Agriseco: Ngành dệt may sẽ gặp khó do các thị trường xuất khẩu chính suy giảm

Dệt May Việt nAM
07:10 - 29/12/2022
Agriseco: Ngành dệt may sẽ gặp khó do các thị trường xuất khẩu chính suy giảm
0:00 / 0:00
0:00
Theo Agriseco, việc Trung Quốc tái mở cửa có thể giúp tăng sản lượng xuất khẩu xơ sợi và khôi phục lại nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may vẫn suy giảm trước tình trạng lạm phát.

Tại Báo cáo cập nhật về ngành dệt may năm 2023, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa có thể giúp tăng sản lượng xuất khẩu xơ sợi và khôi phục lại nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may tại thị trường Việt Nam.

Theo Agriseco, Trung Quốc là nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may quan trọng cho các doanh nghiệp may mặc ở Việt Nam. Tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may từ thị trường Trung Quốc đang có xu hướng tăng lên và chiếm khoảng 50% trong 11 tháng đầu năm 2022.

Trong năm vừa qua, có những thời điểm các doanh nghiệp may mặc Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu do Trung Quốc phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19.

Agriseco Research đánh giá, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp các doanh nghiệp may mặc tiếp cận được với nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may dễ dàng hơn và với chi phí tối ưu hơn.

Về xuất khẩu, Trung Quốc mở cửa có thể giúp hoạt động xuất khẩu xơ, sợi tăng trở lại khi đây là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này nhiều năm qua.

Tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc luôn duy trì ở mức cao trên 50% trước khi sụt giảm trong 11 tháng đầu năm 2022 do Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-Covid một cách nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, chuyên gia Agriseco Research cũng đánh giá với việc xuất khẩu các mặt hàng may mặc, các doanh nghiệp vẫn sẽ gặp khó khăn do các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ hay EU đang suy giảm do tình trạng lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tình trạng đơn hàng sụt giảm đã xuất hiện từ quý III/2022 và được dự báo có thể kéo dài sang nửa đầu năm 2023 trước khi phục hồi trở lại.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 và triển khai kế hoạch, giải pháp năm 2023 ngày 26/12, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng cho biết, các doanh nghiệp trong ngành trải qua năm 2022 với nhiều biến động, nhưng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam ước đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021.

Tuy nhiên dự báo năm 2023, thị trường trong nước và thế giới vẫn phải đối mặt nhiều thách thức về lạm phát, giá nguyên vật liệu tăng cao...

Mặc dù vậy, ngành dệt may đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng, trong đó kịch bản tích cực là xuất khẩu dệt may có thể đạt kim ngạch từ 47 - 48 tỷ USD và kịch bản kém tích cực hơn là đạt khoảng 45 - 46 tỷ USD.

Cũng trong Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh, năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn cho các ngành sản xuất xuất khẩu như dệt may, nhu cầu thế giới chưa có tín hiệu phục hồi do kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định, khó dự báo xa.

Do đó, ông Hoàng Anh cho biết, cần tập trung ưu tiên cho bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời giữ, cải thiện tốt hơn vị trí của tập đoàn trong các chuỗi cung ứng; giữ ổn định tình hình tài chính, dòng tiền để bảo đảm phục vụ sản xuất liên tục.

Tin liên quan

Đọc tiếp