu Trầm Đông Dương. Ảnh: Anh Thư

Ông Dương Huy Hoàng cho rằng, năm 2023, mức chi tiêu của người dân sẽ tương tự như những năm liền trước, vì dù đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 và mở cửa trở lại, nhưng những tác động tiêu cực chung từ tình hình kinh tế thế giới vẫn gây ảnh hưởng tới Việt Nam, đặc biệt là những tháng cuối năm.

Do đó, theo ông Hoàng, những hội chợ Xuân sẽ là hoạt động kích cầu quan trọng và tin rằng hội chợ năm nay sẽ thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là trong những ngày cuối tuần sắp tới và sau dịp 23 tháng Chạp.

Tin liên quan

Đọc tiếp