9 quốc gia NATO ủng hộ tư cách thành viên của Ukraine

chiến sự Nga - Ukraine
12:06 - 03/10/2022
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cùng Tổng thống Ukraine Vladimir Putin. Ảnh: Getty Images
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cùng Tổng thống Ukraine Vladimir Putin. Ảnh: Getty Images
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 2/10 vừa qua, lãnh đạo của 9 quốc gia thành viên NATO đã cùng nhau họp bàn nhằm bày tỏ sự ủng hộ trong việc chấp nhận Ukraine làm thành viên, đồng thời kêu gọi các đồng minh tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Theo hãng tin RT trích dẫn tuyên bố từ các tổng thống Czech, Estonia, Latvia, Lithuania, Bắc Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Romania và Slovakia trong cuộc họp hôm 2/10 khẳng định “kiên quyết ủng hộ quyết định của Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bucharest năm 2008 liên quan đến tư cách thành viên tương lai của Ukraine”. Tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest hồi năm 2008, các thành viên liên minh hoan nghênh “nguyện vọng trở thành thành viên của NATO” của Ukraine và Gruzia.

Ngoài ra, tuyên bố cũng thể hiện sự ủng hộ của các quốc gia này trong việc phòng thủ trước sự tấn công của Nga và tăng cường viện trợ cho Kiev. Khi đề cập đến việc Nga sẽ sáp nhập 4 khu vực phía Đông Ukraine, các nhà lãnh đạo này tái khẳng định sẽ “không bao giờ” công nhận, đồng thời yêu cầu Nga rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ này.

Tuyên bố này của 9 thành viên được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky thông báo về việc Kiev muốn xin gia nhập NATO theo quy trình nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, bản thân nội bộ NATO cũng xuất hiện những ý kiến trái chiều về việc xem xét tư cách thành viên chính thức của Ukraine.

Bình luận về việc này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng “bất kỳ quyết định nào đều phải được thực hiện bởi sự đồng thuận” của tất cả 30 thành viên. Do đó, NATO hiện vẫn đang duy trì “chính sách mở” cũng như ưu tiên “hỗ trợ Ukraine” cả về quân sự và tài chính. Theo ông Stoltenberg, đây cũng chính là "cách tốt nhất để đáp trả" các hành động của Nga.

Nhận xét của ông Stoltenberg lặp lại tuyên bố trước đó của Nhà Trắng. Phát biểu hôm 30/9, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố rằng cách tốt nhất bây giờ là cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ “thiết thực”. Trong khi đó, “các quy trình tại Brussels” nên được thực hiện vào một thời điểm khác.

Tuyên bố về việc Ukraine muốn gia nhập NATO nhanh chóng của Tổng thống Zelensky được đưa ra cùng ngày với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hiệp ước đưa 2 nước cộng hòa tự xưng vùng Donbass là Donetsk và Lugansk và các khu vực Kherson và Zapozhizhia sáp nhập vào Liên bang Nga.

Tới 2/10 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã chuyển các hiệp ước về việc gia nhập Nga của 4 khu vực này tới Duma Quốc gia để phê chuẩn. 4 ngày trước, các văn kiện đã được Tòa án Hiến pháp Nga thông qua và hiện chỉ cần được thông qua bởi cả 2 viện của Quốc hội Nga là Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang. Các nhà lập pháp dự kiến sẽ bỏ phiếu về các hiệp ước vào 3/10.

Kể từ 2014, các nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk đã tuyên bố độc lập khỏi Ukraine ngay sau sự kiện cuộc đảo chính Maidan và sau đó là nội chiến ở miền đông Ukraine. Với Đức và Pháp làm trung gian, thỏa thuận Minsk đã được ký kết trong cùng năm nhằm trao trả cho 2 khu vực này tình trạng đặc biệt của Ukraine.

Tuy nhiên tới 24/2, Nga đã đưa quân vào Ukraine với lý do Kiev đã không thực hiện các thỏa thuận Minsk, đồng thời còn để “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine. Điện Kremlin cũng yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố trở thành một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập bất kỳ khối quân sự phương Tây nào. Đáp trả lại các tuyên bố này, Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga hoàn toàn vô cớ và cho biết sẽ chiếm lại bán đảo Crimea và các vùng Donetsk, Lugansk bằng vũ lực.

Đọc tiếp