Áp lực lạm phát khó làm thay đổi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước

VĨ MÔ Việt nAM
06:10 - 28/03/2022
Áp lực lạm phát khó làm thay đổi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo vĩ mô mới nhất do VNDirect công bố nhận định rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine có tác động trực tiếp không lớn đến nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên những tác động gián tiếp đang tăng lên, nhất là rủi ro lạm phát.

VNDirect dự báo lạm phát năm 2022 khoảng 3,45%, tăng trưởng GDP lạc quan

Theo VNDirect, tác động lan tỏa của cuộc xung đột Nga - Ukraine đến lạm phát Việt Nam là đáng lưu tâm trong bối cảnh giá hàng loạt nguyên liệu đầu vào quan trọng của thế giới tăng lên, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất.

Tính đến tháng 2, lạm phát tại Việt Nam vẫn ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,42% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức tăng khoảng 1,9% hồi tháng 1. Dù giá xăng dầu tăng mạnh kéo chỉ số giá nhóm hàng vận tải tăng hơn 15% so với cùng kỳ, điều này chỉ đóng góp một phần nhất định trong mức tăng CPI chung.

Bên cạnh đó, mức giảm của nhóm hàng thực phẩm và dịch vụ giáo dục đã bù đắp đáng kể mức tăng của nhóm vận tải.

Dù vậy, nhóm nghiên cứu VNDirect cảnh báo áp lực lạm phát sẽ tăng đáng kể từ tháng 3 tới do giá dầu thô và khí đốt tự nhiên thế giới khó có thể sớm trở lại mức trước khủng hoảng, trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine kéo dài.

“Xung đột càng kéo dài thì tác động càng lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp”, báo cáo của VNDirect chỉ rõ.

Tuy nhiên, theo những tính toán của tổ chức nghiên cứu này, lạm phát bình quân trong năm 2022 sẽ chỉ ở mức khoảng 3,45%, tức dưới mức mục tiêu 4% do kinh nghiệm và khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua phương án giảm khoảng 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiều mặt hàng xăng dầu nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu và kiềm chế lạm phát.

Ngoài ra, một số đề xuất khác như giảm giá các hàng hóa dịch vụ thiết yếu khác bao gồm điện, học phí, phí dịch vụ y tế… cũng có khả năng giúp giảm áp lực lạm phát trong nước trong thời gian tới.

VNDirect duy trì dự báo lạm phát 3,45% cho năm 2022. Với tăng trưởng kinh tế nói chung, VNDirect lạc quan cho rằng tăng trưởng GDP quý I/2022 đạt khoảng 5,5% và tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7,5% trong bối cảnh nhu cầu trong nước hồi phục và dòng vốn FDI mạnh mẽ.

Một số dự báo vĩ mô mới nhất của VNDirect (Ảnh: VnDirect)

Một số dự báo vĩ mô mới nhất của VNDirect (Ảnh: VnDirect)

Dự báo của VNDirect tương đối lạc quan so với nhiều dự báo kinh tế của các tổ chức nghiên cứu trong nước khác. Chẳng hạn, VCBS dự báo trong tăng trưởng GDP cả năm 2022 của Việt Nam cao nhất chỉ khoảng 7,2%, trong khi BSC dự báo lạm phát năm 2022 có thể lên tới 4,5% trong kịch bản tiêu cực.

Chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục duy trì, ít nhất đến hết quý II

Với dự báo lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, VNDirect kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất trong nửa đầu năm do 3 nguyên nhân chính.

Đầu tiên, chỉ số giá tiêu dùng bình quân hai tháng đầu năm vẫn thấp hơn đáng kể so với mức mục tiêu 4% mà Chính phủ đưa ra. Ngoài ra, sức cầu trong nước vẫn tương đối yếu, chưa phục hồi hoàn toàn về mức bình thường trước đại dịch nên tiếp tục cần những hỗ trợ tài khóa và tiền tệ. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Mặc dù đa số các nhà kinh tế không kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cắt giảm lãi suất chính sách chủ chốt trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng, nhưng tin tưởng lãi suất điều hành sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp ít nhất trong 6 tháng đầu năm để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế.

“Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ thị trường thông qua hoạt động thị trường mở, chẳng hạn như bơm thanh khoản tiền đồng, mua vào ngoại hối hay nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái trong năm 2022”, nhóm nghiên cứu VNDirect nhấn mạnh.

Quan điểm này tương tự với nhận định của nhóm nghiên cứu VCBS rằng thông điệp nhất quán từ Ngân hàng Nhà nước cho tới nay là sử dụng tối đa nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch.

Về lãi suất huy động, tính đến ngày 2/3/2022, mặc dù lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước không thay đổi so với mức cuối năm 2021, nhưng ở các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất tiếp tục có sự biến động tăng.

Để so sánh, VCBS cũng nhận định rằng có hiện tượng lãi suất huy động tăng cục bộ tại một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân; tuy nhiên không biến động tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước. Từ đầu năm tới nay, lãi suất huy động toàn hệ thống nhìn chung tăng nhẹ tại các kỳ hạn ngắn.

(Ảnh: VNDirect)

(Ảnh: VNDirect)

VNDirect cho rằng mặt bằng lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp lịch sử vào năm 2022 do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc, áp lực lạm phát tăng và sự cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn.

Theo đó, VNDirect cho rằng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 0,3-0,5% trong năm 2022. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại dự báo sẽ tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm nhưng thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/ năm.

Về lãi suất cho vay, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% nằm trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội với đối tượng thụ hưởng là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tham gia dự án trọng điểm quốc gia và doanh nghiệp trong các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch; VNDirect tính toán rằng gói cấp bù lãi suất có thể giúp giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung bình từ 0,2-0,4% trong năm 2022.

Tuy nhiên, tác động thực tế của gói cấp bù lãi suất đối với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể thấp hơn trong trường hợp các ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động.

Tin liên quan

Đọc tiếp