Bất chấp Fed thắt chặt tiền tệ, kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo lạc quan

KINH TẾ Việt nAM
16:26 - 16/05/2022
Bất chấp Fed thắt chặt tiền tệ, kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo lạc quan
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo vĩ mô của VNDirect tiếp tục duy trì dự báo GDP của Việt  Nam ở mức 5,6% trong quý 2/2022 và 7,1% trong năm 2022. Theo đó, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm nay.

Fed thắt chặt chính sách tiền tệ tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam

Báo cáo vĩ mô tháng 5 vừa công bố của CTCP Chứng khoán VNDirect đã chỉ ra rằng, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ có 5 tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể:

Thứ nhất, tình hình tài chính toàn cầu thắt chặt hơn làm giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, dẫn đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn.

Việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ làm tăng lãi suất cho vay (bằng đồng USD) từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như làm suy yếu nhu cầu mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp. Do đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ chậm lại trong những quý tới do người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Mỹ và châu Âu thắt chặt chi tiêu.

Thứ hai, lãi suất huy động (bằng đồng VND) chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm. Tính đến ngày 26/4/2022, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh không đổi so với mức cuối năm 2021, trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng tư nhân lần lượt tăng 14 điểm cơ bản và 13 điểm cơ bản so với mức cuối năm 2021.

VNDirect kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng từ giờ đến cuối năm 2022 do lãi suất USD tăng và áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng cao trong những quý tới. Tuy nhiên, VNDirect cho rằng mức tăng sẽ không lớn, khoảng 30 -50 điểm cơ bản cho cả năm 2022.

Thứ ba, lãi suất USD tăng gây áp lực lên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam. Theo ước tính của VNDirect, nợ nước ngoài của Việt Nam chiếm 39% GDP vào cuối năm 2021. Theo đó, trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường tài chính quốc tế thắt chặt hơn, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó huy động vốn trên thị trường quốc tế và phải chịu lãi suất cao hơn.

Thứ tư, là đến thị trường tài chính, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) có thể tiếp tục bị rút ròng trong những tháng tới do ảnh hưởng của “taper tantrum”. Tuy nhiên, khối ngoại đã liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm trở lại đây, nên tác động của việc khối ngoại bán ròng sẽ ở mức vừa phải do thị trường đã có sự chuẩn bị trước.

Thứ năm, các chuyên gia VNDirect cho rằng USD mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Vào ngày 31/4, chỉ số USD (đo sức mạnh của USD so với rổ tiền tệ) đạt 103 điểm, mức cao nhất trong 20 năm. Đồng USD mạnh kéo tỷ giá USD/VND tăng khoảng 0,6% trong 4 tháng 2022.

Lạm phát vẫn là rủi ro hàng đầu

Theo khối phân tích của VNDirect, lạm phát của Việt Nam đã tăng 2,6% so với cùng kỳ trong tháng 4/2022 (so với 1,9% trong quý I và 2,4% vào tháng 3/2022), chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tăng cao của chỉ số giá tiêu dùng nhóm giao thông vận tải (tăng 16,6%), do giá xăng dầu tăng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine - Nga.

Trong khi đó, chỉ số lương thực, thực phẩm vẫn ở mức thấp 1,1% so với cùng kỳ do giá thịt lợn giảm 30%. So sánh theo tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,2% so với tháng trước.

Cũng theo phân tích của VNDirect, giá dầu thô và khí đốt tự nhiên đã tăng đáng kể do khủng hoảng Nga - Ukraine. Giá dầu thô Brent trung bình ở mức 97,9 USD/thùng trong quý 1 (tăng 59,7% so với cùng kỳ).

Trong khi đó, giá dầu thô và khí đốt tự nhiên khó có thể sớm trở lại mức trước khủng hoảng. Do vậy, trong kịch bản cơ sở, nếu giá dầu thô bình quân năm 2022 lên 88 USD/thùng từ mức 80 USD/thùng trước đó, áp lực lạm phát đối với Việt Nam sẽ càng gia tăng, đặc biệt là đối với chỉ số giá giao thông”, nhóm phân tích chỉ rõ.

Ngoài ra, việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào như than, thép, đồng, nhôm và giá cước vận chuyển cũng có thể tác động đến chi phí sản xuất của Việt Nam. Việc tăng giá phân bón và các mặt hàng nông sản (lúa mì, ngô, lúa mạch) cũng có thể làm tăng áp lực lên giá lương thực, thực phẩm trong nước, mặc dù tác động sẽ tương đối hạn chế.

Do đó, nhóm phân tích kỳ vọng lạm phát sẽ nóng lên trong tháng tới và dự báo lạm phát trong quý II/2022 bình quân ở mức 3,1% so với cùng kỳ.

Sự phục hồi trong nước là động lực vượt thách thức từ bên ngoài

Nhận diện những khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam, VNDirect vẫn lạc quan khi cho rằng sự phục hồi mạnh mẽ trong nước là động lực để vượt qua những thách thức từ bên ngoài.

Khối phân tích kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ trong quý II/2022, cải thiện từ mức tăng trưởng 5,0% trong quý I. Trong nửa đầu năm 2022, dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ, giảm từ 5,6% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Đặc biệt, VNDirect duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 là 7,1% - giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022.

Về ba trụ cột chính của nền kinh tế, khu vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn trong quý II, nhờ mở cửa trở lại các dịch vụ không thiết yếu (du lịch, vận tải công cộng, giải trí,...) và nhu cầu trong nước phục hồi sau khi Chính phủ nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội và cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%. Dự báo ngành dịch vụ sẽ tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ trong quý II, cải thiện mạnh mẽ so với lần lượt 4,6% và 4,2% trong quý I/2022 và quý II/2021.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng sẽ tác động mạnh đến ngành công nghiệp và xây dựng trong quý II/2022. VNDirect dự báo ngành này tăng trưởng 5,7% so với cùng kỳ trong quý II/2022, giảm từ mức 6,4% trong quý I/2022 và 10,4% trong quý II/2021.

Cuối cùng, công ty dự báo ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 2,1% so với cùng kỳ trong quý II. Mức tăng trưởng này thấp hơn mức tăng trưởng quý I/2022 là 2,4% do việc tăng giá thức ăn chăn nuôi có thể tác động mạnh đến hoạt động chăn nuôi trong quý II.

Mức tăng trưởng 7,1% năm 2022 là dự báo bất ngờ khi một số dự báo gần đây của các tổ chức, chuyên gia đều cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 tối đa chỉ có thể lên tới 6,5%.

Chẳng hạn như trong dự báo vừa được ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam đưa ra trong diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023 là khoảng 6%. Với lý giải, sự phục hồi kinh tế Việt Nam diễn ra không đồng đều và đang có một số rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực và và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng vừa cập nhật 2 kịch bản của tăng trưởng. Theo đó, ở kịch bản tiêu cực, GDP Việt Nam năm 2022 chỉ tăng trưởng 4,5-5%; còn ở kịch bản cơ sở, GDP sẽ tăng từ 5,5-6%.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt từ 5,5%, và cao nhất 6% trong năm nay. Thậm chí như Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 chỉ 5,3%.

Về phía Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 xuống còn 5,3% là kịch bản cơ bản, xấu hơn nữa kịch bản dự báo có thể chỉ còn 4,4%. Một trong những lý do đó là các đối tác thương mại chính của Việt Nam đang tăng trưởng chậm lại, cùng với cú sốc tỷ giá thương mại và các biện pháp trừng phạt liên quan đến xung đột Nga - Ukraine.

Đọc tiếp