3 biến động lớn tác động đến triển vọng xuất khẩu nông sản của Việt Nam

XUẤT KHẨU Nông Sản
14:35 - 04/11/2022
Gạo là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu cao trong thời gian tới bởi yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Gạo là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu cao trong thời gian tới bởi yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Theo chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn, việc các nước kém phát triển bị thiếu lương thực, trong khi kinh tế các nước phát triển tăng trưởng chậm lại và giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao sẽ tác động đến tình hình xuất khẩu của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Sau gần 3 năm phát triển mang tính bùng phát, thương mại nông sản toàn cầu đang được định hình ở trạng thái “bình thường mới”. Bên cạnh những khó khăn, đại dịch cũng mở ra cơ hội nếu các quốc gia có được các chiến lược và chính sách phù hợp.

Tại Hội thảo Triển vọng thị trường nông sản Việt Nam, ngày 4/11, do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản tổ chức, TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện IPSARD cho biết, năm 2021 xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã được mở rộng ra nhiều thị trường, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỉ USD.

Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức đến từ diễn biến về chính trị - kinh tế thế giới phức tạp và khó lường.

"Mức tiêu dùng nông sản đầu người (bao gồm cả ngũ cốc, thịt và thủy sản) được dự báo tiếp tục tăng tuy nhiên mức tăng chậm lại so với những năm trước. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng rõ nét. Đây sẽ là những khó khăn, thách thức cho sản xuất và xuất khẩu nông sản trong tương lai”.

Viện trưởng Viện IPSARD Trần Công Thắng

TS Trần Công Thắng cũng cho rằng, cùng với sự hội nhập ngày càng toàn diện và sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức mới trong thời gian tới. Ngành nông nghiệp phải đối mặt với những cạnh tranh khốc liệt không chỉ trong thị trường xuất khẩu và ngay chính thị trường trong nước.

Định hướng sản xuất theo tín hiệu thị trường

Chia sẻ thêm với Mekong ASEAN về những thách thức và cơ hội đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, Chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn nhận định sẽ có 3 xu hướng tác động chính tới thị trường nông sản nói chung.

Biến động thứ nhất đến từ các nước khó khăn như châu Phi, Nam Á, với khả năng tình trạng thiếu lương thực, mất an ninh lương thực sẽ xảy ra tại các nước này, do giá vật tư tăng cao, đứt gãy các chuỗi cung ứng và kinh tế suy thoái.

Theo đó, giá một số mặt hàng mang ý nghĩa sống còn với an ninh lương thực như lúa gạo, thủy sản tại đây sẽ trở nên ngày càng đắt đỏ, nhất là khi kho dự trữ trên thế giới không có nhiều. Điều này sẽ tác động đến thị trường nông sản toàn cầu và cơ hội cho những nước sản xuất nông nghiệp như Việt Nam.

Biến động thứ hai đến từ việc những nền kinh tế tiên tiến như EU, Mỹ, Australia, Đông Bắc Á đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nông sản có thể sẽ giảm sút. Các mặt hàng như cà phê, tiêu, gỗ… vốn không phải mặt hàng thiết yếu sẽ giảm mạnh hoặc bị thay thế.

Điều này sẽ tác động trực tiếp tới triển vọng xuất khẩu nông sản của Việt Nam vì đây đều là những thị trường xuất khẩu chính.

"Thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam cần nắm bắt những biến động thị trường thế giới để điều tiết sản xuất. Lưu ý không nên chạy theo tín hiệu giá thời điểm này để mở rộng sản xuất một số sản phẩm không thiết yếu: gỗ, hàng tiêu, cà phê…Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng cần sẵn sàng để nắm được thời cơ đối với sản phẩm cơ bản, ảnh hưởng trực tiếp an ninh lương thực toàn cầu”.

Chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn

Theo chuyên gia Đặng Kim Sơn, biến động thứ ba là giá năng lượng tăng cao khiến giá phân bón, thức ăn gia súc tăng cao, dẫn đến giá thành chăn nuôi và trồng trọt bị đẩy lên. Các tác động giá cả này sẽ ảnh hưởng lớn đến các nước sản xuất nông nghiệp mạnh như Việt Nam.

Do vậy, ngành nông nghiệp cần tính đến vấn đề, bán ra nhiều nông sản nhưng phải tìm cách tăng lợi nhuận, cân bằng cán cân thương mại giữa xuất và nhập.

“Hiện nay, cán cân xuất - nhập đang thu hẹp lại, lợi nhuận đang giảm, đặt ra yêu cầu cần nâng cao chất lượng trong sản xuất, giảm giá thành, quan trọng nhất là nhanh chóng kết nối thị trường, xây dựng hệ thống đường sắt, đường biển thay thế cho xuất khẩu đường bộ truyền thống như hiện nay”, chuyên gia Đặng Kim Sơn nhận định.

Đánh giá về triển vọng sắp tới, ông Sơn cho rằng, Việt Nam có cơ hội duy trì kỷ lục xuất khẩu nông sản trong năm 2023, do tiềm năng còn rất lớn và có thể đi xa hơn. Nhưng trước mắt, cần củng cố độ an toàn của sản xuất nông nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường. Về lâu dài, cần tìm ra giải pháp nâng cao giá trị xuất khẩu, giảm bớt giá thành sản xuất và tăng lên thị phần của doanh nghiệp trong nước.

Hội thảo “Triển vọng thị trường nông sản Việt Nam” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản tổ chức, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform). Mục đích của hội thảo nhằm đưa ra các gợi mở chính sách cho Việt Nam trong lĩnh vực nông sản.

Tin liên quan

Đọc tiếp