Bất động sản công nghiệp: Cần phát triển "hàng hoá" chất lượng cao

FDI BẤT ĐỘNG SẢN
09:15 - 29/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Cùng với xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài đang chuyển dịch sang Việt Nam, thị trường bất động sản công nghiệp cũng cần nguồn cung "hàng hóa" chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển bền vững.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, 9 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 5,7 điểm phần trăm so với 8 tháng.

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu đứng trước nhiều biến động do ảnh hưởng của cuộc xung đột địa - chính trị tại châu Âu, áp lực lạm phát tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, thì con số này là khá ấn tượng, khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam.

9 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 12,1 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,5 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, bán buôn và bán lẻ với vốn đăng ký đạt lần lượt 676,9 triệu USD và 617,9 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.

Mekong - ASEAN đã trò chuyện cùng ông Thomas Thang, Phó Tổng giám đốc (Phó TGĐ) Công ty TNHH Quản lý tài sản GNP Capital, một trong những nhà đầu tư bất động sản công nghiệp tại Việt Nam về những nhận định và xu hướng, mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Mekong – ASEAN: Ông nhìn nhận như thế nào về dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện nay và thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Thomas Thang: Hiện đang có xu hướng các nhà đầu tư tái cấu trúc dòng vốn đầu tư sang thị trường khác ngoài Trung Quốc, nên đây là cơ hội cho khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Nhưng với những biến động về tình hình kinh tế thế giới phức tạp đang diễn ra, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần thời gian cân nhắc và đưa ra các quyết định đầu tư thận trọng hơn. Theo dự đoán của Gaw NP, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là điểm đến lý tưởng cho các công ty, tập đoàn đa quốc gia hiện thực hóa chiến lược "Trung Quốc +1".

Các tập đoàn lớn đã đầu tư tại Việt Nam lâu dài vẫn đang mạnh dạn đưa ra các kế hoạch mở rộng sản xuất và gia tăng vốn đầu tư, điển hình là các dự án điện, điện tử, công nghiệp chế biến chế tạo của Hàn Quốc, Đài Loan. Cùng với đó, những lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, phi sản xuất, công nghiệp phụ trợ sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản.

Trong trung hạn 2-3 năm tới, các tập đoàn công nghệ vẫn ưu tiên lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư hoặc mở rộng đầu tư, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất chế tạo. Trong số đó, công nghệ cao, sản xuất, dược phẩm, năng lượng là những lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút đầu tư.

Ảnh tác giả

Trong thời gian tới, bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục là “điểm nóng” đầu tư. Cùng với đó thì đòi hỏi về “hàng hóa” cũng sẽ ngày càng cao để đáp ứng nhu cầu bức thiết và khắt khe về phát triển bền vững.

Ông Thomas Thang, Phó TGĐ Công ty TNHH Quản lý tài sản GNP Capital

Mekong – ASEAN: Về môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông thấy có những vấn đề gì còn bất cập cần phải tháo gỡ, cải thiện?

Ông Thomas Thang: Nhìn vào số lượng dự án đăng ký mới, đăng ký bổ sung tăng vốn và tổng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng lên hàng tháng, hàng năm là câu trả lời chính xác nhất về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng cao chuỗi giá trị nhờ tăng trưởng ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi, đã tham gia các hiệp định thương mại tự do và đón được sự dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Các chuyên gia dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục rõ nét hơn trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh những thuận lợi về cơ chế chính sách, một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất là việc cải cách thủ tục hành chính.

Đây là ưu tiên hàng đầu đã được chính quyền các cấp tại địa phương đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua nhằm rút ngắn thời gian xét duyệt và tinh giản các thủ tục, đáp ứng mong mỏi của các nhà đầu tư.

Các địa phương đang nỗ lực hoàn thiện việc định giá đất, việc phối hợp chặt chẽ, sát sao của chính quyền với các nhà phát triển bất động sản công nghiệp, nhằm chuẩn bị quỹ đất sạch, sẵn sàng bàn giao sớm cho các nhà đầu tư cũng được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, đánh giá cao.

Việc hình thành bộ phận hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp FDI vào Việt Nam cũng sẽ là điểm sáng rất được hoan nghênh giúp các chủ đầu tư rút ngắn được thời gian, giảm bớt công sức và chi phí.

2 năm đại dịch vừa qua và những bất ổn địa chính trị đang diễn ra trên thế giới đã cho chúng ta thấy hậu quả của sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh việc hoàn thiện các tuyến đường vành đai, các tuyến đường liên tỉnh, sân bay quốc tế nhằm khắc phục điểm nghẽn này đồng thời cũng là để tạo động lực phát triển cho các vùng, địa phương liên quan.

Một vấn đề hết sức quan trọng nữa đó là nguồn nhân lực. Việt Nam cần chuẩn bị đội ngũ lao động có tay nghề để đáp ứng được yêu cầu về sản xuất cho những dự án đầu tư nước ngoài. Một trong những biện pháp hữu ích nhất đó là sự “bắt tay” hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đào tạo và doanh nghiệp sản xuất để nắm bắt chính xác nhu cầu, quy mô và yêu cầu về trình độ. Từ đó sẽ có giải pháp thiết thực cung cấp lao động đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.

Mekong – ASEAN: Xu hướng lựa chọn nhà xưởng và địa điểm đặt nhà máy của các doanh nghiệp sản xuất hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Thomas Thang: Theo quan sát của Gaw NP, rất nhiều doanh nghiệp châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và các nước khác đang quan tâm khảo sát môi trường đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp có xu hướng ưu tiên lựa chọn nhà xưởng đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo; các nhà xưởng nằm trong khu vực có cơ sở hạ tầng phát triển, vị trí địa lý thuận lợi, gần các chuỗi cung ứng.

Đó cũng chính là lý do chúng tôi chọn Thái Nguyên và Hải Phòng để thực hiện các dự án Trung tâm công nghiệp với thiết kế hiện đại, linh hoạt và cung cấp đầy đủ tiện ích giúp doanh nghiệp sản xuất có thể nhanh chóng ổn định sản xuất.

Nhà xưởng xây sẵn được thiết kế không cột trụ để tối đa hóa diện tích, linh hoạt đáp ứng mọi nhu cầu về diện tích sản xuất, đạt tiêu chuẩn về xây dựng xanh.

Nhà xưởng xây sẵn được thiết kế không cột trụ để tối đa hóa diện tích, linh hoạt đáp ứng mọi nhu cầu về diện tích sản xuất, đạt tiêu chuẩn về xây dựng xanh.

Đồng thời, các nhà xưởng và kho xây sẵn của chúng tôi đáp ứng tiêu chuẩn xây dựng xanh, được thiết kế không có cột bên trong, giúp tối đa hóa diện tích sản xuất.

GNP cũng cung cấp đầy đủ tiện ích như hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động, hệ thống chiếu sáng và thông gió hiệu quả, căng tin công cộng, đội ngũ bảo vệ và chăm sóc khách hàng hoạt động 24/7, dịch vụ hỗ trợ tư vấn đầu tư một cửa.

Các trung tâm công nghiệp GNP đang hướng tới chứng chỉ công nhận công trình xanh (Edge Advance Certificate) bằng việc sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, sẵn sàng cho zero carbon, tiết kiệm nhiên liệu.

Trung tâm công nghiệp tại KCN Nam Đình Vũ sẽ được lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái để các khách hàng có thể tối ưu biện pháp sử dụng năng lượng xanh.

Mekong – ASEAN: Ông có thể cho biết lý do Gaw NP lựa chọn đầu tư tại 2 địa phương này?

Ông Thomas Thang: Thái Nguyên và Hải Phòng đứng trong top đầu địa phương thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tính từ đầu năm 2022 tới nay và thậm chí là cả các năm trước đó.

Gaw NP Industrial đã thực hiện dự án Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình 1 (gần lấp đầy 100%), GNP Yên Bình 2 (đang xây dựng) tại Khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên và vừa khởi công dự án Trung tâm công nghiệp thứ 3 – GNP Nam Đình Vũ tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, thành phố Hải Phòng.

Trong khi các dự án tại Thái Nguyên được Gaw NP Industrial chọn là điểm đến đầu tiên mang đậm dấu ấn của Gaw NP trong kế hoạch phát triển bất động sản công nghiệp Việt Nam, thì Hải Phòng được chọn lựa là một trong những vị trí chiến lược – cửa ngõ giao thương phía Bắc, nơi hội tụ đầy đủ các loại hình vận tải đa phương thức.

Nhà xưởng xây sẵn và nhà kho xây sẵn tại Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình 1 (Thái Nguyên).

Nhà xưởng xây sẵn và nhà kho xây sẵn tại Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình 1 (Thái Nguyên).

Điểm mạnh là các dự án này đều là nơi có hạ tầng kết nối giao thông tốt, gần đường cao tốc, các sân bay, cảng biển.

Với Trung tâm công nghiệp GNP Nam Đình Vũ vừa được khởi công xây dựng, dự án nằm ngay trung tâm của Tam giác kinh tế Đông Bắc - Khu công nghiệp và thuế quan Nam Đình Vũ.

Vị trí chiến lược này cho phép khách thuê tận dụng được những lợi thế kết nối giao thông thông qua hệ thống cảng biển bao gồm Cảng nước sâu quốc tế Lạch Huyện (11km), và Cảng Hải Phòng (15km), cửa ngõ xuất nhập khẩu chính của miền Bắc Việt Nam.

Đặc biệt, Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải là khu công nghiệp duy nhất tại Việt Nam có cảng biển nội địa. Cảng Nam Đình Vũ có khu quay tàu lớn 300 m có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 40.000 DWT. Cơ sở cũng gần Sân bay quốc tế Cát Bi (13km) và Sân bay quốc tế Nội Bài (130km). Hệ thống đường cao tốc kết nối các tỉnh ven biển phía Bắc với cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi cho việc chuyển phát nhanh hàng hóa, giảm chi phí và rủi ro liên quan đến kho vận.

Hiện tại trong Khu công nghiệp Nam Đình Vũ thiếu dịch vụ ăn uống và các tiện ích cho các chuyên gia, công nhân. Vì vậy, Gaw NP dự kiến sẽ xây dựng một khu tiện ích đầy đủ bao gồm cả dịch vụ ăn uống, ngân hàng… với mong muốn mang đến dịch vụ “one stop shop services” cho các nhà đầu tư khi lựa chọn GNP Nam Đình Vũ.

Mekong – ASEAN: Ông có thể chia sẻ chiến lược phát triển của Gaw NP Industrial trong thời gian tới tại Việt Nam?

Ông Thomas Thang: Gaw NP định hướng tiếp tục mở rộng quỹ đất cho lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Với quy mô hiện có hơn 49 ha đất nhà máy xây sẵn (RBF) và nhà kho xây sẵn (RBW) cho thuê tại Thái Nguyên và Hải Phòng, Gaw NP Industrial đặt mục tiêu sẽ mở rộng quỹ đất lên đến 100 ha trong năm 2022 - 2023 tại các tỉnh như Hưng Yên, Hà Nam, Đồng Nai, Long An.

Để đón sóng thành công, phát triển bền vững là triết lý kinh doanh của Gaw NP Industrial. Lấy khách hàng làm trọng tâm, các sản phẩm của chúng tôi được nghiên cứu và phát triển một cách kỹ lưỡng.

Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan

Đọc tiếp