Báo Thụy Sỹ: Việt Nam là con hổ mới của châu Á

TĂNG TRƯỞNG Việt nAM
13:11 - 10/10/2022
Báo Thụy Sỹ: Việt Nam là con hổ mới của châu Á
0:00 / 0:00
0:00
Theo tờ Agefi của Thụy Sỹ, Việt Nam đang có sự bùng nổ về kinh tế và từng bước khẳng định được vai trò chính trị của mình, không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà còn có vai trò đối với các vấn đề quan trọng của thế giới.

Tờ báo tiếng Pháp nổi tiếng của Thụy Sĩ Agefi có trụ sở tại Geneva mới đây có đăng bài viết với tiêu đề "Việt Nam là con hổ mới của châu Á" của tác giả Guy Mettan, trong đó đánh giá Việt Nam ngày nay đã trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi và có vai trò quan trọng hàng đầu ở châu Á.

Bài viết nhận định, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Indonesia đang nổi lên như là những cường quốc kinh tế mới của châu Á bên cạnh Hàn Quốc, Singapore. Hai nước Việt Nam và Indonesia có sự bùng nổ về kinh tế và từng bước khẳng định được vai trò chính trị của mình, không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà còn có vai trò đối với các vấn đề quan trọng của thế giới.

Tác giả Guy Mettan trích dẫn theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, Việt Nam có lẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ tình hình quốc tế mới. Từ tháng 1-7/2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2%/năm, và là mức cao nhất trong 5 năm qua.

Trong khi đó, theo con số mới nhất của Tổng cục thống kê, vốn FDI 9 tháng đầu năm đã đạt đạt hơn 18,7 tỷ USD, vốn thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ 2021. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.

Bài báo cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đứng thứ 5 trong số 35 thị trường châu Á về độ mở của nền kinh tế, với số điểm 74,6/100, cao hơn hẳn mức trung bình của châu Á (46) và mức trung bình của thế giới (49,5) và đang nổi lên như một trung tâm sản xuất ở khu vực Đông và Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi các nỗ lực tự do hóa kinh tế của chính phủ và hội nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua các hiệp định thương mại và tư cách thành viên của các khối khu vực và quốc tế.

Ở châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau các nền kinh tế Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Macau (Trung Quốc) và Malaysia. Trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 20 trong 201 thị trường.

Các tổ chức thế giới lạc quan tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Sau khi số liệu tăng trưởng kinh tế quý III của Việt Nam được công bố đạt mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ vượt mọi dự báo trước đó, nhiều tổ chức tài chính đã điều chỉnh lại mức dự báo tăng trưởng kinh tế của cả năm nay lên trên 8% từ dự báo khoảng 7% trước đó.

Cụ thể, Ngân hàng UOB vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 lên 8,2%, từ dự báo 7% trước đó.

"Chúng tôi thực sự bất ngờ với tốc độ tăng trưởng rất cao, trên 13% của GDP Việt Nam trong quý III của năm nay. Thêm vào đó, chúng ta cũng thấy tăng trưởng GDP quý IV của năm 2021 của Việt Nam mặc dù đã quay trở lại dương nhưng vẫn thấp so với những năm trước đây. Chúng ta đều có các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rất phát triển trong quý IV hàng năm. Do đó dựa vào tất cả các phần tính toán vừa rồi, chúng tôi đưa ra mức dự báo mới là 8,2%", ông Đinh Đức Quang - Giám đốc Kinh doanh Tiền tệ và Đầu tư - UOB Việt Nam cho hay.

Trước đó, hãng Moody's cũng đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 8,5%, dự báo tăng trưởng cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thì giữ nguyên triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023.

Theo ADB, tăng trưởng Việt Nam được thúc đẩy nhờ thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công.

Ngân hàng HSBC cũng vừa nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%, thay vì mức 6,6% trước đây, đồng thời cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống 6,3%, từ mức 6,7%. Theo HSBC, sản xuất, tiêu dùng nội địa phục hồi là điểm sáng giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.

Đầu tư công là động lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2022 ước đạt 334,5 nghìn tỷ đồng, bằng 58,7% kế hoạch năm, tăng 19,6% so với cùng kỳ 2021; mức đạt 58,7% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu phục hồi nhanh và bền vững của nền kinh tế, đã có nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành, thành lập 6 Tổ Công tác của Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Trong cuộc trao đổi gần đây với Mekong ASEAN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm - Nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, vốn đầu tư công có tầm quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực của nền kinh tế, có tác động lan toả thu hút vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI.

Thực hiện 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước và vốn FDI. Đầu tư công đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước sẽ làm GDP tăng thêm 0,058%.

Đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và hiệu quả phục hồi tăng trưởng kinh tế bù đắp cho suy giảm xuất khẩu.

Trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, vốn đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm 32,4%, đóng vai trò quan trọng trong lấy lại đà tăng trưởng cao, gắn với kế hoạch phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Do đó, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quý IV/2022 có ý nghĩa quan trọng, là thời gian nước rút để "về đích" các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm 2022, đặc biệt là nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Đọc tiếp