Bàn giải pháp để Việt Nam không 'đi trước, về sau' trong phục hồi du lịch quốc tế

DU LỊCH Việt nAM
13:05 - 21/12/2022
Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, báo cáo tình hình thu hút du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, báo cáo tình hình thu hút du lịch quốc tế đến Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam mở cửa du lịch từ 15/3/2022, sớm hơn nhiều nước trong khu vực, đồng thời cũng thực hiện nhiều chính sách để thu hút khách quốc tế quay trở lại sau 2 năm đóng băng do Covid-19. Tuy nhiên, tín hiệu phục hồi từ thị trường này vẫn không mấy khả quan.

Ngành du lịch đang "đi trước, về sau"

Sáng 21/12, tại Hội nghị "Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, báo cáo tình hình thu hút du lịch quốc tế đến Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

11 tháng năm 2022, lượng khách du lịch nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so mục tiêu đặt ra 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, vượt hơn 23% so kế hoạch năm 2022 và bằng 66% so năm 2019.

Hoạt động du lịch tại các trung tâm du lịch trọng điểm; các địa phương ghi nhận lượng khách tăng vượt bậc so với năm 2021. Các doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu quay lại thị trường; mở thêm nhiều dịch vụ, tăng kế hoạch kinh doanh hè (tăng thêm khoảng 20%); nhiều doanh nghiệp đã đạt gần 70% kế hoạch kinh doanh của cả năm.

Trong khi đó, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đã hoạt động trở lại bình thường. Trong dịp cao điểm du lịch hè dành cho khách nội địa vừa qua, công suất phòng khách sạn tăng cao: Ngày cuối tuần đạt trung bình trên 55%, các ngày trong tuần đạt từ 25% đến 50%. Một số nơi như Hạ Long, Sa Pa, Quy Nhơn, Phú Quốc có thời điểm đạt công suất trên 95%.

Các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới, các đường bay nội địa tới một số địa bàn du lịch trọng điểm; giá vé cao điểm hè cũng tăng hơn 20% so với các tháng trước đó…

Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón 2,9 triệu khách quốc tế (giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019). Trong số 2,9 triệu khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng năm 2022 thì có 2,7 triệu khách du lịch (chiếm 93,1%).

Dù là một trong trong những nước mở cửa du lịch sớm nhất khu vực nhưng tính chung 11 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, chưa đạt mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch quốc tế được đề ra từ đầu năm.

Tìm giải pháp phục hồi lại thị trường quốc tế

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu trăn trở: "Việt Nam mở cửa nền kinh tế sớm so các nước khác khi vẫn còn đang dịch Covid-19; ngay sau đó, chúng ta quyết định tổ chức SEA Games 31, mở cửa du lịch… Tuy nhiên, trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh, số lượng du khách vượt kế hoạch đề ra thì du lịch quốc tế vẫn có điểm nghẽn".

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Do đó, Thủ tướng đề nghị làm rõ nguyên nhân tại sao Việt Nam lại "đi trước, về sau" trong phục hồi du lịch quốc tế. "Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm?".

Thủ tướng đặt vấn đề: "Các doanh nghiệp đã làm gì? Đã đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực du lịch chưa? Sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới sáng tạo chưa? Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã đưa vào ngành du lịch chưa? Công tác truyền thông, quảng bá du lịch đã xứng tầm chưa?".

Trước những khó khăn của ngành, Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề là chúng ta có quyết tâm khôi phục ngành du lịch, tạo sự phát triển đột phá trong năm 2023 hay không với việc thu hút khách du lịch quốc tế, lấy văn hoá làm nền tảng thúc đẩy phát triển du lịch.

Trong thời điểm sôi động của du lịch quốc tế dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tham dự đưa ra phương án thúc đẩy phát triển du lịch nói chung, thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, đồng thời bàn giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành du lịch bền vững trong tương lai.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm tê liệt hoạt động du lịch toàn cầu. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, lĩnh vực du lịch thế giới đã trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử và phải mất 2-4 năm mới có thể lấy lại đà tăng trưởng bằng mức trước dịch. Đối với Việt Nam, ngành du lịch chưa bao giờ chịu thiệt hại nặng nề như cuộc khủng hoảng lần này.

Trước tác động nặng nề đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để ngành du lịch sớm phục hồi, tăng cường thu hút khách du lịch. Cụ thể, Việt Nam đã mở cửa du lịch từ 15/3/2021, trước nhiều nước trong khu vực, đồng thời khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh; dừng các thủ tục khai báo Covid-19; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam với các hình thức phong phú, đa dạng, nhất là trên các nền tảng số….

Tin liên quan

Đọc tiếp