Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai sẽ thực hiện dự án vành đai 4 TP HCM cùng thời điểm

giao thông Tp.HCM
18:05 - 18/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai có buổi họp nghe đơn vị tư vấn trình bày về dự án đường vành đai 4 hôm 17/4, trong đó lãnh đạo 2 tỉnh này cho biết sẽ thực hiện dự án vành đai 4 TP HCM cùng thời điểm từ lúc triển khai đến khi đưa vào vận hành.

Tại cuộc họp, sau khi nghe các công ty tư vấn và ý kiến của các sở, ngành 2 địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai thống nhất cả hai địa phương này cùng lúc triển khai thi công đường Vành đai 4 TPHCM, dự kiến hoàn thành trước năm 2025.

Đơn vị tư vấn cho biết 2 tỉnh trên có mối quan hệ hữu cơ vì sát nhau, cùng có các cảng quốc tế, có nhiều khu công nghiệp. Trong đó, cánh phía đông của đường này đi qua các khu công nghiệp của Đồng Nai, Bình Dương, đi qua cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng container nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Do đó, 2 tỉnh cần phải đầu tư đường vành đai 4 cùng một lúc để tránh chuyện "đường cụt". Đơn vị tư vấn cũng trình các phương án tài chính để làm con đường này qua 2 tỉnh, với tổng vốn đầu tư từ 6.200 đến gần 7.000 tỉ đồng.

Sơ đồ đường Vành đai 4 TP. HCM trong đó có đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP.HCM
Sơ đồ đường Vành đai 4 TP. HCM trong đó có đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP.HCM

Sau khi nghe đơn vị tư vấn trình bày, các sở, ban ngành của 2 tỉnh đã đóng góp ý kiến cho dự án tiền khả thi về nút giao giữa đường vành đai 4 với các con đường khác, phương án tài chính.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đoạn tuyến đi qua địa bàn 2 tỉnh là cung đường đầu tuyến, có tính liên kết chặt chẽ với nhau trong lưu thông vận tải đường bộ, thuộc khu vực kinh tế xã hội Đông Nam bộ. Vì vậy lãnh đạo 2 tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ tiền khả thi. "Chúng tôi sẽ cùng làm để cùng phát triển", ông Thọ nói thêm.

Quy hoạch chi tiết tuyến vành đai 4 TP HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2011, đi qua địa giới hành chính của 5 tỉnh, thành phố gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An. Tổng chiều dài quy hoạch khoảng 197,6 km (tổng chiều dài nghiên cứu thực tế khoảng 200 km).

Điểm đầu từ Bà Rịa - Vũng Tàu tại điểm giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, khu vực Phú Mỹ và điểm cuối nối với trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, TP HCM.

Dự án được cập nhật điều chỉnh trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có quy mô 8 làn xe. Tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp