'Bí mật bảng lương sản phẩm' và vấn đề cải thiện thu nhập cho người lao động

LAO ĐỘNG Việt nAM
09:51 - 16/04/2022
0:00 / 0:00
0:00

Hậu Covid-19, một số nhà máy tăng sản lượng dây chuyền lên 131% nhưng nguồn lao động lại bị giảm 30%. Trong bối cảnh đó, việc tính chi phí lao động giữa nhãn hàng và nhà máy trong chuỗi cung ứng được đặt ra cần phải minh bạch để cải thiện thu nhập công nhân.

Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động đưa ra nhận định trên và cho rằng, hiện nay chuỗi cung ứng toàn cầu đang phát triển và dần vượt qua những điểm nghẽn, giúp khai thông hoạt động sản xuất và gia công hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, hệ thống lương được xây dựng như thế nào trong bối cảnh này cần được bàn đến nhiều hơn, theo các chuyên gia, chi phí lương được tính trong quá trình đàm phán giá đơn hàng làm ra một sản phẩm vẫn luôn là vấn đề người lao động cần được tường minh.

Sự minh bạch trong bảng tính lương sản phẩm

Đề cập về cách tính lương trong đàm phán giữa nhà cung ứng và nhãn hàng tại hội thảo nghiên cứu “Hiểu rõ hơn về bảng lương sản phẩm” ngày 15/4, TS. Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động cho biết, trong quy trình đàm, các nhãn hàng sẽ đưa ra một sản phẩm trên thiết kế. Sau đó nhà cung ứng cần xây dựng phương án sản xuất và xây dựng báo giá gồm giá nguyên phụ liệu, giá sản xuất (chi phí lao động, chi phí vận hành nhà máy, thuế), giá vận chuyển logistics và lợi nhuận của nhà máy.

Trong đó, công thức tính chi phí lao động trong đơn hàng gia công sẽ được tính bằng tổng chi phí lao động (trực tiếp, gián tiếp); chi phí vận hành (tiền thuê nhà, điện nước) chia trung bình cho tổng số phút sản xuất trong năm.

Ảnh tác giả

“Trên thực tế, chi phí lợi nhuận của những đơn vị cung ứng ngành dệt may hay giày da rất nhỏ trong khi chi phí lợi nhuận của nhãn hàng và maketing chiếm phần lớn. Chi phí sản xuất theo phút sẽ được các nhà máy càng ngày càng hạ xuống để tăng tính cạnh tranh”.

TS. Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động

Theo bà Chi, khi ở công đoạn thấp hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, áp lực về giá trở nên khủng khiếp hơn bao giờ hết đối với các doanh nghiệp gia công Việt Nam.

Theo khảo sát mà Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động đưa ra, sau Covid-19 chi phí sản xuất theo phút của các nhà máy may Việt Nam giảm nhiều, một số nhà máy đã tăng giá trị sản lượng chuyền lên 131% nhưng lại gặp vấn đề về nguồn lao động khi giảm 30% lao động trong một dây chuyền.

Trong khi đó, lương có tăng nhưng chỉ tăng ở mức tối thiểu. Như vậy người lao động phải làm với năng suất cao hơn, khối lượng công việc lớn hơn nhưng bà Chi cho rằng, lương tăng chưa thực tương xứng.

Theo thông tin tại hội thảo, Phó Tổng giám đốc một công ty may gia công ở Nam Định đã chia sẻ khi tham gia khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động: “Về lý thuyết, chúng tôi phải tính chi phí sản xuất theo phút cho từng sản phẩm để thương lượng với người mua, nhưng thực tế các nhãn hàng đã có giá riêng của họ.

Vì đại dịch Covid-19, giá gia công đã giảm từ 10 - 30%. Trước đây chúng tôi làm ở mức 1,4 USD/chiếc nhưng bây giờ chỉ còn 1,1 USD/chiếc. Người mua nhận báo giá từ 3 - 5 nhà sản xuất, đôi khi ở một số nước như Việt Nam, Campuchia, Bangladesh và chọn nhà sản xuất có giá thấp nhất. Năm ngoái, công ty chúng tôi phải chấp nhận mức giá bằng hoặc thậm chí thấp hơn chi phí sản xuất để duy trì hoạt động và giữ chân công nhân”.

Cải thiện lương cho người lao động bằng cách nào?

Từ việc đề cập “bí mật” bảng lương sản phẩm nói trên, TS. Đỗ Quỳnh Chi chỉ ra các biện pháp giúp người lao động cải thiện mức lương hiện tại.

Chi phí sản xuất theo phút = [chi phí lao động trực tiếp + gián tiếp) + chi phí vận hành (tiền thuê nhà, điện nước…)]/tổng số phút may trong năm.

Chi phí sản xuất cho toàn bộ đơn hàng = (giá gia công một sản phẩm dệt may x số lượng đặt hàng)

Tổng giá gia công = Chi phí sản xuất cho toàn bộ đơn hàng + tỷ suất lợi nhuận của nhà máy.

Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động

Theo bà Chi, điều kiện đầu tiên đến từ nỗ lực thương lượng đơn giá sản phẩm. Cán bộ công đoàn và người lao động cần nắm rõ và được minh bạch về thông tin về đơn giá sản phẩm, chi phí lao động trong đơn giá đó,

"Nếu trước đây, doanh nghiệp chỉ công khai lương cơ bản, phụ cấp, phúc lợi xã hội, thời giờ làm việc thì giờ đây cần yêu cầu công khai cả chi phí lao động cho việc làm ra một sản phẩm, không để điều này trở thành 'bí mật' của doanh nghiệp", bà Chi nêu ý kiến.

Đối với người lao động thay vì phàn nàn, đình công và chấp nhận để nhà máy bù lương với các đơn khó, ngắn thì cần một hành động mang tính lâu dài là yêu cầu được công khai cách tính lương sản phẩm để căn cứ vào đó thương lượng mức lương tương xứng với doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, lương công nhân còn có sự bất cập có nguyên nhân sâu xa từ sự bất bình đẳng trong việc phân chia lợi nhuận của chuỗi cung ứng giữa các nhãn hàng và các nhà máy gia công. Trả lời câu hỏi của MEKONG ASEAN về giải pháp giúp các doanh nghiệp Việt cải thiện điều này, bà Chi cho biết, sau đại dịch, mô hình kinh doanh không thay đổi nên hệ thống tính lương của các công ty sẽ vẫn giữ nguyên, việc thay đổi là vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt ở vị trí gia công hay vị trí cung ứng đạt được sự phân chia lợi nhuận ở mức nào đều phụ thuộc vào năng lực thương lượng của các nhà máy với nhãn hàng.

“Với nhà máy công nghệ cao, quy mô lớn sẽ có thể dễ dàng đạt được mức thương lượng công bằng hơn là các nhà máy gia công nhỏ, nắm giữ những khâu đơn giản thâm dụng nhiều lao động. Do vậy, phải có sự liên kết các nhà máy lại với nhau để tăng năng lực thương lượng và đạt được cân bằng trong chia sẻ lợi nhuận”, bà Chi giải thích.

Chia sẻ từ khảo sát các nhãn hàng về vấn đề thương lượng tăng chi phí lao động được bà Chi nêu ra, bà Dương Thị Việt Anh, đại diện Tổ chức Thương mại Công bằng (FairTrade) cho biết, thời điểm hiện nay rất phù hợp để nói đến việc tăng lương cho người lao động, nhất là khi quá trình phục hồi kinh tế đang diễn ra, nhu cầu thu hút lao động của các nhà máy ngày càng cấp thiết.

“Trong thực tế chỉ cần tăng tỷ lệ rất nhỏ từ lợi nhuận sản phẩm vào chi phí lao động theo phút sẽ có thể tăng lương công nhân lên. Các nhãn hàng cũng rất quan tâm việc tăng lợi nhuận lên như vậy thì bao nhiêu % đến tay người lao động”, bà Việt Anh thông tin.

Do đó, đại diện FairTrade cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường đàm phán, cần công khai chi phí sản xuất, chi phí lao động thì các nhãn hàng sẽ cũng rất cởi mở. Việc đàm phán không chỉ cho giá tổng thể mà chú ý tách rời đàm phán từng cấu phần theo hướng chi phí lao động và môi trường ở mức cao nhất có thể còn các chi phí khác thì thấp nhất có thể.

Là chuyên gia nghiên cứu lao động trong khu vực FDI, ông Đỗ Hải Hà lại chỉ ra thực tế có rất nhiều công nhân quan ngại về tính minh bạch trong cách tính lương để bảo vệ quyền lợi của mình, hoặc khiếu nại khi cần. Qua những quan ngại của người lao động nổi lên vấn đề tiếng nói của họ đến đâu trong vấn đề thương lượng.

“Lương là yếu tố quan trọng để người lao động duy trì sản xuất. Nhưng hiện nay việc tính lương sản phẩm chưa minh bạch. Nếu các doanh nghiệp cải thiện được điều này sẽ đạt được nhiều lợi ích về lâu dài trong việc tăng năng suất lao động và nhận được sự chia sẻ lợi nhuận công bằng hơn trong chuỗi cung ứng”, ông Hà nêu ý kiến.

Tin liên quan

Đọc tiếp