Agriseco: Nhận diện 5 rủi ro tiềm ẩn với kinh tế Việt Nam

KINH TẾ Việt nAM
15:11 - 15/08/2022
Agriseco: Nhận diện 5 rủi ro tiềm ẩn với kinh tế Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Theo Agriseco, kinh tế Việt Nam có thể đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn trong nửa cuối năm 2022 như Fed tăng lãi suất, xung đột Nga - Ukraine, nguy cơ suy thoái toàn cầu, chính sách Zero-COVID của Trung Quốc, áp lực lạm phát và tỷ giá. 

Mặc dù nền kinh tế những tháng cuối năm vẫn phải đối mặt với một số rủi ro nhất định trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, kinh tế Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực từ mức nền thấp năm ngoái cùng với việc nhiều lĩnh vực đang đều cho dấu hiệu hồi phục tích cực đặc biệt tại nhóm ngành dịch vụ.

Báo cáo chiến lược đầu tư các tháng cuối năm 2022 vừa công bố của Chứng khoán Agribank (Agriseco) đề cập đến 5 rủi ro chính có thể ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2022.

Rủi ro thứ nhất, Fed tăng lãi suất. Theo các chuyên gia, việc Fed tăng lãi suất nhanh có thể làm chậm khả năng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Giai đoạn 2008-2009, do tác động bởi khủng hoảng tài chính thế giới, lãi suất trên 20% khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, nền kinh tế rơi vào khó khăn.

Ngoài ra, việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến tỷ giá đồng USD tăng và đồng nội tệ mất giá. Điều này tạo thuận lợi cho xuất khẩu vào Mỹ của các quốc gia nhưng khó khăn trong nhập khẩu và áp lực "nhập khẩu" lạm phát của các nước nhập siêu gia tăng.

Khối phân tích Agriseco nhận định lãi suất tăng mạnh có thể làm thị trường tài chính biến động mạnh khi dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán có nguy cơ rút bớt khỏi các thị trường mới nổi và tìm đến các kênh an toàn, các khu vực có lãi suất tăng.

Bên cạnh đó, còn làm chi phí vay nợ nước ngoài tăng lên và gia tăng chi phí vay nợ của doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tăng.

Rủi ro thứ hai, xung đột Nga - Ukraine. Trong đó, báo cáo đề cập hai tác động chính.

Thứ nhất, xung đột làm cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá cả hàng hóa leo thang.

Nga là quốc gia cung cấp khoảng 40% khí đốt và 25% dầu mỏ, Ukraine là quốc gia trung chuyển dầu thô sang các nước EU. Do đó, sự kiện này đã tác động mạnh đến giá dầu. Nga và Ukraine cũng là hai quốc gia xuất khẩu ngũ cốc, kim loại (palladium, đồng, niken, vàng), và hóa chất lớn trên thế giới. Xung đột sẽ khiến hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn từ đó đẩy giá cả các mặt hàng lên cao.

Thứ hai, xung đột gây tình trạng giá năng lượng, lương thực tăng cao trong khi nguồn cung thiếu hụt đã khiến mối lo về an ninh năng lượng và lương thực trở nên rõ ràng hơn. Nhiều nước đang phải hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực, vật tư nông nghiệp để đảm bảo nguồn cung trong nước, có thể kể đến như Ấn Độ (cấm xuất khẩu lúa mì), Ukraine (lúa mì, yến mạch, đường…), Indonesia (dầu cọ).

Rủi ro thứ ba, chính sách Zero-COVID của Trung Quốc. Khối phân tích của Agriseco cho rằng điều này gây ra hai tác động chính với kinh tế thế giới, bao gồm hoạt động vận tải hàng hóa bị gián đoạn; tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu.

Với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cũng có những ảnh hưởng nhất định.

Thứ nhất, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 33% tổng nhập khẩu (năm 2021), nước này cung ứng nguyên vật liệu cho rất nhiều ngành sản xuất như dệt may, da giày, hóa chất, thiết bị điện tử,… Như vậy, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất có thể chậm lại nếu tình trạng phong tỏa còn kéo dài.

Thứ hai, Trung Quốc là một trong số các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam khi chiếm khoảng 17% giá trị xuất khẩu (năm 2021). Do đó, việc Trung Quốc phong tỏa sẽ gây tác động nhất định đến hoạt động xuất khẩu.

Rủi ro thứ tư, nguy cơ suy thoái toàn cầu. Agriseco cho rằng suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng như tăng trưởng kinh tế suy giảm, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, các hoạt động thương mại giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Nền kinh tế các quốc gia chịu rủi ro này phải mất đến vài năm để kinh tế phục hồi và thị trường chứng khoán phát triển. Trong lịch sử, nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái như khủng hoảng những năm 2007-2008, chỉ số chứng khoán thường sụt giảm mạnh. Chỉ số chứng khoán châu Á, Mỹ hay Châu Âu có lúc sụt giảm đến hơn 70%. Việc lo ngại suy thoái và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên sàn cũng xấu đi đã dẫn đến các cuộc bán tháo trên sàn trong các giai đoạn trên.

Mới đây, các chuyên gia của SSI Research cũng cảnh báo tăng trưởng các ngành xuất khẩu có thể bắt đầu suy giảm từ quý IV khi nhu cầu từ các đối tác thương mại chính của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ có thể yếu đi rõ rệt.

"Nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào trạng thái suy thoái đang ở mức cao. Ngay cả khi chu kỳ suy thoái này có thể ngắn hơn bình thường, tác động tiêu cực đến thương mại của Việt Nam có thể không tránh khỏi. Tuy nhiên, do Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do nên vẫn có khả năng sẽ giảm thiểu được phần nào các tác động nói trên", SSI cho biết thêm.

Đồng quan điểm, CTCP Chứng khoán Bảo Việt( BVSC) cũng cảnh báo triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng cuối năm sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn khi lạm phát ở các đối tác xuất khẩu chính vẫn đang ở mức rất cao và chưa có dấu hiệu lập đỉnh.

"Hiện tại, nền kinh tế Mỹ - đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng đã rơi vào suy thoái kỹ thuật khi có quý thứ hai liên tiếp chứng kiến GDP suy giảm. Diễn biến này sẽ tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng, qua đó ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam", chuyên gia của BVSC cho biết.

Rủi ro thứ năm, áp lực lạm phát và tỷ giá tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê, CPI tháng 7 tăng 2,96% và 7 tháng 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát gia tăng chủ yếu do giá xăng dầu trong nước từ đầu năm tăng cao hơn 50% so với cùng kỳ; giá hàng hóa và tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển.

Tỷ giá USD/VND tăng khoảng 2,5% so với đầu năm do Fed và các NHTW EU đang thắt chặt tiền tệ. Điều này khiến đồng VND giảm 3% so với cùng kỳ. Trước áp lực tăng tỷ giá, NHNN đã thực hiện các biện pháp bình ổn như bán USD để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ và hút đồng VND ra khỏi hệ thống NHTM.

Khối phân tích Agriseco cho rằng áp lực gia tăng lạm phát tại Việt Nam trong nửa cuối năm do Việt Nam có nền kinh tế mở (200% GDP) và chịu tác động từ những yếu tố "chi phí đẩy" và "cầu kéo" có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của Chính phủ.

Tuy nhiên, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp điều tiết lạm phát như giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu; tiếp tục giảm tiền điện, nước và học phí.

Theo Agriseco, tỷ giá tăng ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư gián tiếp (nhà đầu tư nước ngoài thường bán ròng khi tỷ giá có xu hướng tăng), cũng như gây áp lực lên lạm phát tại Việt Nam, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có tỷ trọng nhập khẩu lớn (hiệu ứng nhập khẩu lạm phát).

Trong báo cáo mới đây tại Hội nghị Thủ tướng gặp các doanh nghiệp ngày 11/8, Bộ KH&ĐT cũng cho rằng lạm phát nhiều khả năng sẽ là vấn đề dai dẳng trong trung hạn và ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ ra trong quý II, mức tăng chi phí của doanh nghiệp đang cao hơn tăng trưởng doanh thu so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái.

Giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh. Giá thành gói thầu xây dựng tăng 18-30% theo từng thời điểm, chi phí logistics tăng 3-5 lần.

Ngoài ra, theo ông Dũng, tình trạng thiếu hụt lao động và quy định tăng lương tối thiểu vùng cũng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp. Họ phải tăng những khoản chi phí được tính tỷ lệ theo lương, trong khi giá bán ở các đơn hàng đã ký kết không thể thay đổi.

Song, bất chấp những rủi ro kể trên, Agriseco vẫn nhận định 2 quý cuối năm đà tăng trưởng vẫn sẽ duy trì trên mức 7% nhờ triển vọng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ ở các lĩnh vực so với trước dịch như công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ; xuất khẩu hàng hóa, du lịch.

Agriseco cho rằng, điều này cũng phù hợp với xu hướng đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng về nửa cuối năm như đã diễn ra suốt nhiều năm qua. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ 6% - 6,5% trong năm nay là khả thi, trừ khi xuất hiện biến cố lớn ảnh hưởng mạnh tới các hoạt động thương mại.

Tin liên quan

Đọc tiếp