56% doanh nghiệp chọn cách tăng lương để giữ chân người lao động

Tuyển dụng LAO ĐỘNG
11:48 - 18/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo khảo sát của Navigos Group, 87% doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tuyển dụng khi tỷ lệ người lao động xin nghỉ việc đang gia tăng, trong đó có 56% doanh nghiệp chọn giải pháp là tăng lương để giữ chân nhân viên.

Theo Báo cáoTình hình thị trường lao động trong năm 2022: Thực trạng và hướng đi do Navigos Group mới phát hành ngày 17/8, từ đầu năm 2022, thị trường lao động Việt Nam hoạt động nhộn nhịp trở lại với những tín hiệu khởi sắc trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Song, những biến đổi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid đã mang tới những xu hướng mới tại thị trường việc làm và tác động đến nhu cầu tìm việc của người lao động trong thời gian qua.

87% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng

Kết quả khảo sát của Navigos Group trên 400 doanh nghiệp và 3.000 người lao động chỉ ra rằng, gần 87% doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là do nhân viên chủ động xin nghỉ gia tăng so với cùng kỳ năm 2021.

12% doanh nghiệp có tỷ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc lên tới 30% - 40%. Gần 41% doanh nghiệp có tỷ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc là 10% - 20%. “Đây thực sự là một bài toán nan giải cho các doanh nghiệp khi tình hình sản xuất kinh doanh đang cần được đẩy mạnh khi thị trường bắt đầu phục hồi”, Navigos Group nhận định.

Cùng với đó, thị trường tuyển dụng cũng đang bị mất cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu. Tình hình thiếu hụt nhân lực tại TP HCM và Hà Nội tăng cao, tương ứng với tỷ lệ 23% và 15%.

Các ngành thiếu hụt nhân lực lớn nhất thuộc về: Dịch vụ, xây dựng/kiến trúc, bất động sản, bán buôn/bán lẻ, nhà hàng/khách sạn/du lịch, công nghệ thông tin, tài chính/kế toán/kiểm toán.

Trước thực trạng tuyển dụng nhân sự khó khăn trong khi tỷ lệ người lao động xin nghỉ việc đang tăng cao, 56% doanh nghiệp cho biết giải pháp của họ là tăng lương để giữ chân nhân viên, nhân tài. Bên cạnh giải pháp chiếm tỷ lệ hơn một nửa doanh nghiệp này, thì còn có thêm các lựa chọn khác dành cho người lao động như hỗ trợ chi phí học tập, đào tạo kỹ năng mới; đo lường sức khoẻ nhân sự bằng khối lượng công việc; chăm sóc sức khoẻ - bảo hiểm; linh động về thời gian và địa điểm làm việc.

Đồng thời, xu hướng tất yếu là 89% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ chủ động đẩy mạnh tuyển dụng trong 6 tháng cuối năm tuỳ theo quy mô và nhu cầu của các doanh nghiệp.

Nhiều ngành nghề thiếu hụt nhân sự.

Nhiều ngành nghề thiếu hụt nhân sự.

Các doanh nghiệp có quy mô từ 300 – 1.000 lao động tăng tuyển dụng từ 50% - 60%. Các doanh nghiệp có quy mô từ 101 – 300 lao động sẽ tăng tuyển dụng từ 10% - 40%. Các doanh nghiệp có quy mô dưới 100 lao động cũng có nhu cầu tăng tuyển dụng cao hơn 50% – 60%.

Cũng theo khảo sát, 40% doanh nghiệp sẽ ưu tiên tuyển người lao động có 2 năm kinh nghiệm trở lên, 28% ưu tiên tuyển người lao động dưới 2 năm kinh nghiệm và 24% sẽ tuyển dụng các cấp bậc trưởng nhóm/giám sát.

Người lao động cảm thấy khó khăn hơn khi tìm việc sau Covid-19

Thực trạng trên đã đưa ra một thực tế, thị trường tuyển dụng sôi động đã kích thích nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động. Dữ liệu cho thấy 80% người lao động ở các cấp độ tham gia khảo sát cho biết họ có nhu cầu chuyển việc và tìm kiếm một công việc mới trong 6 tháng cuối năm 2022.

Có 19% người tìm việc sẽ chuyển việc trong vòng 1 - 2 năm tới và 12% sẽ chuyển việc sau 2 năm tới. Đây là nhóm người lao động đang có công việc ổn định trong tương lai gần và sẽ cân nhắc chuyển việc khi thị trường việc làm đã hoàn toàn hồi phục sau Covid.

Trong khi đó, 51% người lao động tham gia khảo sát muốn chuyển việc ngay trong 6 tháng cuối năm này. Điều này lại càng khẳng định về xu hướng cạnh tranh về ứng viên rất gay gắt trên thị trường lao động trong nửa năm cuối 2022.

Đáng chú ý, nhu cầu tìm việc của nhóm thực tập sinh là 92%; nhóm người mới tìm việc gia nhập thị trường lao động, thường là đã tốt nghiệp Đại học/Cao đẳng chiếm 88%; nhóm người lao động dưới 2 năm kinh nghiệm là 89%; nhóm trên 2 năm kinh nghiệm không phải là cấp quản lý là 78%; nhóm quản lý/trưởng nhóm là 80% và nhóm giám đốc là 79%.

Các nhóm ngành có nhu cầu ứng viên tìm việc cao nhất có thể kể đến: An toàn môi trường, bảo hiểm, bất động sản, hóa học/hóa sinh, nhân sự, hành chính/pháp lý và y/nha/dược.

Lương, phúc lợi và môi trường làm việc vẫn chiếm tỷ trọng cao trong lý do nghỉ việc của người lao động trong 6 tháng cuối năm 2022.

Tuy thị trường tuyển dụng sôi động nhưng từ các khảo sát các doanh nghiệp, Navigos Group nhận định, đa số người lao động cảm thấy khó khăn hơn một chút khi đi tìm việc trong thời gian này.

Gần một nửa người lao động dưới 2 năm kinh nghiệm và trên 2 năm kinh nghiệm thừa nhận họ cảm thấy khó khăn khi đi tìm một công việc mới, với tỷ lệ lần lượt là 45% và 46%. Người lao động ở vị trí quản lý và trưởng nhóm cho biết việc tìm kiếm công việc khó khăn hơn trước, chiếm tỷ lệ lần lượt là 46% và 53%.

Xu hướng tìm việc của người lao động trong 6 tháng cuối năm

(i) 65% người lao động ở hầu hết các nhóm ngành đều mong muốn tìm một công việc toàn thời gian.

(ii) “Làm việc từ xa” là xu hướng làm việc của người lao động thuộc nhóm ngành hàng tiêu dùng, dịch vụ, kinh doanh bán hàng, xuất nhập khẩu, bất động sản và thương mại điện tử.

(iii) “Bán thời gian” là xu hướng lựa chọn của các nhóm ngành nhân sự, bảo hiểm, y/nha/dược, xây dựng/kiến trúc.

(iv) Làm việc tự do là ưu tiên của người lao động thuộc nhóm ngành thương mại điện tử, logistics, nhân sự, bất động sản, ẩm thực/đồ uống.

(v) Kết hợp làm việc trực tiếp tại công ty và làm việc từ xa là các ưu tiên lựa chọn của người lao động thuộc nhóm ngành thương mại điện tử, ẩm thực/đồ uống, tiếp thị, marketing.

Nguồn: Navigos Group

Tin liên quan

Đọc tiếp