Abenomics - di sản kinh tế của cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

KINH TẾ Việt nAM
15:48 - 18/07/2022
Abenomics - di sản kinh tế của cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
0:00 / 0:00
0:00
Thành công của chính sách Abenomics với Nhật Bản rất rõ ràng song cũng có những hạn chế, qua đó có thể giúp Việt Nam có cái nhìn thực tế về chính sách tài khóa tiền tệ, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng như cân bằng giữa an sinh và phát triển kinh tế.

Ông Shinzo Abe là thủ tướng tại nhiệm lâu nhất Nhật Bản. Năm 2012, ông nhậm chức thủ tướng lần thứ hai trong bối cảnh quốc gia này vẫn đang phục hồi sau khủng hoảng tài chính 2008. Nhờ giai đoạn đó, thành tựu kinh tế nổi bật nhất để lại của Shinzo Abe được cho là học thuyết kinh tế Abenomics.

Tuy chưa đạt được mục tiêu ấn tượng, học thuyết này đã góp phần giúp ngăn ngừa nền kinh tế Nhật Bản suy sụp nghiêm trọng trong suốt các nhiệm kỳ của ông.

Chia sẻ trong buổi talkshow ngày 17/7 với chủ đề “Abenomics và các hàm ý cho Việt Nam", theo PGS.TS Võ Đình Trí, giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM và IPAG Business School Paris, học thuyết Abenomics là chương trình đưa Nhật Bản ra khỏi 2 thập niên kinh tế đình lạm trước đó. Đình lạm là khái niệm chỉ hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao

“Nếu chấm trên thang điểm 10, giới chuyên gia phương Tây đánh giá Abenomics ở thang 7-8/10”, PGS.TS Võ Đình Trí nhận định

Cụ thể, PGS.TS Võ Đình Trí cho biết, Abenomics là chương trình kinh tế tập trung triển khai theo 3 mũi tên.

Mũi tên thứ nhất, chính sách tiền tệ nới lỏng. Chính sách này nhằm duy trì mức tăng cung tín dụng và lãi suất thấp cho nền kinh tế Nhật Bản. Thậm chí, đã có những lúc lãi suất ngắn hạn âm để khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư, tiêu dùng

Theo ông Trí, khi duy trì lãi suất luôn thấp như vậy, doanh nghiệp sẽ có nhiều động lực đầu tư cho sản xuất, kinh doanh; người dân theo đó cũng tăng chi tiêu liên quan đến lãi suất tín dụng như mua nhà, mua xe.

Mũi tên thứ hai, chính sách tài khóa, tăng đầu tư công và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp qua thuế. Theo ông Trí, đó là sự gắn liền với sự linh hoạt, có những lúc sẽ tăng chi tiêu Chính phủ lên và giảm thuế cho doanh nghiệp, nhưng có những giai đoạn lại thắt chặt hơn như tăng thuế. Chẳng hạn, thuế VAT đã được điều chỉnh tăng lên gấp đôi từ 5% lên 10%, thực hiện qua 2 lần.

Ở mũi tên thứ ba, cải tổ mang tính cấu trúc trong kinh tế Nhật Bản. Đặc biệt, về lao động, việc làm đối với phụ nữ và người lao động nước ngoài tại Nhật. Theo đó, ông Abe đã có những cải cách mang tính hệ thống nhằm gia tăng sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế - xã hội Nhật Bản, tự do hoá thị trường lao động.

Ảnh tác giả

Nhìn chung, Abenomics đã giúp kinh tế Nhật Bản tăng trưởng đều đặn. Các chính sách nới lỏng đã giữ chi phí đi vay ở mức thấp, giúp đất nước thoát khỏi hàng thập kỷ trì trệ kinh tế.

Khi tiền chảy vào nền kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống. Cán cân thương mại của Nhật Bản đã cải thiện nhiều hơn.

PGS.TS Võ Đình Trí, giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM và IPAG Business School Paris.

Trong khi đó, đứng trên góc độ người có 20 năm kinh nghiệm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, bà Nguyễn Việt Hà, COO Metaminds Netwwork, cho rằng, một trong những điểm sáng nhất của Abenomics phải kể đến Womenomics - Nền kinh tế phụ nữ - tâm huyết suốt 8 năm cầm quyền của Thủ tướng Abe Shinzo.

Học thuyết Womenomics được Thủ tướng Abe phát động tại Nhật Bản trong cam kết thúc đẩy quyền năng của phụ nữ. Ông luôn đề cao sự cần thiết phải khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động và đưa nữ giới lên các vị trí quản lý. Ông Abe đã thi hành một loạt chính sách nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế và coi đó là trụ cột trong chiến lược phát triển, trong bối cảnh già hóa dân số tại Nhật.

Giải thích thêm về học thuyết này, bà Nguyễn Việt Hà cho rằng, Chính quyền Nhật Bản cam kết tạo ra "Một xã hội nơi phụ nữ tỏa sáng" và đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Nhật Bản sẽ có 30% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Ông Abe khuyến khích phụ nữ nhanh chóng trở lại làm việc sau khi sinh con, yêu cầu các doanh nghiệp nâng tỷ lệ phụ nữ trong ban lãnh đạo.

Cũng theo bà Hà, để giúp chính sách khả thi hơn, ông Abe có kế hoạch xây dựng thêm hàng trăm nghìn nhà trẻ trên toàn quốc. Kế hoạch ngân sách năm 2017 bao gồm các chính sách tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho phụ nữ và các hộ gia đình có con nhỏ.

Đặc biệt, từ tháng 10/2019, Nhật Bản áp dụng chương trình giáo dục miễn phí có giá trị tới 776 tỷ Yên (gần 7 tỷ USD)/năm - một trong những chính sách mang tính quyết định nhất của Thủ tướng Abe trong lĩnh vực giáo dục, nhằm mở rộng phạm vi dịch vụ an sinh xã hội. Khoản đầu tư chính phủ này ở doanh thu thu được từ việc tăng thuế bán hàng.

Theo đó, chính phủ cung cấp chương trình giáo dục miễn phí cho trẻ em trong độ tuổi từ 3 - 5. Các dịch vụ trông giữ trẻ ban ngày với những trẻ dưới 2 tuổi cũng miễn phí với các gia đình có thu nhập thấp. Việc giảm gánh nặng tài chính trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ được coi là chìa khóa để thúc đẩy các cặp vợ chồng sinh con, làm tăng tỷ lệ sinh tự nhiên của đất nước, nhất là trong thời điểm phụ nữ Nhật Bản tham gia ngày càng nhiều vào lực lượng lao động.

Như vậy, theo bà Nguyễn Việt Hà, Học thuyết kinh tế phụ nữ đã được triển khai mạnh mẽ như một bộ phận quan trọng của chính sách Abenomics và đem lại những kết quả thuyết phục, như tăng số lượng phụ nữ tham gia các cơ quan chính phủ lên mức kỷ lục, tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động.

Bài học nào cho Việt Nam từ Abenomics

Song cũng tại buổi talkshow, PGS.TS Võ Đình Trí cho biết, một trong những "điểm xám" trong chính sách Abenomics là việc dù đã thực hiện cải tổ rất nhiều, nhưng cũng không thể khiến mức lạm phát ở Nhật nhích lên 2% để đem lại những ảnh hưởng tích cực cho nền kinh tế nói chung.

Bên cạnh đó, ông Trí cũng đặt ra vấn đề, chính sách Womenomics đem lại nhiều kết quả tích cực những vấn đề nhưng về bản chất lương người lao động không tăng. Đây là một điểm đáng chú ý.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Giang Thanh Long nhận định, thực tế lương thực tế của Nhật Bản có tăng nhẹ, tuy nhiên, phân tích một cách cụ thể, mức tăng lương là do thâm niên. Đặc biệt, khi dân số Nhật Bản đang ở tình trạng già hóa, việc mức lương tăng trong thời gian qua là đương nhiên.

Trong khi đó, một nền kinh tế muốn phát triển bền vững thì năng suất lao động phải là yếu tố dẫn dắt, bởi năng suất lao động không thay đổi rõ ràng khi số lượng người trong độ tuổi lao động thấp đi, khả năng tạo ra giá trị cho nền kinh tế sẽ thấp đi.

Do đó, theo PGS.TS Giang Thanh Long, "điểm xám" lớn nhất của Abenomics là đưa ra vấn đề nhưng chưa giải quyết được rốt ráo các vấn đề cốt lõi của nền kinh tế Nhật Bản là sự biến đổi của nhân khẩu học theo hướng già hóa và thực chất tăng lương chỉ là tăng về thâm niên chứ không phải tăng năng suất.

Theo đó, các chuyên gia trong buổi talkshow đều đồng tình, Abenomics gợi mở rất nhiều bài học cho kinh tế Việt Nam. Cụ thể:

Thứ nhất, về điều hành các chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần có sự phối hợp chặt chẽ, tạo thế chủ động và linh hoạt trong việc xác định mục tiêu kinh tế vĩ mô ưu tiên từng thời kỳ và phải tuân thủ điều phối chung cho mục tiêu đó. Đồng thời, cần xác định “liều lượng” phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ ở mức hợp lý.

Thứ hai, theo các chuyên gia, chính sách tái cơ cấu toàn diện là yếu tố mang tính quyết định đối với sự hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản.

Do đó, bài học cho Việt Nam là cần sự dũng cảm và quyết liệt trong triển khai các chính sách cải cách tăng trưởng sâu rộng nhằm tái cấu trúc nền kinh tế. Một sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ bền vững cần những tiến bộ lớn về năng suất và chất lượng lao động.

Thứ ba, Abenomics đã rất thành công với quan điểm nâng cao quyền năng của phụ nữ trong hệ thống kinh tế, cụ thể, phụ nữ trong độ tuổi lao động, nguồn lao động quý giá của đất nước với những chính sách xã hội văn minh.

"Đây là bài học lớn cho Việt Nam bởi nếu như bỏ qua những lực lượng lao động như vậy sẽ rất lãng phí.", PGS.TS Giang Thanh Long nhìn nhận.

Đọc tiếp