Anh đề xuất phạt các công ty truyền thông 'thờ ơ' với nội dung tự gây hại

truyền thông ảnh
11:11 - 28/11/2022
Anh đề xuất phạt các công ty truyền thông 'thờ ơ' với nội dung tự gây hại
0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ Anh cho rằng việc khuyến khích người khác tự ngược đãi bản thân trên mạng là hành vi bất hợp pháp và quyết định phạt các công ty truyền thông xã hội "thờ ơ" với những nội dung tự gây hại trên các nền tảng xã hội.

Bộ kỹ thuật số, Văn hoá, Truyền thông và Thể thao Vương quốc Anh (DCMS) cho biết, họ muốn yêu cầu các công ty truyền thông xã hội phải ngăn chặn những thông tin, nội dung liên quan đến khuyến khích người khác tự ngược đãi bản thân.

Theo Reuters, Bộ trưởng DCMS Michelle Donelan nói rằng: “Các công ty truyền thông xã hội sẽ không còn là người đứng ngoài cuộc nữa. Họ có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt vì cho phép những hành vi khuyến khích người khác tự ngược đãi bản thân xuất hiện trên nền tảng của họ, theo luật của chúng tôi”.

Các đề xuất nhằm ngăn chặn các hình ảnh và video, hay bất kỳ nội dung nào như khuyến khích tự ngược đãi bản thân, tương tự như trường hợp của cô gái Molly Russell 14 tuổi đã qua đời vào năm 2017, đã từng làm chấn động của công chúng một thời. Cái chết của Molly được kết luận một phần do mạng xã hội. Các nền tảng đã để cô gái tiếp xúc với nội dung độc hại mà đáng ra một thiếu niên không thể xem.

Theo đề xuất, các công ty truyền thông xã hội buộc phải loại bỏ và hạn chế người dùng tiếp xúc với nội dung cố tình khuyến khích hành vi tự làm hại mình. Các công ty truyền thông xã hội sẽ phải chịu một khoản tiền phạt, cũng như hình phạt hình sự đối với những ai khuyến khích, thúc đẩy hành vi tự làm hại bản thân, sẽ được đưa vào sửa đổi Dự luật An toàn trực tuyến trước Quốc hội Anh vào tháng tới.

Quy định hình phạt về các hành vi này sẽ nằm trong Dự luật An toàn trực tuyến, đã được Quốc hội Anh thông qua kể từ dự thảo đầu tiên vào tháng 5 năm 2021.

Bà Michelle Donelan trước đó cũng tìm cách cấm những nội dung “hợp pháp nhưng có hại” trên mạng, khi nỗ lực cân bằng giữa việc tăng cường an toàn cho trẻ em trên mạng với việc duy trì quyền tự do ngôn luận. Điều này đã nhận lại không ít sự chỉ trích từ các công ty công nghệ và các nhà tự do ngôn luận. Họ cho rằng định nghĩa này quá mơ hồ và có thể được sử dụng tuỳ tiện hình sự hoá hành vi hợp pháp.

Tuy nhiên, dự luật đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tổ chức từ thiện về sức khoẻ tâm thần và trẻ em, cũng như những người đang tìm cách ngăn chặn vấn nạn phân biệt chủng tộc và giới tính trên mạng.

Đọc tiếp