Bất chấp rủi ro thế giới, vĩ mô ổn định là điểm tựa cho TTCK Việt Nam

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
11:41 - 15/09/2022
Bất chấp rủi ro thế giới, vĩ mô ổn định là điểm tựa cho TTCK Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Theo chuyên gia Dragon Capital, lạm phát toàn cầu sẽ còn kéo dài và Fed nhiều khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2023. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ vẫn giữ vững mốc 1.200 điểm nhờ yếu tố vĩ mô vững chắc.

Báo cáo mới công bố của Dragon Capital cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 8 ghi nhận sự phục hồi trên diện rộng, được dẫn dắt bởi cổ phiếu khu công nghiệp, chứng khoán, bán lẻ và hàng hóa.

Trong đó, cổ phiếu bán lẻ tăng 15% nhờ kết quả kinh doanh quý tích cực khi nhu cầu thiết bị điện tử tiêu dùng phục hồi. Nhóm năng lượng tăng 11% khi giá dầu Brent quay trở lại mức $100/thùng, sau khi điều chỉnh mạnh vào giai đoạn đầu tháng. Cổ phiếu khu công nghiệp lên 10% trong bối cảnh giá cho thuê duy trì xu hướng tăng và dòng vốn FDI tiếp tục giải ngân vào Việt Nam.

Nhóm hàng hóa và xuất khẩu tăng 5-10% khi hưởng lợi từ sự ổn định và gia tăng giá của các sản phẩm chủ lực, bao gồm cá tra, phân bón và hóa chất. Cổ phiếu chứng khoán cũng ghi nhận phục hồi 4% khi điều kiện thị trường tích cực cải thiện đáng kể hoạt động môi giới và cho vay ký quỹ.

Mặt khác, báo cáo cũng chỉ ra, xu hướng tiêu cực tại một số ngành đã đảo chiều. Cổ phiếu thép tăng 2%, phá vỡ đà giảm của những tháng trước khi doanh nghiệp bắt đầu tăng giá bán thép sau nhiều tháng giảm. Tính chung tháng 8, chỉ số VN-Index tăng 5,7% với thanh khoản được cải thiện.

Lạm phát gia tăng trên toàn cầu

Tuy nhiên, theo Dragon Capital, mặc dù thị trường phục hồi là điểm tích cực, song, lạm phát toàn cầu vẫn sẽ còn kéo dài và Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2023. Tỷ giá USD gia tăng thường sẽ không có lợi cho các thị trường mới nổi và Việt Nam đang nhận thấy áp lực khi hoạt động xuất nhập khẩu chậm lại, đồng nội tệ giảm giá và lãi suất trong nước bắt đầu tăng.

Nhưng, báo cáo cho rằng các vấn đề này chủ yếu đến từ yếu tố bên ngoài, với mức độ thấp hơn nhiều so với các nước mới nổi và không mang tính hệ thống. Và Việt Nam không thuộc nhóm quốc gia bị ảnh hưởng bởi hậu quả của những chính sách này. Do đó, Dragon Capital tin rằng thị trường sẽ giữ vững mốc 1.200 điểm.

Báo cáo của Dragon Capital nhận định, tâm lý nhà đầu tư cá nhân bắt đầu cải thiện và số dư vay ký quỹ của nhà đầu tư tăng lên khi thị trường Việt Nam hòa nhịp phục hồi cùng thị trường thế giới.

Tương tự, khả năng tăng thêm hạn mức tín dụng và Thông tư 153 về trái phiếu doanh nghiệp đã góp phần giúp cổ phiếu ngân hàng và bất động sản giao dịch tích cực hơn. Trần hạn mức tín dụng được tăng lên sẽ giúp ngân hàng gia tăng lợi nhuận và đáp ứng nhu cầu vay vốn đang rất lớn của khách hàng. Các quy định rõ ràng hơn về trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn cho các dự án trở lại.

Yếu tố vĩ mô ổn định hỗ trợ thị trường chứng khoán

Theo các chuyên gia Dragon Captital, thị trường đang ở mức định giá hấp dẫn, với P/E 10 lần và tăng trưởng EPS đạt mức 17%. Mặc dù tăng trưởng có khả năng giảm tốc vào năm sau, tuy nhiên sẽ chỉ là chậm lại không phải tăng trưởng âm. Thị trường Việt Nam có triển vọng về lợi nhuận vượt trội trong nhóm các thị trường mới nổi trong khi rủi ro ở mức độ thấp hơn nhờ nội tại vĩ mô ổn định.

Minh chứng rõ nét là tình hình kinh tế tiếp tục phục hồi trong tháng 8 vừa qua với doanh số bán lẻ ấn tượng. Sản xuất công nghiệp tăng 15,6% so với cùng kỳ. Các hoạt động dịch vụ quay trở lại quy mô như trước khi dịch bệnh. Doanh số bán lẻ tăng 50,2% so với cùng kỳ trong đó hàng hóa tăng 130% so với cùng kỳ (20% so với 2019) và dịch vụ lưu trú tăng 290% so với cùng kỳ (6,7% so với 2019).

Thương mại Việt Nam cải thiện đáng kể mặc dù vẫn còn các quan ngại về suy thoái toàn cầu. Nhập khẩu đạt 31,1 tỷ USD và xuất khẩu đạt 34,9 tỷ USD tương ứng mức tăng lần lượt 1,7% và 14,1% so với tháng trước. Với số liệu xuất nhập khẩu vừa rồi, thặng dư thương mại trong tháng 8 đạt 3,7 tỷ USD và tính từ đầu năm đạt 5,5 tỷ USD, đảo ngược so với mức thâm hụt 2,6 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ xăng dầu trong nước giảm giá cùng pha với xu hướng giảm giá hàng hóa trên thế giới, lạm phát Việt Nam gần như không tăng so với tháng trước và tăng 2,9% so với năm ngoái. Tuy nhiên lãi suất vẫn tiếp tục xu hướng tăng. Dragon Capital dự đoán lãi suất Việt Nam có thể tiếp tục xu hướng đi lên nếu Fed tiếp tục thắt chặt tiền tệ và nâng lãi suất lên mức 4,0% trong năm 2023.

Chỉ số USD đã vượt 110 và chạm mức cao nhất trong vòng 20 năm, tạo ra áp lực tới các đồng tiền của các quốc gia đang phát triển và Việt Nam không nằm trong ngoại lệ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã nâng tỷ giá bán USD từ 23.400 lên 23.700 đồng khi tỷ giá liên ngân hàng tăng lên mức 23.600 đồng/USD, tương đương mất giá 1,3% trong tháng 8 và 3,5% tính từ đầu năm, mức giảm giá lớn nhất từ năm 2011 của VND.

Tuy nhiên, trong bối cảnh EUR giao dịch dưới mốc 1 USD, nhân dân tệ chạm ngưỡng 7.0 và Yên Nhật sụt giảm về mức 144, thấp nhất trong 24 năm, thì mức giảm của VND được Dragon Capital là hợp lý và thể hiện đúng sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam.

Chỉ số USD (DXY) đo lường giá trị của đồng USD với đồng tiền của các nước phát triển khác, gồm đồng EUR Châu Âu, bảng Anh GBP, đồng yên Nhật JPY, đồng krona Thụy Điển SEK, đô la Canada CAD và đồng franc Thụy Sĩ CHF.

Đội ngũ phân tích đánh giá, vị thế của Việt Nam có thể bị tác động bởi sự bất ổn toàn cầu, nhưng kinh tế nội địa vẫn đang vận hành rất tốt và được rất nhiều các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Sau mức tăng xếp hạng tín nhiệm lên BB+ của S&P, Việt Nam tiếp tục được Moody’s nâng triển vọng lên Ba2 với sự triển vọng ổn định trong dài hạn. Cùng quan điểm, Dragon Capital cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt được 2 chữ số trong quý III và 7,8% trong năm 2022.

Nhìn lại tác động Fed tăng lãi suất đối với kinh tế Việt Nam

Kinh tế Mỹ đã có 2 quý suy giảm liên tiếp khiến kinh tế và tổng cầu thế giới suy giảm, điều này có tác động nhưng không nhiều tới thương mại quốc tế của Việt Nam. Đa số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là hàng tiêu dùng thiết yếu, như hàng dệt may, da giày, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản.

Ở các nước khi suy thoái, người dân vẫn phải sử dụng những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu này. Thêm nữa, giá trị các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đối với chi tiêu của các nước trên thế giới không lớn nên kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn do hệ thống chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định.

Kể từ khi Fed tăng lãi suất, chỉ có 4.600 tỷ đồng vốn rút ròng từ đầu năm đến nay ra khỏi thị trường Việt Nam.

Trong thời gian qua, tỷ giá VND/USD chỉ tăng khoảng 2-3%, mức thấp so với biến động tăng tỷ giá đồng nội tệ của các nước trên thế giới. Tỷ giá VND/USD tăng nhẹ trong thời gian qua đã góp phần tăng tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của nước ta.

Tuy vậy, kinh tế nước ta phụ thuộc khá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Khi đồng USD tăng giá trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tác động không nhỏ tới ổn định sản xuất và gia tăng tác động của lạm phát chi phí đẩy do nhập khẩu lạm phát.

Ngoài ra, Mỹ tăng lãi suất khiến nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp sẽ tăng lên.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay khối lượng vay vốn trong nước của Chính phủ chiếm 90% và vay vốn nước ngoài chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị hàng năm. Các khoản vay trong nước của Chính phủ có xu hướng tăng nhanh và chiếm vai trò chủ đạo, nợ nước ngoài giảm dần.

Vì vậy, rủi ro về tỷ giá đối với nợ nước ngoài giảm xuống, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ bị tác động không nhiều trước việc đồng USD tăng giá.

Tuy vậy, vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tăng cao, khi Fed tăng lãi suất, khu vực doanh nghiệp sẽ tăng gánh nặng trả nợ vay nước ngoài.

Đọc tiếp