ADB: Cần một văn hóa xếp hạng tín nhiệm cho thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp

TRÁI PHIẾU Việt nAM
16:42 - 06/04/2022
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Việt Nam
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, cả phía doanh nghiệp và nhà đầu tư còn thiếu nhiều yếu tố đảm bảo phát triển trái phiếu doanh nghiệp bền vững, cần xây dựng văn hóa đánh giá tín nhiệm. 

Tại buổi họp báo công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2022) của ADB, sáng 6/4, trả lời câu hỏi về đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Việt Nam cho biết, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam tăng trưởng rất mạnh trong thời gian qua.

Đây được coi là tín hiệu tốt đối với Việt Nam nhất là khi mảng trái phiếu doanh nghiệp chưa được phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên sự gia tăng quá nhanh trong khi nền tảng cơ sở chưa được đáp ứng về cả từ phía nhà phát hành và nhà đầu tư.

Trước câu hỏi liên quan đến việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa bị hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng vì công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, chuyên gia kinh tế của ADB Việt Nam cho biết ông không có câu trả lời cụ thể mà sẽ đưa ra những phân tích mang tính vĩ mô.

Ông Cường nhìn nhận, nhiều doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu, kể cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng những thông tin và tài sản bảo đảm của các doanh nghiệp chưa được rõ ràng và vững chắc.

“Về góc độ nhà đầu tư thì không phải ai cũng có kinh nghiệm đánh giá tình hình mà nghiêng nhiều theo hiệu ứng tâm lý ‘bầy đàn’. Do vậy, có thể thấy cả 2 phía đều chưa có sự sẵn sàng về thông tin và trình độ để bảo đảm phát triển trái phiếu doanh nghiệp ở mức bền vững”, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB Việt Nam đánh giá.

Ngoài ra, theo ông Cường, hệ thống đánh giá tín nhiệm của trái phiếu doanh nghiệp cũng chưa thật sự phát triển.

Ảnh tác giả

Về góc độ nhà đầu tư thì không phải ai cũng có kinh nghiệm đánh giá tình hình mà nghiêng nhiều theo hiệu ứng tâm lý ‘bầy đàn’. Do vậy, có thể thấy cả 2 phía đều chưa có sự sẵn sàng về thông tin và trình độ để bảo đảm phát triển trái phiếu doanh nghiệp ở mức bền vững

Chuyên gia kinh tế trưởng ADB Việt Nam Nguyễn Minh Cường

“Trong bối cảnh đó, một mặt nên khuyến khích trái phiếu doanh nghiệp vì đây là kênh huy động vốn hiệu quả. Mặt khác cũng cần nhanh chóng xây dựng các hệ thống pháp lý cũng như các kỹ năng, kiến thức của cả người phát hành và nhà đầu tư để cải thiện được thị trường”, ông Nguyễn Minh Cường nói.

Mở rộng thêm góc nhìn về xu hướng điều tiết thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới, ông Cường cho biết, vào những thời kỳ đầu Việt Nam bắt đầu mở cửa, một trong những cải cách kinh tế quan trọng là cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Gần đây, khi Việt Nam phát triển lên thành nước có thu nhập trung bình, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cũng phát triển theo với sự ra đời của nhiều tập đoàn lớn.

Thị trường từ đó không chỉ bị tác động bởi những doanh nghiệp Nhà nước mà còn cả từ các doanh nghiệp tư nhân. “Đối với Việt Nam, việc quan trọng nhất là tập trung bảo đảm thị trường phát triển một cách lành mạnh và xu hướng nâng cao yêu cầu quản lý thị trường, đặc biệt là hạn chế sự thao túng thị trường của những tập đoàn lớn trở nên quan trọng”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Cùng ý kiến với ông Cường, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cũng cho rằng, ADB nhận thấy có sự thiếu văn hoá xếp hạng tín nhiệm đối với thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam.

Ảnh tác giả

Cần một văn hoá xếp hạng tín nhiệm đối với thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam. ADB đang làm việc với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế để cải thiện vấn đề này".

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam

"Việc các trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng theo mức độ rủi ro, theo sức mạnh về tài chính của cơ quan phát hành trái phiếu là rất quan trọng", ông Andrew Jeffries nói.

Để hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài Chính cũng đã có nhiều khuyến nghị tới doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Đối với doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn, Bộ Tài chính khuyến nghị các đơn vị này phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, gắn với nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và đảm bảo khả năng trả các khoản nợ đến hạn, trong đó có trả nợ lãi, gốc trái phiếu.

Đồng thời, phải tuân thủ quy định của pháp luật, công bố thông tin cụ thể về mục đích phát hành trái phiếu, điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính cho nhà đầu tư.

Đối với nhà đầu tư, Bộ Tài chính lưu ý cần phân biệt rõ phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Các nhà đầu tư cũng cần nắm rõ thông tin và tài sản đảm bảo của doanh nghiệp cũng như nguyên tắc lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao.

Tin liên quan

Đọc tiếp