Bamboo Capital lãi hơn nghìn tỷ đồng trong năm 2021

BCG Việt nAM
16:37 - 19/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) năm 2021 đạt 2.618 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng đột biến đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ tăng lần lượt 41,1% và 275,9% so với thực hiện của năm 2020.

Kết quả kinh doanh của BCG năm 2021 có sự tăng trưởng mạnh mẽ là do có sự đóng góp từ hoạt động thi công, xây lắp đến từ Công ty Tracodi; hơn 300 MW các dự án năng lượng tái tạo bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối 2020 đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận cũng như hoạt động M&A trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; ghi nhận bàn giao 7 căn biệt thự tại dự án King Crown Village Thảo Điền và lợi nhuận từ hoạt động M&A tại các dự án như Cầu Rồng ở Đà Nẵng và Amor Garden Hội An (dự án Xuân Phú Hải).

Theo Báo cáo thường niên 2021 của Bamboo capital group, Biên lợi nhuận gộp hợp nhất năm 2021 đạt 36,2% được cải thiện từ mức 22,7% của năm 2020 do có sự dịch chuyển cơ cấu doanh thu sang trong các mảng hoạt động chiến lược.

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, kế hoạch bàn giao dự án Malibu Hội An phải dời từ cuối năm 2021 sang nửa đầu năm 2022, do đó doanh thu và lợi nhuận từ dự án Malibu Hội An đã không được ghi nhận theo kế hoạch trong năm 2021, thay vào đó sẽ ghi nhận vào năm 2022.

Dự án Malibu Hội An của Tập đoàn Bamboo Capital. Nguồn: BCG.

Dự án Malibu Hội An của Tập đoàn Bamboo Capital. Nguồn: BCG.

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của BCG đạt 37.689 tỷ đồng, tăng 56,2% so với cùng kỳ 2020. Cụ thể, vốn chủ sở hữu năm 2021 đạt 8.350 tỷ đồng, tăng 181,8% so với năm 2020, trong khi nợ phải trả chỉ tăng 38,6%. Nhờ những nỗ lực huy động vốn đã giúp BCG nhanh chóng cải thiện tỷ lệ đòn bẩy với tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu giảm từ 7,2 lần tại cuối năm 2020 xuống 3,5 lần vào cuối năm 2021.

Về tài sản ngắn hạn, BCG tăng khoản đầu tư tài chính lên 1.001 tỷ đồng, tăng 75%. Ban lãnh đạo BCG lý giải rằng trong năm 2021, tình hình Covid-19 phức tạp đã ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án bất động sản và năng lượng tái tạo. Vì vậy, BCG đã đầu tư vào các công cụ tài chính để đảm bảo hiệu quả tối ưu trong việc sử dụng vốn đã huy động. Số dư tiền và các khoản tương đương tiền cuối năm 2021 của BCG là 1.044 tỷ đồng.

Sau kiểm toán, nợ phải trả của BCG là 29.340 tỷ đồng tại ngày 31/12/2021. So với trước kiểm toán, nợ ngắn hạn của BCG tăng thêm 1.228 tỷ đồng, trong khi nợ dài hạn giảm 1.232 tỷ đồng, nguyên nhân do các khoản nợ được phân loại lại tiêu chí thời gian phù hợp hơn. Vì vậy, tổng nợ của BCG gần như không có sự thay đổi.

Việc nợ dài hạn tăng khá mạnh (hơn 9.000 tỷ đồng) trong năm 2021 chủ yếu do BCG huy động vốn dài hạn qua kênh trái phiếu để triển khai các dự án điện gió. Trong năm 2021, BCG đã giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu từ 7,2 lần tại cuối năm 2020 xuống 3,5 lần vào cuối năm 2021.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, Bamboo Capital đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 7.250 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.200 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,8 và 2,2 lần so với thực hiện năm trước. Cổ tức dự kiến 5% bằng tiền mặt.

Trong giai đoạn 2022 – 2026, Bamboo Capital định hướng trở thành tập đoàn đa ngành trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, bất động sản, nông nghiệp, thương mại dịch vụ và tài chính xây dựng với mục tiêu lãi ròng tăng khoảng 50% qua các năm, phấn đấu lợi nhuận sau thuế năm 2026 sẽ vượt 10.000 tỷ đồng.

Năm nay, BCG vẫn sẽ tập trung vào mảng năng lượng tái tạo, thông qua BCG Energy, để tăng tốc triển khai và đưa vào hoạt động những dự án mới, đặc biệt là các dự án điện gió. Bên cạnh đó, BCG Energy sẽ nghiên cứu mảng điện khí LNG và công nghệ dự trữ điện. Mục tiêu đạt được ít nhất 2.000 MW tổng sản lượng phát điện trong danh mục đến năm 2025.

Cũng theo báo cáo nêu trên, với mảng kinh doanh bất động sản, BCG Land đặt mục tiêu nhanh chóng hoàn thiện các dự án còn đang dang dở trong năm 2021, để ghi nhận doanh thu cho năm 2022, đồng thời tìm kiếm cơ hội mở rộng quỹ đất. Bên cạnh đó, công ty sẽ tham gia phát triển các dự án trong phân khúc khu công nghiệp. Dự kiến vào quý III, BCG Land sẽ hoàn thiện các thủ tục để trở thành công ty đại chúng và IPO.

Với mảng sản xuất và thương mại, CTCP Phát triển Nguyễn Hoàng sẽ tập trung sản xuất cả mặt hàng chủ lực như đồ gỗ nội, ngoại thất, tinh bột sắn,... Công ty này cũng đang hoàn thiện hồ sơ để lên giao dịch trên UpCOM từ quý 2 và dự kiến sẽ niêm yết trên HNX từ năm 2023.

Với mảng xây dựng, Tradico (mã TCD) cũng dự kiến sẽ sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 để tăng vốn lên 5.164 tỷ đồng. Công ty sẽ triển khai thi công và nghiệm thu theo giai đoạn với các dự án bao gồm: Malibu Hội An; dự án Amor Riverside Bình Chánh (TP HCM); dự án King Crown InFinity (TP Thủ Đức),...

Ngoài ra, năm nay BCG còn lên kế hoạch góp 5.000 tỷ đồng vào BCG Financial thông qua các đợt chào bán. BCG Financial cũng lên kế hoạch đầy tham vọng, trong đó dự tăng vốn điều lệ từ 2.975 tỷ đồng vào cuối năm 2021 lên hơn 10.094 tỷ đồng tại cuối năm 2022.

Với mảng dịch vụ tài chính mới này, BCG có đầu tư vào công ty chứng khoán, ngân hàng và giao dịch nổi bật nhất là mua lại Bảo hiểm AAA. Riêng với AAA, sau khi mua lại thì BCG cho biết đang có đội ngũ tái cơ cấu và mở rộng với một kế hoạch đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu lên hơn 10 lần.

Về kế hoạch cổ tức, năm nay, tập đoàn dự kiến chia cổ tức với tổng tỷ lệ 10% (5% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu). Đồng thời phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cho năm 2021, tỷ lệ cổ tức dự kiến là 10% gồm tiền mặt và cổ phiếu, thay vì 12% như ban đầu.

Tin liên quan

Đọc tiếp