Ba trụ cột trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững của Việt Nam

sự kiện Việt nAM
15:43 - 29/11/2022
Ba trụ cột quan trọng trong chiến lược tăng trưởng nhanh, bền vững.
Ba trụ cột quan trọng trong chiến lược tăng trưởng nhanh, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam được xây dựng xuyên suốt, nhất quán trong nhiều năm qua, trong đó xác định Kinh tế, Xã hội và Môi trường là 3 trụ cột quan trọng và không thể coi nhẹ yếu tố nào.

ESG - Chìa khóa cho Phát triển bền vững

Tại Hội thảo Phát triển bền vững 2022: "ESG - Chìa khóa cho Phát triển bền vững 2022" sáng 29/11, các chuyên gia đều nhấn mạnh, đầu tư theo chuẩn mực ESG (môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị doanh nghiệp) đang trở thành xu thế trên thế giới.

Ngoài việc đánh giá hiệu quả kinh doanh các công ty, quỹ đầu tư sẽ sàng lọc và đầu tư vào các công ty đạt điểm đánh giá cao về các tiêu chuẩn ESG. Do đó, việc công bố thông tin ESG minh bạch sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn trên thị trường tài chính không những trong nước mà cả quốc tế tốt hơn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc Tư vấn các chương trình ESG, KPMG Việt Nam và Campuchia lại cho rằng, ESG không phải là một xu thế mà thực sự cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp.

"Đây là hành trình lâu dài chứ không phải xu hướng ngắn hạn trong một vài năm. Dù khá mới mẻ, nhưng đã xuất hiện các doanh nghiệp tại Việt Nam bước đầu đã đưa ra các tiêu chí để thực thi ESG" Ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc Tư vấn các chương trình ESG, KPMG Việt Nam và Campuchia

Đồng quan điểm, ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng, chúng ta đang trong quá trình thực hiện phát triển bền vững và đây là bắt buộc chứ không phải mong muốn nữa.

"Mục tiêu đưa mức phát thải ròng về bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Chính phủ tưởng như còn xa, nhưng thật ra chỉ còn 28 năm. Do đó, cần phải thực hiện ngay, không thể chậm trễ", đại diện từ UNDP Việt Nam nhấn mạnh.

Trên thực tế, dù rất nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được vấn đề này, nhưng còn vô vàn khó khăn và thử thách vẫn cần phải đối mặt và vượt qua để thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững. Sự thiếu hụt về nguồn lực cả con người, tài chính và những am hiểu cần thiết để đáp ứng các chuẩn mực cao về ESG,... đang là trở ngại đối với không ít doanh nghiệp.

Do đó, theo ông Nguyễn Chí Hiếu, để giải quyết các vấn đề nêu trên, các doanh nghiệp cần đánh giá lại năng lực của mình và bắt đầu ngay lập tức việc tích hợp ESG, trong đó khuyến khích lựa chọn tiêu chí phù hợp để áp dụng.

Ví dụ như tiêu chí rủi ro về môi trường ở Việt Nam vẫn có nhiều khác biệt so các nước khác, nếu doanh nghiệp biết lựa chọn thì có thể tìm được cam kết có thể thực hiện được ngay, hay áp dụng được các bộ khung theo quy định của Nhà nước.

Về vấn đề nhân sự, chuyên gia này cho rằng, nhân sự có kinh nghiệm về ESG cần được xây dựng từ ngay trong chính các doanh nghiệp. Ngoài việc doanh nghiệp tự đào tạo nội bộ, nên sử dụng các phòng, ban kiêm nhiệm về vấn đề ESG trước khi chuyển bộ phận này sang chuyên biệt về ESG, thay vì tìm ngay từ bên ngoài các nhân sự chuyên biệt như vậy.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nick Wood, cố vấn cấp cao của Công ty FTI Consulting cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang liên kết với nhiều thị trường quốc tế, do đó điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt cần tiếp cận, hiểu rõ các tiêu chí về ESG để thúc đẩy việc áp dụng và đáp ứng yêu cầu liên quan của các thị trường nước ngoài.

Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng hệ quy chiếu ở các nước khác nhau cho nên dẫn đến có độ vênh về các tiêu chí và áp dụng ESG, nên cần có những hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan có liên quan và các đơn vị có kinh nghiệm để giúp các doanh nghiệp xác định rõ vị trí của mình và họ cần phải làm gì để ứng dụng bộ tiêu chí này.

Cần có chính sách khuyến khích ổn định để các doanh nghiệp áp dụng ESG

Chia sẻ từ thực tế áp dụng ESG tại doanh nghiệp, ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch CTCP Đầu tư CME Solar (CMES) cho biết, việc áp dụng ESG đã mang lại những kết quả cụ thể, tích cực, cụ thể và lâu dài trên nhiều khía cạnh như giúp kiểm soát rủi ro có thể phát sinh liên quan đến yếu tố môi trường, hỗ trợ thu hút nguồn vốn đầu tư bền vững, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay phù hợp với doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận thị trường,...

Bên cạnh đó, để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26, trong đó chắc chắn có sự tham gia và huy động nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp, những đơn vị có vai trò trực tiếp trong quá trình giảm phát thải CO2. Việc áp dụng ESG là hướng đi rất thiết thực để các doanh nghiệp chung tay, thực hiện cam kết đó.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, CMES thời gian qua đã đầu tư nguồn lực, xây dựng hệ thống, áp dụng ESG, tạo nền tảng để phát triển bền vững.

Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng vẫn còn một số khó khăn nhất định khi áp dụng ESG. Bên cạnh quyết tâm và nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, nền tảng chính sách là rất quan trọng, nhất là trong những giai đoạn ban đầu khi doanh nghiệp áp dụng ESG.

"Những chính sách được ban hành phù hợp cùng với việc kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc sẽ là nền tảng, khung pháp lý để doanh nghiệp yên tâm, mạnh dạn đầu tư áp dụng ESG và các giải pháp mới, đáp ứng yêu cầu về môi trường, xã hội, quản trị công ty" Ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch CTCP Đầu tư CME Solar

Do đó, ông Kiên đưa ra một số đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp khi áp dụng ESG. Cụ thể, về chủ trương, điện mặt trời áp mái nói riêng và việc đầu tư, áp dụng ESG nói chung là định hướng và được sự khuyến khích mạnh mẽ của Chính phủ. Để các chủ trương, chính sách lớn đi vào thực tiễn, mang lại động lực, thuận lợi cụ thể, thiết thực cho các doanh nghiệp thì những hướng dẫn chi tiết trong các lĩnh vực liên quan (như điện lực, xây dựng, phòng cháy chữa cháy,…) cần được ban hành kịp thời, đồng bộ và có tính ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển.

Trên thực tế, một số chính sách hướng dẫn liên quan chưa kịp thời ban hành và chưa đảm bảo tính đồng bộ, ổn định đã gây ra các khó khăn cho hoạt động đầu tư, triển khai của doanh nghiệp. Với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý liên quan và đồng hành cùng doanh nghiệp, những vướng mắc trên được tháo gỡ sẽ tạo thuận lợi, đẩy nhanh tốc độ các doanh nghiệp áp dụng ESG.

Thêm vào đó, với tốc độ tăng trưởng quy mô công suất nguồn điện ở mức cao và xu hướng năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn năng lượng chính đáp ứng nhu cầu điện của nền kinh tế, thì tiềm năng thị trường cho chứng chỉ năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn. Đồng thời, nếu được kết nối với thị trường Chứng chỉ năng lượng tái tạo thế giới thì sẽ hình thành một thị trường giao dịch mang lại nguồn thu bổ sung đáng kể cho các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo.

Việc ban hành chính sách tạo nền tảng quy định đối với chứng chỉ năng lượng tái tạo và khung pháp lý cho thị trường chứng chỉ năng lượng tái tạo ở Việt Nam sẽ tạo tiền đề hỗ trợ và hình thành thị trường này, cũng như tạo điều kiện kết nối với thị trường khu vực và trên thế giới.

Bàn thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, chuyên gia tăng trưởng xanh, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, ESG chính là cách tiếp cận mà doanh nghiệp cần phải hướng tới trong phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh và giảm phát thải.

Trên phương diện của cơ quan quản lý Nhà nước, bà Nga cho rằng với vai trò của mình, các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thông tấn báo chí, các cơ sở nghiên cứu và đối tác phát triển cần lan tỏa ESG vào cộng đồng, để doanh nghiệp hiểu được ý nghĩa của vấn đề này, qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện đúng trách nhiệm, có hỗ trợ với cộng đồng.

Ngoài ra, chuyên gia này kiến nghị, với 99% các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần thúc đẩy việc tạo dựng chuỗi giá trị liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, để từ đó đạt được mục tiêu Net Zero.

Bên cạnh đó, chuyển dịch năng lượng cũng là vấn đề quan trọng đối với Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, chuyên gia Nguyễn Thị Thanh Nga cho rằng, cần thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, giảm tiêu hao trong phát triển bền vững. Đó cũng chính là thúc đẩy phát triển bền vững, xanh và ESG đối với doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.