Adobe gây tranh cãi vì mức giá quá cao khi mua lại nền tảng Figma

Phần mềm MỸ
11:42 - 16/09/2022
Nhiều nhà đầu tư của Adobe phản đối mức giá quá cao để mua lại Figma. Ảnh: Reuters
Nhiều nhà đầu tư của Adobe phản đối mức giá quá cao để mua lại Figma. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Hãng Adobe của Mỹ hôm 15/9 thông báo đã đồng ý mua lại Figma - công ty đứng sau phần mềm chỉnh sửa đồ họa cùng tên – với giá 20 tỷ USD, gây ra tranh cãi trong các nhà đầu tư vì mức giá được cho là quá cao.

Khi đưa ra bình luận về thương vụ này, Reuters trích dẫn giám đốc điều hành Adobe Shantanu Narayen tuyên bố, việc kinh doanh của Figma chính là “tương lai” của công việc. Đồng thời, ông cũng nêu bật lên những “cơ hội to lớn” có thể đạt được nếu Adobe kết hợp với Figma trong các dịch vụ của tập đoàn đứng sau ứng dụng Photoshop như trình đọc tài liệu Acrobat và bảng trắng trực tuyến Figjam.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại không bị thuyết phục bởi các lập luận này. Theo sau các tin tức về thương vụ mua lại, cổ phiếu của Adobe giảm tới 17% - mức giảm sâu nhất của công ty kể từ năm 2010. Nhiều nhà đầu tư cho biết họ hiểu cơ sở lý luận của thương vụ này, tuy nhiên điều đó không thay đổi sự thật rằng Adobe đã trả quá nhiều tiền cho một công ty chỉ được định giá khoảng 10 tỷ USD trong một vòng gọi vốn tư nhân hơn 1 năm trước đó.

Ông David Wagner, nhà quản lý danh mục đầu tư và nhà phân tích cổ phần tại Aptus Capital Advisors - công ty sở hữu 1,5% cổ phần của Adobe - cho biết doanh thu định kỳ hàng năm (ARR) của Figma thường rơi vào khoảng 400 triệu USD – một khoản rất khiêm tốn so với 14 tỷ USD doanh thu của Adobe.

Vậy nên với mức giá 20 tỷ USD, Adobe đang trả cho Figma một khoản tiền gấp 50 lần doanh thu của công ty này – biến nó thành một khoản tiền lớn một cách bất hợp lý. Nhiều cổ đông bày tỏ sự bất mãn của mình với việc Adobe bỏ ra tới 11% giá trị thị trường của tập đoàn chỉ để tăng thêm 2,8% doanh thu hàng năm.

Tuy nhiên, phía Adobe cho biết thỏa thuận này dự kiến sẽ tích lũy vào thu nhập công ty sau 3 năm kể từ khi hoàn thành. Thêm vào đó, thông qua các dịch vụ thiết kế, bảng trắng và hợp tác, giá trị thị trường của Figma có thể sẽ đạt 16,5 tỷ USD vào năm 2025.

Thỏa thuận này dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2023 và Figma có trụ sở tại San Francisco vẫn sẽ tiếp tục được dẫn dắt bởi người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Dylan Field. Nếu thỏa thuận này bị hủy bỏ, 1 trong 2 công ty sẽ phải trả khoản phí chấm dứt hợp đồng là 1 tỷ USD.

Adobe là một trong những công ty thực hiện nhiều thương vụ mua lại nhất ở Thung lũng Silicon trong các nỗ lực tìm cách bảo vệ thị phần trước các đối thủ cạnh tranh lớn như gã khổng lồ Microsoft. Trước Figma, thương vụ mua lại lớn nhất của tập đoàn là của nhà sản xuất phần mềm Marketo với giá 4,75 tỷ USD vào năm 2018.

Ngoài Marketo, Adobe cũng đã mua các công ty khác trong khoảng thời gian 2 năm qua để tăng cường tập trung vào các công cụ cộng tác bao gồm phần mềm cộng tác video Frame.io, công ty startup tiếp thị truyền thông xã hội ContentCal và nhà sản xuất công cụ cộng tác Workfront.

Ở một diễn biến khác, dự báo doanh thu quý 4/2022 của Adobe là 4,52 tỷ USD – một con số thấp hơn mức 4,58 tỷ USD mà các nhà phân tích ước tính theo dữ liệu của Refinitiv. Lợi nhuận quý 3 của tập đoàn cũng giảm gần 6%, phản ánh tác động từ đồng USD mạnh hơn và chi phí cao hơn.

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.