'Bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể giao dịch với Samsung nếu đáp ứng đủ tiêu chí'

Samsung. Công nghiệp
21:29 - 05/10/2022
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Hỗ trợ đối tác, Trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam. Ảnh: Chí Cường
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Trưởng phòng Hỗ trợ đối tác, Trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam. Ảnh: Chí Cường
0:00 / 0:00
0:00
Làn sóng dịch chuyển của các nhà sản xuất quốc tế hậu dịch Covid-19 được cho là cơ hội để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam bước sâu thêm vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất.

Sáng 5/10, hội thảo “Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Vai trò của nâng cao năng lực và đổi mới sáng tạo” đã diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo thuộc chuỗi sự kiện trước thềm Diễn đàn Đa phương (MSF) 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Công thương, Tổng Liên đoàn Lao động và Samsung Việt Nam đồng tổ chức.

Hàm lượng công nghệ đang ở mức trung bình và thấp

Ông Phạm Thanh Tùng - Phòng Công nghiệp hỗ trợ (Cục Công nghiệp, Bộ Công thương) cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng trong các ngành ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày.

Trong đó, 88% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa (có 300 lao động trở xuống).

Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phần nào đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Một số doanh nghiệp trong nước tích cực sử dụng các công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Điển hình là sản phẩm còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm còn thấp, đơn cử ngành điện tử chỉ từ 5-10%; ngành ô tô từ 7-10%; ngành dệt may, da giày từ 45-50%...

Theo báo cáo khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2021, về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% doanh nghiệp cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công; trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động; chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hoá và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.


Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn thiếu nguồn lực để đổi mới; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Ông Phạm Thanh Tùng, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương

Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng.

Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9000 (quản lý chất lượng), 9% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14000 (quản lý môi trường). Khoảng hơn 20% doanh nghiệp cho biết có thực hiện 5S tại doanh nghiệp, trong khi các công cụ khác như Lean, 6 sigma, hay TQM, TPM thì số doanh nghiệp áp dụng chỉ khoảng từ 1-2%.

Theo ông Tùng, để nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thì cần phải đẩy mạnh, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh

Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm thúc đẩy quá trình phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

Bộ Công Thương đang phối hợp với các cơ quan đơn vị triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/1/2017, nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa và tăng cường kết nối, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong năm 2021, 48 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất, 105 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cải tiến sản xuất. Tổng cộng 62 khóa đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các cán bộ quản lý, người lao động của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã được tổ chức.

Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương). Ảnh: Chí Cường

Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương). Ảnh: Chí Cường

Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam cũng đã phối hợp triển khai một số dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.

Có thể kể đến như Chương trình hợp tác đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam, Chương trình tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp Việt Nam, Dự án hợp tác đào tạo nhân lực khuôn mẫu Việt Nam, Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh tại Việt Nam…

Tính đến năm 2021, tổng số doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng là 752 doanh nghiệp, trong đó 51 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1, 203 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 2 và 498 doanh nghiệp là nhà cung ứng dịch vụ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Trưởng phòng cấp cao về Hỗ trợ đối tác, Trung tâm mua hàng Samsung Việt Nam cho biết, Samsung sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động hỗ trợ nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam bằng việc nhân rộng kết quả dự án hợp tác hiện tại (tư vấn cải tiến, đào tạo chuyên gia tư vấn và khuôn mẫu); tích cực hợp tác phát triển công nghiệp giá trị cao; chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật xây dựng nhà máy mà Samsung đã triển khai trong nhiều năm…

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể giao dịch với Samsung nếu đáp ứng các tiêu chí. Chúng tôi có 6 nhà máy sản xuất điện thoại, đồ gia dụng tại Việt Nam. Khi tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung, các doanh nghiệp không chỉ có cơ hội cung cấp linh kiện cho 6 nhà máy này mà còn với cả các nhà máy trên toàn cầu ở Trung Quốc, Mỹ…

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Samsung Việt Nam

Công nghệ là yếu tố hàng đầu

Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho hay, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia vào chuỗi cung ứng, vì các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đều có các bộ chỉ số yêu cầu khắt khe. Trong đó, yêu cầu hàng đầu là phải đảm bảo chất lượng ổn định, có chứng chỉ quốc tế.

Theo bà Hương, vốn và công nghệ là yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu như hiện nay thì tỷ lệ nội địa hóa bao nhiêu phần trăm không quan trọng bằng hàm lượng công nghệ đóng góp cho chuỗi giá trị là bao nhiêu.

“Đóng góp vào hàm lượng công nghệ cao trong từng sản phẩm mới là ý nghĩa sâu xa mà công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần hướng tới”, bà Hương nhận định.

Ảnh: Chí Cường

Ảnh: Chí Cường

Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có chủ trương tăng cường kết nối dọc các doanh nghiệp trong nước với các “ông lớn” trên thế giới và kết nối ngang giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ (đơn hàng mua chung, bán chung). Hiệp hội cũng đang thiết lập app để các doanh nghiệp chia sẻ, tăng cường tính kết nối, phát huy nội lực…Bà Đỗ Thị Thúy Hương

Cũng đề cao vai trò của công nghệ trong việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, ông Huy Nguyễn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chuỗi khối Việt Nam, đồng sáng lập và Chủ tịch tại KardiaChain cho biết, các nhà sản xuất lớn đều đã xây dựng chuỗi cung ứng hoàn toàn tự động.

Doanh nghiệp Việt Nam chưa thể thực hiện 100% như vậy nhưng với từng giai đoạn cụ thể thì hoàn toàn có thể làm được. Trong đó, yêu cầu đầu tiên chính là công nghệ, cụ thể là bắt đầu từ chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng.

Nghị quyết số 115/NQ-CP về giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ đặt mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang trở thành nơi đặt nhà máy, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của hàng loạt tập đoàn điện tử tên tuổi như Samsung, LG, Intel, Apple, Compal, Xiaomi… Các doanh nghiệp trong nước cũng đã cho ra đời những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao đầu tiên. Mới đây nhất chính là dòng chip bán dẫn tích hợp được các kỹ sư của FPT Semiconductor (thuộc Tập đoàn FPT) trực tiếp thiết kế.

Đây là dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế. Theo thông tin từ FPT Semiconductor, thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói, sau đó sẽ được phân phối ở các thị trường Australia, Trung Quốc.

Không chỉ đưa sản phẩm đến thị trường nước ngoài, FPT Semiconductor định hướng tập trung triển khai, cung cấp chip “make in Vietnam” đến các tập đoàn trong nước, nhằm phát triển bền vững và góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam, trong giai đoạn 2023 - 2025.

Tin liên quan

Đọc tiếp