Bộ Công Thương họp khẩn nhằm đảm bảo nguồn cung điện năm 2022

NĂNG LƯỢNG Việt nAM
00:29 - 02/04/2022
Bộ Công Thương họp khẩn nhằm đảm bảo nguồn cung điện năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 1/4, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã họp với các tập đoàn Nhà nước về vấn đề đảm bảo cung ứng đủ điện năm 2022 trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung năng lượng trên thế giới tiếp tục phức tạp. 

Cuộc họp có sự tham gia của các Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các đơn vị chức năng thuộc bộ nhằm thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm cung ứng đủ điện năm 2022 và cung ứng đủ than cho sản xuất điện trong bối cảnh thiếu nguyên liệu toàn cầu.

Lịch trình 2 ngày gần đây của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dường như khá bận rộn với vấn đề đảm bảo cung ứng năng lượng. Ngay sau cuộc họp sáng 1/4, chiều cùng ngày Bộ trưởng Công Thương cũng làm việc với Đại sứ Úc tại Việt Nam trong một nỗ lực tìm kiếm nguồn nhập khẩu than từ quốc gia này cho cung ứng điện.

Thông tin từ Bộ Công Thương cũng cho biết, ngày 2/4/2022, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ có cuộc làm việc với Đại sứ Cộng hòa Nam Phi, cũng liên quan đến vấn đề nguồn cung ứng than cho điện.

Đảm bảo nguồn cung điện trong năm 2022 trong mọi tình huống

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định tại cuộc họp với các tập đoàn năng lượng Nhà nước và các đơn vị chức năng thuộc bộ sáng 1/4/2022 rằng, diễn biến tình hình thế giới, đặc biệt là thời kỳ hậu Covid-19, vấn đề cạnh tranh thương mại, xung đột vũ trang xảy ra một số nơi… làm đứt gãy nguồn cung về năng lượng nói chung, gây khó khăn cho quá trình mua bán, thanh toán của các vật tư chiến lược bao gồm xăng dầu, khí đốt và than.

Trước tình hình đó, Chính phủ và Bộ Công Thương đã chủ động đánh giá tình hình và dựa trên tham mưu, đề xuất của các Tập đoàn, các cơ quan chức năng đã ban hành kế hoạch, kịch bản về việc bảo đảm nguồn cung năng lượng, nhất là bảo đảm nguồn cung nhiên liệu sơ cấp là xăng dầu, khí đốt, than.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, do tình hình cung cấp than cho sản xuất điện của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc chưa đủ theo Hợp đồng mua bán than đã ký, nên dự báo có thể thiếu hụt khoảng 3.000 MW nhiệt điện than trong năm 2022.

Cuộc họp ngày 1/4 của Bộ Công Thương với các Tập đoàn Nhà nước về năng lượng

Cuộc họp ngày 1/4 của Bộ Công Thương với các Tập đoàn Nhà nước về năng lượng

Tại buổi làm việc, đại diện các Tập đoàn báo cáo rằng có thể huy động bổ sung khoảng 3.700 MW để bù đắp vào sản lượng nhiệt điện than thiếu hụt. Trong đó: nguồn năng lượng tái tạo khoảng 1.000 MW, nguồn thủy điện khoảng 300 MW, nguồn điện khí khoảng 1.200 MW, nguồn nhiệt điện than khoảng 1.200 MW.

Khẳng định sẽ không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt "theo Kế hoạch huy động và vận hành hệ thống điện quốc gia đã được Bộ Công Thương phê duyệt", Bộ trưởng Diên yêu cầu các tập đoàn thực hiện ngay 3 giải pháp nhằm huy động bổ sung sản lượng phát điện.

Theo đó, các đơn vị sản xuất than, khí như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất nhiên liệu sơ cấp trong nước, tăng cường ký kết các hợp đồng mua bán than, khí với các đối tác truyền thống và các đối tác mới; đảm bảo huy động tối đa nguồn điện, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Giải quyết ngay những vướng mắc trong Hợp đồng mua bán nhiên liệu sơ cấp, mua bán điện giữa các bên.

Về dài hạn, Bộ trưởng yêu cầu các Tập đoàn phối hợp chặt chẽ để báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính và cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến giá điện, giá nhiên liệu sơ cấp, vướng mắc trong thanh quyết toán liên quan đến sản xuất điện.

Tìm nguồn cung than từ nhập khẩu, đề nghị nhập mỗi năm 5 triệu tấn than từ Úc

Trong cuộc làm việc chiều cùng ngày 1/4/2022 với Đại sứ Úc tại Việt Nam Robyn Mudie về kế hoạch nhập khẩu than, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía Australia cân đối sản lượng than trong nước để cung cấp cho Việt Nam.

Hiện nay, năng lực khai thác và xuất khẩu than đá của Úc là hơn 200 triệu tấn than/năm với giá trị xuất khẩu khoảng gần 40 tỷ USD/năm.

Theo Bộ Công Thương, Bộ trưởng đã đề nghị Đại sứ Úc Robyn Mudie hỗ trợ kết nối các nhà cung cấp của Úc với các Tổng công ty nhà nước của Việt Nam để cung ứng mỗi năm khoảng 5 triệu tấn than cho sản xuất điện ở Việt Nam với mức giá cả hợp lý.

Bộ trưởng cũng đề nghị Đại sứ Robyn Mudie hỗ trợ tổ chức ngay cuộc họp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý hai bên để sớm thống nhất các hợp đồng mua bán than, đưa các chuyến hàng than đá từ Úc về Việt Nam ngay trong tháng 4 này.

Đại sứ Úc tại Việt Nam Robyn Mudie tại cuộc làm việc với Bộ Công Thương chiều 1/4/2022

Đại sứ Úc tại Việt Nam Robyn Mudie tại cuộc làm việc với Bộ Công Thương chiều 1/4/2022

Đại sứ Robyn Mudie cảm ơn Bộ Công Thương Việt Nam đã liên hệ với phía Úc khi cần nguồn cung cấp than, khẳng định phía Úc có đủ năng lực sản xuất, khai thác, chế biến, công nghệ, cơ sở hạ tầng để cung cấp than cho Việt Nam.

Đại sứ cho biết sẽ ngay lập tức chuyển yêu cầu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về nước và tổ chức ngay cuộc họp giữa cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cung cấp, nhập khẩu than của hai nước như phía Việt Nam đề nghị.

Tin liên quan

Đọc tiếp