ADB: Đông Nam Á là điểm sáng tăng trưởng của khu vực châu Á mới nổi

TĂNG TRƯỞNG CHÂU Á
08:24 - 22/09/2022
ADB nâng tăng trưởng khu vực Đông Nam Á lên do nhu cầu nội địa tăng mạnh. Ảnh: EPA
ADB nâng tăng trưởng khu vực Đông Nam Á lên do nhu cầu nội địa tăng mạnh. Ảnh: EPA
0:00 / 0:00
0:00
Trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo sự phục hồi kinh tế của khu vực châu Á mới nổi vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, tuy nhiên điểm sáng tăng trưởng vẫn tồn tại ở khu vực Đông Nam Á.

Nikkei Asia trích dẫn báo cáo cập nhật về Triển vọng Phát triển Châu Á của ADB công bố hôm 21/9 cho biết, tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc xuống 3,3% từ mức 5% hồi tháng 4 trước đó. Ngoài ra, ADB cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cho năm 2023 từ 4,8% xuống 4,5%.

Nguyên nhân lớn nhất được đưa ra là vì chính phủ Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi chính sách zero Covid của mình, với các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn cản dịch bệnh bùng phát trong khi các quốc gia khác đều đã nới lỏng hạn chế.

Theo ADB, chính những sự đình trệ do Covid-19 tại Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm những thách thức kinh tế khác mà khu vực phải đối mặt. Trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine đang có dấu hiệu nóng hơn nữa, lạm phát lương thực và nhiên liệu trên toàn cầu đã buộc nhiều nền kinh tế tiên tiến phải tăng lãi suất.

Trước mắt, khu vực châu Á đang phát triển nói chung được dự báo sẽ tăng trưởng 4,3% vào năm 2022 – giảm so với dự đoán ở ngưỡng 5,2% hồi tháng 4. Nếu loại trừ Trung Quốc, ADB cho biết khu vực này được dự báo sẽ tăng trưởng 5,3%. Trong năm 2023, khu vực châu Á mới nổi được dự báo sẽ tăng trưởng 4,9% thay vì 5,3%.

ADB xác định Châu Á đang phát triển (hoặc mới nổi) là 1 trong 46 thành viên trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương và về cơ bản là tất cả các nền kinh tế của khu vực ngoại trừ Nhật Bản.

Dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Á mới nổi của ADB. Nguồn: ADB

Dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Á mới nổi của ADB. Nguồn: ADB

Theo nhà kinh tế cấp cao tại ADB Albert Park, khu vực châu Á mới nổi vẫn đang tiếp tục phục hồi, tuy nhiên rủi ro vẫn còn rất lớn. Ông nhận định sự suy thoái đáng kể của nền kinh tế thế giới sẽ làm suy yếu nghiêm trọng nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của khu vực.

Thêm vào đó, việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế tiên tiến, đặc biệt tại Mỹ, có thể dẫn đến bất ổn tài chính. Trong bối cảnh tồi tệ đó, tăng trưởng ở Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với những thách thức từ việc phong tỏa liên tục và sự mờ nhạt của khu vực bất động sản, dẫn tới càng nhiều khó khăn hơn nữa.

Do đó, ADB dự báo lạm phát trong khu vực sẽ tăng tốc lên 4,5% trong năm nay từ mức 3,7% trong dự báo trước đó. Mức tăng giá dự kiến sẽ ổn định ở ngưỡng 4,0% trong năm tới, nhưng mức đó vẫn cao hơn mức dự báo trước đó là 3,1%.

Việc gia tăng lạm phát theo dự kiến sẽ làm suy giảm sự phục hồi của khu vực Nam Á – khu vực vốn được dự đoán sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Dự báo tăng trưởng cho Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất Nam Á, cũng đã bị cắt giảm từ 7,5% xuống 7,0%.

Trong khi đó, nền kinh tế đã vỡ nợ của Sri Lanka dự kiến sẽ suy giảm 8,8% trong năm 2022 trước khi tiếp tục suy giảm 3,3% trong năm 2023. Một nền kinh tế khác cũng đang trên bờ vực khủng hoảng là Pakistan được dự đoán tăng trưởng ở ngưỡng 3,5% vào năm 2023, khi các nỗ lực khắc phục thâm hụt tài khóa của đất nước này được Quỹ Tiền tệ Quốc tế hỗ trợ, từ đó làm hạn chế các hoạt động kinh tế.

Người dân Sri Lanka xếp hàng dài mua nhiên liệu. Ảnh: Reuters

Người dân Sri Lanka xếp hàng dài mua nhiên liệu. Ảnh: Reuters

Trái với bức tranh u ám, những nơi khác trong khu vực vẫn xuất hiện những điểm sáng đáng mong đợi. Một trong những điểm sáng nhất theo ADB chính là dự báo tăng trưởng cho khu vực Đông Nam Á được nâng lên 5,1% từ mức cũ 4,9% và dự kiến sẽ tăng trưởng 5,0% vào năm 2023.

Sự cải thiện của khu vực cho năm 2022 được đưa ra nhờ nhu cầu nội địa mạnh hơn ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Trong năm 2022, nền kinh tế này được dự đoán sẽ tăng 5,4%, từ mức cũ 5,0%, trong khi Philippines hiện được ước tính tăng 6,5%, thay vì 6,0%.

Mặt khác, tăng trưởng của Việt Nam vẫn được giữ nguyên ở mức 6,5% cho năm 2022 và 6,7% cho năm 2023.

Theo nhận định của các chuyên gia ADB, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm toàn cầu được khôi phục góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong năm nay. Di chuyển trong nước trở lại hoàn toàn bình thường và việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19 đối với khách nước ngoài sẽ thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2022, là động lực tăng trưởng cho ngành dịch vụ.

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.