5 dự án giao thông trọng điểm sẽ được 'mổ xẻ' tại Quốc hội

CAO TỐC QUY HOẠCH
15:30 - 30/05/2022
0:00 / 0:00
0:00
Các dự án này đều là các công trình giao thông quan trọng kết nối trên quy mô quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong đồng bộ hoá hệ thống cao tốc của Việt Nam để tạo động lực liên kết vùng.

5 Dự án được Quốc hội đưa vào chương trình nghị sự xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV gồm: Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 TP HCM; đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu; đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội

Dự án có chiều dài 112,8km, trong đó qua thành phố Hà Nội 58,2km, tỉnh Hưng Yên 19km, tỉnh Bắc Ninh 25,6km và tuyến nối quốc lộ 18 dài 9,7km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.

Dự án được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần. Trong đó, nhóm 1 với 3 dự án thành phần giải phóng mặt bằng ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Nhóm 2 với 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn 3 địa phương. Nhóm 3 với một dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc theo phương thức đối tác công tư loại hợp đồng BOT.

Đây là dự án quan trọng quốc gia, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường.

Vành đai 3 TP HCM

Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là 76,34 km, bao gồm TPHCM 47,5 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,8 km. Theo tờ trình của Chính phủ, dự án được đề xuất đầu tư công, với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Về quy mô, dự án được đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô gồm 4 làn xe cao tốc hạn chế; đường song hành mỗi bên từ 2-3 làn xe; phân chia thành 8 dự án thành phần và giao các địa phương tổ chức thực hiện. Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2022-2027.

Dự án Đường vành đai 3 - TP HCM là một trong những dự án giao thông kết nối vùng quan trọng bậc nhất của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu

Dự án cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu có tổng chiều dài hơn 53 km, điểm đầu kết nối tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa (Đồng Nai), điểm cuối giao với quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Cao tốc dự kiến hoàn thành năm 2025, giúp giảm tải quốc lộ 51 và đồng bộ các tuyến đường khác trên hành lang vận tải TP HCM - Vũng Tàu. Dự án cũng giúp phát huy tiềm năng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành, thúc đẩy kinh tế xã hội Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đông Nam Bộ...

Mới đây, giai đoạn một cao tốc được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất đầu tư công, tổng vốn 17.837 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vận tải Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Theo đề xuất của Chính phủ, đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có điểm đầu tại nút giao giữa quốc lộ 26B với quốc lộ 1 tại khu vực cảng Nam Vân Phong (Khánh Hòa); điểm cuối tại vị trí giao với đường Hồ Chí Minh tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột.

Tổng chiều dài tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột khoảng 117,5km gồm 32,7km qua địa phận tỉnh Khánh Hòa và 84,8km qua địa phận tỉnh Đắk Lắk.

Theo quy hoạch, đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có quy mô 4 làn xe. Căn cứ kết quả dự báo nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, Chính phủ kiến nghị giải phóng mặt bằng ngay theo quy mô quy hoạch được duyệt nhưng đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe đầy đủ đoạn từ quốc lộ 1 đến vị trí giao với đường cao tốc Bắc - Nam (dài gần 8km), nền đường rộng 24,75m.

Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Dự án có điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 (thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang), điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Tổng chiều dài trên 188 km, trong đó, đi qua địa bàn tỉnh An Giang hơn 57 km, TP Cần Thơ hơn 37 km, tỉnh Hậu Giang gần 37 km và tỉnh Sóc Trăng gần 57 km.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 44.700 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn trong giai đoạn từ năm 2022-2025 khoảng hơn 35.700 tỷ đồng, năm 2026 khoảng hơn 8.900 tỷ đồng.

Tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là một trong ba tuyến cao tốc trục ngang của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc đầu tư xây dựng sẽ giúp cải thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, liên kết với những khu cảng biển tại Cần Thơ, các trung tâm đô thị như Châu Đốc, Cần Thơ, Long Xuyên, cảng Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng, những cửa khẩu quốc tế giáp Campuchia.

Trước đó, ngày 1/3, phát biểu kết luận tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Phát triển hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định, trong đó có hạ tầng giao thông. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII đã đặt mục tiêu hoàn thành 2.000 km đường cao tốc trong nhiệm kỳ này".

Tin liên quan

Đọc tiếp