ACB chia cổ tức 25%, đặt mục tiêu lãi hơn 15.000 tỷ đồng năm 2022

ACB Việt nAM
14:49 - 07/04/2022
ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Ảnh ACB
ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Ảnh ACB
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 7/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 thông qua phương án chia cổ tức cũng như kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ trong năm 2022.

Lợi nhuận quý I/2022 lên đến 4.200 tỷ đồng

Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý I/2022, CEO Từ Tiến Phát cho biết tín dụng tăng 5%, huy động tăng 1,6%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cải thiện từ 25% từ cuối năm 2021 lên 27%. Lợi nhuận hợp nhất quý đầu năm đạt 4.200 tỷ, tăng 35% so với cùng kỳ. Riêng mảng thu nhập ngoài lãi đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 37%. Tỷ lệ nợ xấu 0,74%, giảm 0,03% so với thời điểm cuối năm 2021.

Ông Phát cũng cho biết ngân hàng đã đầu tư để tăng trưởng CASA trong nhiều năm qua, triển khai nhiều sản phẩm miễn phí, hoàn tiền đến 2%. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có lợi thế là triển khai các gói sản phẩm và phát triển ngân hàng số. Trong tháng 4/2022, ACB sẽ ra thêm sản phẩm mới về ngân hàng số để thu hút khách hàng. Đồng thời, ngân hàng cũng đã tích hợp hệ sinh thái số từ fintech, kỳ vọng CASA sẽ tăng trưởng cao hơn 27%, lên khoảng 28-29% vào thời điểm cuối năm.

Tổng giám đốc ACB cũng chia sẻ trong quý I tình hình nợ xấu của ACB cải thiện. Năm qua tình hình dịch bệnh căng thẳng nhưng quý I đã cải thiện tốt, ACB tự tin đã cải thiện nợ xấu dưới 1%.

Theo ông Phát, danh mục tín dụng của ACB khá đặc thù. Trong đó, mảng cá nhân chiếm 63%, SME chiếm 31% trong tổng bán lẻ. Mảng bán lẻ chiếm 94% tổng cho vay, đây là tỷ trọng cao trong ngành. Riêng bất động sản, tỷ lệ cho vay ở mức thấp, chiếm 4.9%. Mảng khách hàng cá nhân của ACB có 1/3 là hỗ trợ khách hàng vay đáp ứng nhu cầu kinh doanh.

Toàn cảnh đại hội cổ đông Ngân hàng ACB sáng 7/4. Ảnh: ACB

Toàn cảnh đại hội cổ đông Ngân hàng ACB sáng 7/4. Ảnh: ACB

Chia cổ tức 2021 tỷ lệ 25%, tăng vốn lên hơn 33.700 tỷ đồng

Cũng tại đại hội đồng cổ đông, ACB trình phương án phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 25%, dự kiến tăng vốn điều lệ từ 27.019 tỷ đồng lên hơn 33.774 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III/2022.

HĐQT ACB cho biết việc tăng vốn điều lệ là cần thiết, nhằm tăng thêm nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ của Ngân hàng. Đồng thời, ACB còn có thêm nguồn vốn để xây dựng văn phòng làm việc, cải tạo, sửa chữa, di dời trụ sở kênh phân phối, đầu tư vào các dự án thực hiện chiến lược 2019-2024.

Mục tiêu lợi nhuận năm 15.000 tỷ đồng, kiểm soát nợ xấu dưới 2%

Cụ thể, ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế là hơn 15.000 tỷ đồng. Tổng tài sản dự tăng 11%, tiền gửi khách hàng tăng 11%, tín dụng tăng 10% theo hạn mức Ngân hàng Nhà nước cấp tới hiện tại; tỷ lệ nợ xấu sẽ kiểm soát dưới 2%. Dự kiến chia cổ tức 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%. Vốn điều lệ dự kiến lên 33.774 tỷ đồng.

Trong đó, ACB tập trung đầu tư vào mô hình vận hành và kinh doanh riêng biệt nhằm thu hút khách hàng mới với quy trình số hóa đơn giản, dễ dùng, liền mạch từ trực tuyến đến ngoại tuyến.

Chiến lược này xuất phát từ thực tế chuyển đổi số với nhiều cơ hội và thách thức, yêu cầu sự thích ứng nhanh chóng với biến đổi liên tục trong môi trường kinh doanh cũng như sự thay đổi linh hoạt và tích cực thấu hiểu khách hàng. Tối ưu hóa sức mạnh số hóa cũng giúp ACB thực hiện các trách nhiệm xã hội, góp phần bảo vệ môi trường nhờ giảm số lượng giấy in, giảm rác thải từ xác hộp mực hay máy móc thiết bị hư hỏng.

Về hoạt động kinh doanh của ACB năm 2021, doanh thu thuần của ngân hàng đạt 18.945 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí hoạt động, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ACB đạt 15.334 tỷ đồng, tăng 46% so với năm trước.

Tuy nhiên, trong năm 2021, ACB phải dành ra hơn 3.336 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (gấp 3,5 lần năm trước) nên lãi trước và sau thuế lần lượt còn 11.998 tỷ đồng và 9.603 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận tăng 25% so với năm 2020 và vượt 13% kế hoạch năm (10,6 nghìn tỷ đồng).

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của ACB tăng 19% so với đầu năm, lên mức gần 527.770 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 362.000 tỷ đồng, tăng 16,4%. Tuy nhiên, nợ xấu cũng tăng 50% lên 2.799 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 tăng lần lượt 153% và 114% lên 537 tỷ và 882 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu từ 0,6% lên 0,78% cuối năm 2021.

Tin liên quan

Đọc tiếp