Ấn Độ đẩy mạnh hút vốn FDI và giao thương từ các nước tiểu vùng sông Mekong

XUẤT KHẨU Việt nAM
11:22 - 22/02/2022
Ấn Độ đẩy mạnh hút vốn FDI và giao thương từ các nước tiểu vùng sông Mekong
0:00 / 0:00
0:00
Hiện nay, Ấn Độ đang sẵn sàng mở cửa để thúc đẩy đầu tư nước ngoài và giao thương với các nước, đặc biệt là các nước tiểu vùng sông Mekong trong đó có Việt Nam. Với lợi thế vị trí địa lý, các mặt hàng của Việt Nam sẽ có nhiều dư địa xuất khẩu sang Ấn Độ.

Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc, với hơn 1,4 tỷ dân, chiếm 17,7% dân số toàn cầu. Ấn Độ trong vòng 1 năm trở lại đây đang có sự bứt phát với mức GDP đạt 2,7 nghìn tỷ USD năm 2021, và mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng 8,4%.

Dự kiến trong những năm tới, Ấn Độ có thể vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai châu Á với mức GDP dự báo sẽ đạt 8,4 nghìn tỷ USD vào năm 2030, và dự báo chi tiêu tiêu dùng của nước này sẽ tăng gấp đôi từ 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2020 lên 3 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Trao đổi với Mekong Asean, ông Mihir Shah, cố vấn giải quyết các vấn đề trong xuất nhập khẩu tại Ấn Độ cho biết trong năm 2021, để đạt được thành tích tăng trưởng này, chính phủ Ấn Độ đã nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại quốc gia này. Đồng thời có những biện pháp dự trù để tiếp tục duy trì hoạt động giao thương, tránh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn thế giới.

Tại hội thảo “Áp dụng công nghệ mới tăng cường xúc tiến thương mại giữa Ấn Độ và các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS)”, Tiến sĩ Shyam Vasudev Rao, Đồng Chủ tịch Ủy ban Thiết bị Y tế FICCI và là người sáng lập kiêm Giám đốc Forus Health cho biết, sự bứt phá của Ấn Độ trong những năm gần đây đến từ việc áp dụng và làm chủ được những công nghệ cao trong các ngành từ y tế đến thương mại, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin.

Hiện nay, Ấn Độ đang đặt mục tiêu áp dụng và giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm chủ được các công nghệ cao. Ấn Độ hiện đang có hơn 3 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, quốc gia này xác định các doanh nghiệp vừa và nhỏ là cốt lõi của nền kinh tế, chỉ khi nhóm doanh nghiệp này phát triển mạnh thì nền kinh tế mới có thể vững vàng được.

Ảnh tác giả

"Doanh nghiệp vừa và nhỏ là cốt lõi của nền kinh tế, chỉ khi nhóm doanh nghiệp này phát triển mạnh thì nền kinh tế mới có thể vững vàng được"

Tiến sĩ Shyam Vasudev Rao

Ngành công nghệ điện tử cũng là ngành đang phát triển mạnh tại Ấn Độ, chiếm 37% tổng GDP các ngành hàng của quốc gia này, với tốc độ tăng trưởng 25%/năm. Ấn Độ mong muốn có thể gia tăng đầu tư ngành nghề này tại nước ngoài, chia sẻ những thành tựu công nghệ cao của mình tới các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Singapore…

Cũng chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Tài, đại diện Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam chia sẻ, ngành công nghệ thông tin của Việt Nam là ngành có tốc độ phát triển cao, chiếm GDP cao trong những năm trở lại đây, đưa Việt Nam sáng ngang cùng với nhiều nước tiên tiến trong khu vực. Nhờ vậy, Việt Nam có thể xem là môi trường đầu tư tốt, với ngành công nghệ thông tin đứng hàng đầu trong các nước vùng Đông Nam Á, lượng người sử dụng Internet cao, và những công ty đã vươn tầm ra thế giới như Viettel, FPT, VNPT…

Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều ngành nghề phát triển bị chậm lại, nhưng lại tạo điều kiện cho phát triển ngành công nghệ thông tin. Đặc biệt, chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phối hợp với các nhà khoa học nhằm phát triển ngành công nghệ thông tin trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và giao thương.

Nói về vấn đề giao thương, ông Mihir Shah cho biết, hiện nay, chính phủ Ấn Độ đang có những chính sách kích thích kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Ấn Độ cũng như kết nối giao thương hàng hóa với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Ấn Độ, đặc biệt là với các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong, trong đó có Việt Nam.

Mặt hàng hoa quả tươi còn nhiều dư địa xuất khẩu sang Ấn Độ. Nguồn Internet

Mặt hàng hoa quả tươi còn nhiều dư địa xuất khẩu sang Ấn Độ. Nguồn Internet

Đặc biệt, mặt hàng hoa quả nhiệt đới và rau quả tươi có nhiều dư địa cho xuất khẩu sang Ấn Độ, bởi đây là thị trường lớn, dân cư cao với sức tiêu thụ lớn. Hơn nữa, hiện nay, người dân Ấn Độ đã có sự quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề sức khỏe vì vậy, các mặt hàng rau quả tươi được người tiêu dùng Ấn Độ ưa chuộng, đặc biệt là các loại hoa quả nhiệt đới.

Tuy nhiên, để xuất khẩu được thực phẩm vào Ấn Độ, ngoại trừ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm riêng tùy vào từng mặt hàng thì các sản phẩm bắt buộc phải có Giấy phép thực phẩm theo Cục Tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm Ấn Độ (FSSAI).

Chia sẻ với Mekong Asean, ông Astik Kumar, Giám đốc công ty xuất nhập khẩu Saitava International cho rằng, nhờ vị trí địa lý gần gũi giữa hai quốc gia nên việc giao thương trở nên thuận tiện, mang đến nhiều lợi thế hơn. Hơn nữa, Việt Nam hiện nay cũng có cơ chế mở, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu giao thương với Việt Nam.

Thời gian vừa qua, để phát triển giao thương, các cơ quan chức năng hai nước đã phối hợp tổ chức nhiều buổi tọa đàm, xúc tiến thương mại được tổ chức cho các doanh nghiệp hai nước.

Trong tương lai, Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy hình thành tuyến đường không thẳng tới Ấn Độ làm giảm thiểu thời gian vận chuyển hàng hóa, kích thích giao thương và du lịch giữa hai nước.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt hơn 6,2 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 6,9 tỷ USD, tăng gần 57%, cán cân thương mại nghiêng về phía nhập siêu.

Mới đây, tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt gần 713,2 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu từ Ấn Độ đạt hơn 674,5 triệu USD, tăng 36%.

Tin liên quan

Đọc tiếp