Agriseco gọi tên nhóm ngành hưởng lợi khi lãi suất ngân hàng tăng

LÃI SUẤT CHỨNG KHOÁN
13:33 - 05/08/2022
Agriseco gọi tên nhóm ngành hưởng lợi khi lãi suất ngân hàng tăng
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia chứng khoán Agriseco cho rằng, xu hướng tăng lãi suất sẽ tạo lực đẩy cho các doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền mặt lớn. Theo đó, trong số các nhóm ngành chính, ngành bảo hiểm được hưởng lợi rõ nét nhất khi lãi suất tăng.

Song hành cùng áp lực lạm phát, mặt bằng lãi suất cũng đang có dấu hiệu rục rịch tăng sau 2 năm ở mức thấp kỷ lục. Lãi suất huy động tại các NHTM đã tăng trung bình 0,5 – 1% so với đầu năm cho các kỳ hạn 6 - 12 tháng, lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm đã cao ngang mức trước dịch COVID-19 lên 3,54%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời gian tới, lãi suất có thể tiếp tục chịu áp lực tăng. Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo lãi suất huy động tiếp tục tăng thêm khoảng 0,5% để bổ sung nguồn vốn trong nửa cuối năm nay.

Tương tự, chuyên gia Công ty chứng khoán SSI nhận định, một số ngân hàng sẽ có nhu cầu tăng vốn dài hạn, do mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ được điều chỉnh từ 37% xuống 34% và cho vay dài hạn có thể là động lực tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm 2022.

Vì vậy, theo chuyên gia SSI, lãi suất huy động có thể tăng thêm 50-70 điểm cơ bản sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng 1%-1,5%.

VN-Index có sự tương quan chặt chẽ với diễn biến lãi suất

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, lãi suất tiếp tục chịu áp lực tăng sẽ tác động tới thị trường chứng khoán cũng như các nhóm ngành, cổ phiếu có liên quan. Cụ thể, thống kê từ Agriseco cho thấy, VN-Index có sự tương quan chặt chẽ với diễn biến lãi suất.

Chẳng hạn, giai đoạn 1 (2000 - 2003), lãi suất tăng, thị trường chứng khoán ảm đạm và giảm. Giai đoạn này, nhìn chung nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khả quan với tốc độ bình quân khoảng 7%/năm. Sau thời kỳ giảm phát nhẹ năm 2000 – 2001, chỉ số CPI giai đoạn 2002 – 2003 đã tăng lên và duy trì dưới 5%/năm. Cùng với đó, chính sách lãi suất thả nổi được ban hành năm 2002 tạo nên cuộc đua tăng lãi suất giữa các ngân hàng.

Thị trường chứng khoán sau đó rơi vào tình trạng sụt giảm mạnh khi giảm hơn 66% vào T7/2002 so với mức đỉnh năm 2001. Trong giai đoạn này, thị trường chứng khoán Việt Nam mới được thành lập với số điểm khởi đầu 100 điểm, đạt đỉnh hơn 500 điểm vào giữa năm 2001 và trượt dài liên tục sau đó xuống mức thấp nhất 130 điểm trong năm 2003. Cũng cần lưu ý là giai đoạn này thị trường còn sơ khai, rất ít doanh nghiệp niêm yết và thanh khoản thấp, vì vậy mức độ biến động giá và chỉ số khá cao.

Giai đoạn 2 (2004 – 2007): Lãi suất duy trì ổn định và ở mức thấp hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp, tạo môi trường cho thị trường chứng khoán bùng nổ bên cạnh các nhân tố vĩ mô khác. Số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư đã tăng trung bình 230%/năm (năm 2006 – 2007). Lần đầu tiên, VN-Index chạm mốc 1.000 điểm và đạt đỉnh 1.170 điểm vào năm 2007.

Giai đoạn 3 (2008 – 2009): Mặt bằng lãi suất và lạm phát tăng vọt, nền định giá quá cao là một trong những tác nhân gây ra đổ vỡ thị trường. Trong giai đoạn này, lãi suất sau đó đã nhanh chóng hạ nhiệt trước lo ngại suy thoái kinh tế, giá cổ phiếu cũng đã hồi phục trở lại.

Giai đoạn 4 (2010 – 2013): Lãi suất tiếp tục tăng cao, Ngân hàng Nhà nước phải đặt trần lãi suất huy động 14% đi kèm là sự đổ vỡ của thị trường bất động sản khiến chứng khoán giảm mạnh.

Giai đoạn 5 (2014-2021): Mặt bằng lãi suất giảm dần, trong đó giảm sâu trong giai đoạn Covid, tạo sự ổn định vĩ mô và giúp thị trường chứng khoán phát triển.

Xét về tương quan, lãi suất ảnh hưởng ngày càng lớn tới thị trường chứng khoán. Giai đoạn 2000 – 2021, hệ số tương quan theo chuỗi dữ liệu tháng giữa mặt bằng lãi suất huy động và VN – Index là -0,33 thể hiện hai yếu tố này có mối tương quan ngược chiều. Trong đó, giai đoạn 2006 – 2021 và giai đoạn 2014 – 2021 mối tương quan ngược chiều này ngày càng chặt chẽ khi hệ số này lần lượt tăng, đạt mức mức -0,61 và -0,71.

Ngành bảo hiểm được hưởng lợi rõ nét nhất khi lãi suất tăng

Theo đó, Agriseco cho rằng một số ngành có lượng tiền ròng lớn có thể hưởng lợi khi mặt bằng lãi suất tăng.Trong số các nhóm ngành chính, ngành bảo hiểm được hưởng lợi rõ nét nhất khi lãi suất tăng.

Với nhóm bảo hiểm nhân thọ, hiện nay, trên sàn có duy nhất doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ BVH. Mặt bằng lãi suất cao giúp cải thiện hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, lãi suất kỹ thuật (lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 10 năm) tăng sẽ làm giảm giá trị trích lập dự phòng toán học trên các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, qua đó giúp cải thiện lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Với lợi thế là doanh nghiệp niêm yết duy nhất cung cấp sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong nhóm bảo hiểm, yếu tố này sẽ gia tăng mức độ hưởng lợi của BVH so với các doanh nghiệp còn lại trong ngành.

Theo báo cáo tài chính năm 2021 của doanh nghiệp về phân tích độ nhạy, lãi suất chiết khấu tăng 0,25% làm giảm tới 1 nghìn tỷ đồng trách nhiệm phải trích lập dự phòng toán học của BVH, qua đó làm tăng 800 tỷ đồng lợi nhuận và vốn chủ sở hữu.

Trong khi đó, ở lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, với quy mô danh mục đầu tư mà tiền gửi và trái phiếu hiện nay chiếm đa số khoảng 90% (tỷ lệ tiền gửi chiếm gần 70% trong khi trái phiếu chiếm khoảng 20%), hiệu suất sinh lời đầu tư của nhóm công ty bảo hiểm phi nhân thọ sẽ gia tăng trong môi trường lãi suất tăng.

Nhóm phân tích ước tính nếu lãi suất tăng 1% sẽ giúp lợi nhuận trước thuế các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng thêm 10,8%. Một số ngành khác được hưởng lợi từ xu hướng lãi suất tăng do nắm giữ lượng tiền mặt lớn, ít vay nợ như: thiết bị, dịch vụ và phân phối dầu khí; bia và đồ uống; sản xuất dầu khí; vận tải;…

Bên cạnh đó, Agriseco cho rằng, nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi trong môi trường lãi suất tăng nhờ duy trì được lượng tiền và tiền gửi ổn định khi có các khoản doanh thu chưa thực hiện lớn, đặc biệt với các doanh nghiệp nắm giữ sẵn quỹ đất sẵn sàng cho thuê.

Trong khi đó, Agriseco cho rằng một số ngành có đòn bẩy tài chính cao có thể chịu áp lực khi tăng lãi suất như ngành xây dựng có tỷ lệ vay nợ/vốn chủ sở hữu khoảng 1,18 lần, ngành bán lẻ (1,13 lần), dịch vụ tài chính (1,09 lần), công nghệ thông tin (0,9 lần), điện (0,81 lần), sản xuất thực phẩm (0,74 lần), vật liệu xây dựng (0,63 lần), bất động sản (0,53 lần),...

Trong số các nhóm ngành chính, nhóm phân tích cũng ước tính ngành xây dựng bị ảnh hưởng lớn nhất khi lãi suất tăng 1% sẽ khiến lợi nhuận trước thuế toàn ngành giảm khoảng 14% trong điều kiện các nhân tố khác không đổi.

Một số ngành khác có mức độ sụt giảm lợi nhuận mạnh khi lãi suất tăng 1% như sản xuất và phân phối điện (-6%), bán lẻ (-4,7%), vật liệu xây dựng và nội thất (-4,5%). Riêng đối với nhóm bất động sản thì mặc dù tác động chung là 3,7% tuy nhiên tác động tới nhóm bất động sản dân cư sẽ cao hơn so với nhóm bất động sản khu công nghiệp do có tỷ lệ vay nợ cao hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.