An Giang đầu tư 14,2 tỷ đồng để phát triển thương hiệu gạo

Gạo An Giang
13:06 - 19/07/2022
Tổng kinh phí dự kiến triển khai phát triển thương hiệu gạo An Giang trên 14,2 tỷ đồng.
Tổng kinh phí dự kiến triển khai phát triển thương hiệu gạo An Giang trên 14,2 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh An Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, gạo thương hiệu An Giang tiêu thụ thị trường nội địa khoảng 5.000 tấn và lượng xuất khẩu đạt từ 45.000 - 50.000 tấn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa ký Quyết định và Ban hành Chương trình chế biến gạo phục vụ Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Tổng kinh phí dự kiến triển khai Chương trình trên 14,2 tỷ đồng.

Trong bối cảnh chung, xuất khẩu gạo chịu sự chi phối bởi động thái của nhiều quốc gia, nhiều chính sách kiểm soát nhập khẩu, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trước viễn cảnh trên, ngành hàng xuất khẩu gạo An Giang muốn duy trì, phát triển thì phải canh tác, sản xuất, chế biến và cung ứng ra thị trường những sản phẩm gạo an toàn, chất lượng, có thương hiệu.

Trước vấn đề bức thiết đó, UBND tỉnh đã triển khai Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án được thực hiện không chỉ góp phần quản lý và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gạo tỉnh mà còn tạo dựng hình ảnh, uy tín và thương hiệu gạo An Giang và của Việt Nam nói chung trên toàn thế giới.

Giai đoạn 1 (từ năm 2022 - 2025): Lựa chọn một số doanh nghiệp doanh nghiệp xuất khẩu gạo điển hình tham gia đề án.

Giai đoạn 2 (từ năm 2026 - 2030): Mở rộng các doanh nghiệp tham gia.

Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, gạo thương hiệu An Giang tiêu thụ thị trường nội địa khoảng 5.000 tấn; năm 2030 đạt 10.000 tấn. Gạo An Giang có mặt tại các hệ thống phân phối hiện đại như: Co.op Mart, VinMart, Big C, Auchan, Bách Hóa Xanh...; kênh phân phối truyền thống tại các chợ, đại lý, cửa hàng; kênh Horeca (Cung ứng gạo qua kênh bếp ăn chuỗi nhà hàng, khách sạn) tại các thành phố lớn.

Xuất khẩu tập trung vào các thị trường lớn như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippin... Đến năm 2025, xuất khẩu gạo mang thương hiệu An Giang đạt tỷ lệ khoảng 10% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của tỉnh; lượng xuất khẩu đạt từ 45.000 - 50.000 tấn. Năm 2030 xuất khẩu gạo mang thương hiệu An Giang đạt khoảng 100.000 tấn. Phấn đấu gạo thương hiệu An Giang trở thành thương hiệu gạo quốc gia.

Tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm gạo chế biến

An Giang là một trong 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng lúa lớn đứng thứ hai của cả nước (chỉ sau tỉnh Kiên Giang) hằng năm đạt gần 4 triệu tấn, xuất khẩu hằng năm đạt từ 500.000 – 550.000 tấn gạo, mang về nguồn ngoại tệ đạt trên 250 triệu USD, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và trở thành một trong bốn ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Tỉnh hiện có 23 doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Các công ty cũng từng bước hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất và kỹ thuật công nghệ để đáp ứng theo yêu cầu tiêu chuẩn hóa về hội nhập kinh tế quốc tế.

Xuất khẩu hằng năm của An Giang đạt từ 500.000 – 550.000 tấn gạo.

Xuất khẩu hằng năm của An Giang đạt từ 500.000 – 550.000 tấn gạo.

Tổng năng lực của 23 doanh nghiệp trong tỉnh có sức chứa đạt 522.800 tấn lúa và 551.594 tấn gạo. Công suất xay xát đạt 628 tấn thóc/giờ và công suất xát trắng đạt 776 tấn gạo/giờ và có tổng cộng 42 nhà máy, kho chứa trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, An Giang còn có 16 doanh nghiệp ngoài tỉnh với tổng năng lực của sức chứa đạt 138.125 tấn lúa và 198.024 tấn gạo. Về công suất xay xát đạt 261 tấn lúa/giờ và công suất xát trắng đạt 342 tấn gạo/giờ và có tổng cộng 20 nhà máy, kho chứa trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên đối với thương hiệu gạo An Giang, việc hệ thống hóa cũng như tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm gạo chế biến là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Theo đó, An Giang đề ra mục tiêu xây dựng một quy trình chế biến gạo đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng trong nước lẫn quốc tế (từ nhà xưởng, kỹ thuật công nghệ, hệ thống máy móc, trang thiết bị, hệ thống quản lý chất lượng đến tiêu chuẩn sản phẩm, bao bì đóng gói.

Hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn An Giang đều đáp ứng tốt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về máy móc thiết bị, dây chuyền chế biến của các doanh nghiệp đều được đầu tư khá đồng bộ, bao gồm thiết bị của các công đoạn chế biến như: thiết bị sấy, máy bóc vỏ, máy lau bóng, máy tách màu, sàn tách đá, máy dò kim loại, cân điện tử, hệ thống kho bảo quản… Hệ thống quản lý chất lượng áp dụng như: HACCP, ISO 9001:2015, ISO 22000:2005, BRC, GMP.

Tin liên quan

Đọc tiếp