4 khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và "tâm lý ngại đổi mới"

CHUYỂN ĐỔI SỐ TÀI CHÍNH
23:00 - 26/07/2022
4 khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và "tâm lý ngại đổi mới"
0:00 / 0:00
0:00

Tăng cường năng lực chuyển đổi số và khả năng tiếp cận đa dạng các nguồn lực tài chính được coi là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể vượt qua giai đoạn hồi phục hết sức khó khăn sau đại dịch, theo Bộ KH&ĐT. 

Ngày 26/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số và tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” (DNNVV).

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), các DNNVV - chiếm hơn 95% số lượng doanh nghiệp của Việt Nam, đang phải đối mặt những thách thức rất lớn trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh đó, tăng cường năng lực về chuyển đổi số và khả năng tiếp cận các nguồn vốn đa dạng được ông Hùng coi là những điều kiện tiên quyết có thể giúp nhóm doanh nghiệp trẻ này ứng phó với các thách thức mới, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh và nâng cao lợi thế cạnh tranh nhằm tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng trong và ngoài nước.

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được 25% từ nguồn tài chính chính thống, còn lại 75% là tiếp cận từ các nguồn khác nhau.

Nguyên nhân nhóm doanh nghiệp này khó tiếp cận được các nguồn tài chính chính thống là do năng lực quản trị tài chính của các chủ doanh nghiệp chưa cao, hạn chế về quản lý dòng tiền, về minh bạch chứng từ, báo cáo tài chính.

Theo bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn của ngân hàng như về tài sản đảm bảo, vốn tự có; về phương án kinh doanh khả thi; lịch sử trả nợ vay cũng như các điều kiện, thủ tục vay vốn khác.

Khó khăn về chi phí đầu tư và "tâm lý ngại đổi mới"

Liệt kê và nhận định 4 thực trạng, cũng đồng thời là thách thức lớn mà các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam đang phải đối mặt, Cục phó Cục phát triển doanh nghiệp Bùi Thu Thuỷ xếp yếu tố "khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số cao" bên cạnh yếu tố "Tâm lý ngại đổi mới".

"DN nhỏ và vừa chỉ đủ khả năng chi trả cho sản xuất cơ bản, nhưng đầu tư lớn cho chuyển đổi số thì không phải DN nào cũng làm được ngay, bởi các vấn đề chi phí, tư vấn, định giá, giải pháp thực hiện, bảo mật thông tin... Bên cạnh đó, vấn đề vay vốn ngân hàng cũng gặp nhiều hạn chế do chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn ngân hàng, năng lực quản lý dòng vốn", bà Thủy nói.

Theo bà Thuỷ, thực trạng và cũng là thách thức thứ hai là tâm lý ngại đổi mới trong khi xu hướng công nghệ luôn cập nhật, đổi mới liên tục, dẫn đến hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp còn hạn chế.

Thách thức thứ ba của các DNNVV mà bà Thuỷ đề cập đến là "thói quen cũng như tập quán kinh doanh" từ quy trình tổ chức quản lý, quy trình nghiệp vụ đến quản lý chuỗi cung ứng cần được chuẩn hóa và cuối cùng là sự thiếu hụt về nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Theo USAID
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp phát biểu tại hội thảo.
Ảnh: Theo USAID

Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra một số nguyên nhân khác là “rào cản” đối với chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa đó là sự lo ngại về sự rò rỉ dữ liệu của cá nhân hay doanh nghiệp.

Các yếu tố rào cản khác được liệt kê bao gồm sự thiếu cam kết của người lao động cũng như của ban lãnh đạo, ban quản lý doanh nghiệp; sự thiếu hụt thông tin về công nghệ số cũng dẫn đến khó khăn trong việc tích hợp các giải pháp công nghệ số vào hoạt động doanh nghiệp.

Để hỗ trợ các DNNVV, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thông qua dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” (dự án USAID LinkSME) nhằm đẩy mạnh triển khai các chuỗi hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số và tiếp cận tài chính, tăng cường năng lực DNNVV.

Theo ông Gregory Leon, Giám đốc Phòng quản trị nhà nước và phát triển kinh tế (USAID Việt Nam) bên cạnh hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số, Cục Phát triển doanh nghiệp và Dự án USAID LinkSME cũng đã triển khai đào tạo về tiếp cận và xây dựng chiến lược tài chính cho hơn 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong đó, 14 doanh nghiệp đã được tư vấn chuyên sâu về tái cấu trúc các khoản nợ và tiếp cận tài chính với khoản vay được phê duyệt lên tới 5 triệu USD.

Mặc dù đây là những kết quả ban đầu, nhưng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự chủ động và tiên phong của Dự án đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy nâng cao năng lực quản trị nội bộ của doanh nghiệp.

Đồng thời, nền tảng thông tin số tại địa chỉ digtal.business.go.vn và a2f.business.gov.vn đã được xây dựng, nhằm tích hợp các công cụ, báo cáo, tài liệu liên quan tới chuyển đổi số và tiếp cận tài chính giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận một cách nhanh chóng và hiệu quả tới các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và kết nối với các nguồn tài chính mới phù hợp với năng lực của doanh nghiệp.

Theo thống kê của Bộ KHĐT, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số và tiếp cận tài chính đã đạt được nhiều kết quả nổi bật với gần 400.000 doanh nghiệp tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số.

Đọc tiếp

CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.