Bắt mạch ngành ngân hàng 2023

NGÂN HÀNG LẠM PHÁT
11:07 - 26/01/2023
Bắt mạch ngành ngân hàng 2023
0:00 / 0:00
0:00
Theo TS. Trương Văn Phước, trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2023 sẽ là tăng trưởng tín dụng và cung tiền hợp lý để hướng dòng vốn chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Hai nửa thăng - trầm năm 2022

Nhìn lại năm 2022, lạm phát và lãi suất là 2 vấn đề nổi lên hàng đầu khiến ngành ngân hàng gặp nhiều thách thức lớn. Trong báo cáo cập nhật mới nhất được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố, dự báo lạm phát toàn cầu trong năm 2022 đạt mức kỷ lục 8,8%.

Để kiềm chế lạm phát, các ngân hàng trung ương (NHTW) buộc phải sử dụng tới công cụ tăng lãi suất. "Đã có hơn 90 NHTW điều chỉnh tăng lãi suất trong năm 2022 với khoảng 350 lượt tăng lãi suất, cho thấy diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính toàn cầu có những thay đổi chuyển biến nhanh so với 2 năm Covid-19", bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN thông tin tại Diễn đàn Kinh tế 2022 lần thứ 5 diễn ra những ngày cuối năm.

Bắt mạch ngành ngân hàng 2023 ảnh 1

Với bối cảnh vĩ mô thế giới biến động phức tạp, tốc độ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát năm 2022 là sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, trong đó có công tác điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan trước rủi ro lạm phát.

Bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Trương Văn Phước - Nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, trong những năm dịch Covid-19 xảy ra, các nước đã tung một lượng tiền lớn để giải quyết vấn đề của mình. Đây là nguyên nhân khiến kinh tế thế giới gặp phải tình trạng lạm phát tăng cao.

"Việt Nam thì ngược lại, bởi nước ta có hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân nhưng với lượng vừa đủ. Đây là lý do khiến Việt Nam không chịu tình trạng lạm phát cao", TS. Trương Văn Phước nhận định.

Trong bức tranh chung toàn ngành ngân hàng thời gian qua, NHNN và các ngân hàng thương mại vẫn phải đối mặt với "cơn sóng" tăng lãi suất, nhất là trong 3 tháng cuối năm, đặc biệt sau khi NHNN điều chỉnh tăng lãi suất điều hành 2 đợt vào 23/9 và 25/10, mỗi đợt tăng 1%.

Theo TS. Trương Văn Phước, việc nhiều công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành trái phiếu có những vi phạm, gây nên nỗi băn khoăn đối với nhà đầu tư cũng là nguyên nhân khiến lãi suất thị trường tăng lên trong bối cảnh bị kiểm soát chặt chẽ “room” tín dụng, không huy động vốn phát hành từ trái phiếu, từ đó khiến doanh nghiệp thêm khó khăn khi tiếp cận vốn.

Trong nửa cuối tháng 12/2022, Chính phủ và NHNN đã có nhiều biện pháp để hạ nhiệt lãi suất, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5% năm, bao gồm các khoản khuyến mại cộng lãi suất. Ngày 23/12, Thống đốc NHNN có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu nghiêm túc triển khai thực hiện việc tiết giảm chi phí hoạt động, phấn đấu giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi các trường hợp ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các ngân hàng này.

Cửa sáng nào cho năm 2023

Bước sang năm 2023, từ góc độ ngành, đại diện NHNN đánh giá vẫn còn nhiều thách thức với điều hành vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng, mặc dù lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn phát đi tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023 lên mức trên 5%, và chưa thể giảm trong suốt năm 2024. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế thế giới cũng được dự báo là ảm đạm, các nền kinh tế phát triển chỉ tăng trưởng bình quân khoảng 1%, đối mặt với nguy cơ suy thoái, lạm phát giảm nhưng vẫn ở mức cao.

"Điều này cho thấy mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% và lạm phát kiểm soát ở mức 4,5% của Việt Nam trong năm 2023 là khó khăn, thách thức", bà Hằng nhận định.

Như vậy, một bên là tình hình khó khăn trong nước và quốc tế, một bên là lạm phát. Đây tiếp tục sẽ là áp lực lên chính sách điều hành tiền tệ, nhất là về lãi suất, tỷ giá. Bên cạnh đó, bà Hằng còn nêu các khó khăn khác, như hệ thống các tổ chức tín dụng phải chịu áp lực cung tín dụng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, khi các nguồn vốn khác không thuận lợi. Hay việc tỷ lệ tín dụng/GDP tại Việt Nam có xu hướng tăng nhanh. Cuối 2021 là 124% và năm 2022 dự kiến là 125%. Các tổ chức quốc tế, xếp hạng tín nhiệm đều đã có cảnh báo với NHNN về tỷ lệ này.

Đứng từ góc độ chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng cho rằng ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro thách thức nổi bật trong năm 2023.

Trong đó, dư địa chính sách tiền tệ đã bị thu hẹp khi NHNN đã phải tăng lãi suất 2 đợt để ổn định tỷ giá, trong khi các công cụ khác gần như đã hết tác dụng. Dự trữ ngoại hối hiện nay vừa mức khuyến nghị của IMF. Do vậy, với khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất trong quý 1/2023, áp lực lãi suất và tỷ giá còn khá lớn.

Đáng chú ý, theo TS. Cấn Văn Lực, một thách thức khác mà các ngân hàng phải trực tiếp đối mặt trong năm 2023 là nợ xấu tiềm ấn sẽ gia tăng với nợ xấu nội bảng ở mức 2%, nợ xấu gộp khoảng 4%.

Nhìn nhận ở góc độ tích cực hơn, TS. Trương Văn Phước cho rằng, năm 2023 sẽ là một năm thế giới có thể chứng kiến một sự chững lại về những xung đột, thái cực của lạm phát, lãi suất và tỷ giá để nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ "hạ cánh mềm" (soft landing) và không rơi vào cuộc suy thoái.

Bắt mạch ngành ngân hàng 2023 ảnh 2

Điều cần làm trong năm 2023 là giảm lãi suất, ổn định tỷ giá dựa trên lạm phát và lãi suất, và giải quyết vấn đề về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bài học rút ra từ kinh tế năm 2022 là chúng ta cần phải có một dự báo sớm, sâu về các hiện tượng kinh tế thế giới. Đặc biệt là trong quá trình hội nhập, sự suy đoán cho những chính sách nước ngoài có ý nghĩa quan trọng.

TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia

Theo TS. Trương Văn Phước, trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2023 sẽ là tăng trưởng tín dụng và cung tiền hợp lý để hướng dòng vốn chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và là động lực tăng trưởng của đất nước đồng thời tăng cường quản lý rủi ro đối với các khoản tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Kiểm soát tốt lạm phát là tiền đề để Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách lãi suất phù hợp, phấn đấu tạo ra mặt bằng lãi suất phù hợp cho các doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý, góp phần hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, vị chuyên gia này nhìn nhận.

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.