Bảo hiểm Quân đội sẽ phát hành thêm 28,6 triệu cổ phiếu để tăng cạnh tranh

BẢO HIỂM Việt nAM
20:37 - 22/08/2022
Bảo hiểm Quân đội sẽ phát hành thêm 28,6 triệu cổ phiếu để tăng cạnh tranh
0:00 / 0:00
0:00
Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC, mã chứng khoán MIG) vừa thông báo sẽ phát hành thêm 28,6 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh năng lực tài chính, năng lực hoạt động của công ty.

Tăng vốn để gia tăng khả năng tài chính và năng lực cạnh tranh

Theo đó, MIC lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 1.644,5 tỷ đồng lên 1930,5 tỷ đồng, tương đương tăng 286 tỷ đồng. Kế hoạch tăng vốn này thực hiện qua hai phương án, gồm phát hành cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn người lao động năm 2022 (ESOP 2022).

Cụ thể, với phương án thứ nhất, MIG dự định phát hành 25,74 triệu cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán là 10.000 đồng/cp. Các cổ đông hiện hữu của MIC có thể thực hiện quyền mua giá ưu đãi với tỷ lệ 115:18, nghĩa là mỗi cổ đông sở hữu 115 cổ phiếu sẽ được đăng ký mua 18 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cp.

Những cổ phiếu này sẽ không bị hạn chế thời gian chuyển nhượng, cổ đông có thể giao dịch cổ phiếu này ngay sau khi sở hữu. Kế hoạch này dự kiến được thực hiện trong năm 2022, sau khi được Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Phương án thứ hai là phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP 2022, MIG dự định phát hành 2,86 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cp cho các cán bộ chủ chốt, các nhân viên tài năng của Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội. Người lao động có thể đăng ký mua không giới hạn lượng cổ phiếu ESOP, nhưng sẽ bị hạn chế chuyển nhượng số cổ phiếu này trong vòng 2 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành. Dự kiến phương án này sẽ được thực hiện trong năm 2022, sau khi được Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép chào bán cổ phiếu.

Theo MIC, việc tăng vốn này là cần thiết, trước hết nhằm nâng cao năng lực đầu thầu của MIC. Bởi hiện công ty đang gặp khó khi cạnh tranh tham gia đấu thầu các dự án lớn, đòi hỏi quy mô vốn lớn. Hiện nay, tuy doanh thu phí bảo hiểm của MIC đã lọt TOP 5 công ty lớn nhất thị trường, nhưng quy mô vốn chủ sở hữu mới chỉ ở TOP 7.

Vì vậy, việc tăng vốn điều lệ sẽ tạo tiền đề để công ty tăng mức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, tăng năng lực tài chính, đồng thời đáp ứng các điều kiện tham gia cũng như khả năng trúng thầu các dự án lớn, trọng điểm.

Ngoài ra, MIC đánh giá hiện nay quy mô vốn của công ty còn thấp, chưa tương xứng với mục tiêu tăng trưởng nhanh về doanh thu phí bảo hiểm gốc. Do vậy, công ty cần được bổ sung vốn để duy trì biên khả năng thanh toán trong ngưỡng an toàn, tuân thủ quy định.

Đồng thời, MIC đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số, đòi hỏi bổ sung vốn để đầu tư cho nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, các dự án công nghệ, dự án chuyển đổi theo các sáng kiến chiến lượng giai đoạn 2021 - 2026.

Công ty sẽ sử dụng số vốn 28,6 tỷ đồng dự kiến thu được thông qua phát hành cổ phiếu ESOP để bổ sung vốn để đầu tư chứng khoán, tiền gửi phù hợp với quy định pháp luật và quy định của MIC. Còn khoản 257,4 tỷ đồng dự kiến thu được từ đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu dự kiến sẽ được sử dụng để bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực và bổ sung vốn kinh doanh cho MIC.

Trong đó, khoản 100,5 tỷ đồng sẽ được sử dụng để đầu tư tăng năng lực, thực hiện các giải pháp chiến lược, như đầu tư hệ thống giải pháp công nghệ thông tin, đầu tư tài sản khác và triển khai các sáng kiến chiến lược… phục vụ cho việc ổn định và phát triển hoạt động kinh doanh của MIC. Số vốn này dự kiến sẽ được giải ngân sau khi hoàn thành đợt chào bán đến hết năm 2024.

Số vốn tăng thêm còn lại (156,9 tỷ đồng) sẽ được sử dụng để đầu tư tài chính, bao gồm đầu tư chứng khoán, tiền gửi… và dự kiến sẽ giải ngân sau khi hoàn thành đợt chào bán. Số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được công ty ưu tiên sử dụng để đầu tư năng lực, giải pháp triển khai chiến lược, sau đó, mới sử dụng để đầu tư tài chính.

Kế hoạch kinh doanh không như kỳ vọng

Quý II/2022, MIC ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt gần 835 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với quý II/2021, doanh thu hoạt động tài chính đạt 48 tỷ đồng, giảm mạnh 32% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng chi phí cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 732 tỷ đồng tăng 36%. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 22%, đạt hơn 128 tỷ đồng.

Do mức tăng của doanh thu không theo kịp sự gia tăng của các loại chi phí nên quý II, MIG ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đạt hơn 22 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/5 so với mức lợi nhuận 98 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Lũy kế từ đầu năm đến hết quý II, doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm của MIG đạt 1.656 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng tăng mạnh 33% lên 1.414 tỷ đồng. Vì vậy, so với nửa đầu năm 2021, năm nay, lợi nhuận trước thuế của MIG giảm 27%, đạt 107 tỷ đồng.

Năm 2022, MIG đặt kế hoạch doanh thu đạt 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 400 tỷ đồng. Như vậy, hết nửa đầu năm, MIG mới chỉ hoàn thành 21% kế hoạch về doanh thu và 27% về lợi nhuận. Đây là một con số khá khiêm tốn so với kế hoạch của năm mà MIG đặt ra.

Kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 22/8, cổ phiếu MIG tăng nhẹ 1,5%, giao dịch ở mức 23.100 đồng/cp. Cổ phiếu vẫn đang giao dịch ở vùng giá thấp và đã giảm 4% so với mức giá 1 tháng trước.

Tin liên quan

Đọc tiếp