Amazon mất hơn 800 tỷ USD giá trị thị trường năm 2022

CÔNG NGHỆ MỸ
14:55 - 04/01/2023
Amazon mất lượng giá trị vốn hóa khổng lồ trong năm 2022 và làm tổng quy mô thị trường của các cổ phiếu công nghệ giảm. Ảnh: Amazon
Amazon mất lượng giá trị vốn hóa khổng lồ trong năm 2022 và làm tổng quy mô thị trường của các cổ phiếu công nghệ giảm. Ảnh: Amazon
0:00 / 0:00
0:00
Trong năm 2022, cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Amazon nằm trong số những mã thua lỗ nhiều nhất trên thị trường, khi giá trị vốn hóa của tập đoàn này mất tới 834,06 tỷ USD.

Do vai trò quan trọng của Amazon đối với ngành công nghệ, sự sụt giảm giá trị thị trường của tập đoàn đoàn này thậm chí còn làm giảm tổng quy mô của các cổ phiếu công nghệ khác. Theo CNBC trích dẫn nhận định của Bespoke Investment Group, các con số này đều rất “đáng kinh ngạc”.

Để dễ hình dung hơn về quy mô của Amazon cũng như quy mô của sự mất mát nói trên, giá trị vốn hóa thị trường hiện tại của Meta Platforms vào mức 315,56 tỷ USD. Dù đã mất hơn 800 tỷ USD, Amazon vẫn có quy mô lớn gấp đôi Meta ở ngưỡng 856,94 tỷ USD.

Trên thực tế, riêng sự sụt giảm giá trị vốn hóa của Amazon đã lớn hơn 2 lần vốn hóa của Meta hiện tại. Khoản lỗ 830 tỷ USD của tập đoàn này có thể được so sánh tương đương với 10 lần giá trị thị trường của PayPal, 8 lần Intel hoặc 49 lần startup xe điện Rivian.

Nhìn chung, tình hình của Amazon phù hợp với xu hướng đi xuống của ngành công nghệ hiện tại khi lãi suất tăng, nhu cầu quảng cáo trên Internet suy yếu và các yếu tố khác. Trong năm 2022, cổ phiếu của Amazon lao dốc do thu nhập của công ty sụt giảm và kết quả kinh doanh trong quý IV/2022 không mấy khả quan.

Ở một diễn biến khác, gã khổng lồ công nghệ Apple - tập đoàn công nghệ có giá trị lớn nhất trên thế giới và đã có thời điểm chạm ngưỡng giá trị thị trường 3.000 tỷ USD cao hơn GDP của Vương quốc Anh và Ấn Độ - cũng không tránh thoát khỏi xu hướng đi xuống của thị trường công nghệ năm 2022. Cùng với Amazon, cố phiếu của tập đoàn nằm trong số thua lỗ đậm nhất nhất trên thị trường, khiến giá trị vốn hóa của Apple mất một khoản khổng lồ 846.34 tỷ USD hồi năm ngoái.

Tuy là một trong số ít những tên tuổi công nghệ lớn tránh được tình trạng sụt giảm doanh thu, Apple vẫn gặp phải nhiều khó khăn. Các thách thức lớn nhất với tập đoàn trong năm vừa qua xoay quanh mức độ phổ biến của các sản phẩm mới cũng như các vấn đề liên quan tới giao hàng trong kỳ nghỉ lễ do ảnh hưởng của các hạn chế Covid-19 của chính phủ Trung Quốc.

Ngoài ra, do các lo ngại suy thoái kinh tế tiềm ẩn dẫn tới nguy cơ người tiêu dùng hạn chế mua các sản phẩm đắt tiền, Apple cũng buộc phải giảm tốc độ tuyển dụng.

Theo một báo cáo gần đây từ nhà phân tích chuỗi cung ứng Trendforce, các lô hàng iPhone của Apple giảm 22% trong quý IV/2022 vừa qua. Tập đoàn do đó đã yêu cầu các nhà cung cấp sản xuất ít linh kiện hơn cho các sản phẩm AirPods, Apple Watch và máy tính xách tay MacBook, theo Nikkei.

Trong bối cảnh đó, cổ phiếu Apple đã giảm 3,7% xuống mức 130,20 USD / cổ phiếu trong phiên giao dịch hôm 4/1 và chạm mức thấp nhất trong 52 tuần. Điều này khiến vốn hóa thị trường của tập đoàn giảm xuống 1.990 tỷ USD. Lần đầu tiên Apple chạm ngưỡng định giá 2.000 tỷ USD là vào tháng 8/2020 trước đó do đại dịch thúc đẩy doanh số bán máy tính và điện thoại phục vụ cho làm việc và học hành từ xa. Sau đó tới tháng 1/2022, giá trị vốn hóa của tập đoàn tăng lên hơn 3.000 tỷ USD.

Tuy nhiên trong cả năm vừa qua, Apple hoạt động kém hơn chỉ số S&P 500, vốn đã giảm hơn 18% khi giá cổ phiếu của Apple giảm gần 27%. Trên thực tế, Apple không phải công ty duy nhất bị mất mức định giá 2.000 tỷ USD. Trước đây, Microsoft cũng từng thuộc danh sách này nhưng cũng bị loại trong cùng năm.

Đọc tiếp