Bộ KH&ĐT: 3 phương án tăng trưởng GDP năm 2023

KINH TẾ Việt nAM
18:35 - 30/09/2022
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69% trong 9 tháng đầu năm 2022.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69% trong 9 tháng đầu năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, tăng trưởng GDP cả năm 2022 sẽ cao hơn so với mức dự kiến, ước đạt 8%, tạo đà cho thực hiện mục tiêu tăng trưởng của kế hoạch. Bộ này cũng đưa ra 3 phương án tăng trưởng GDP cho năm 2023. 

Ngày 30/9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã cho ý kiến thẩm tra Tờ trình của Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Tăng trưởng kinh tế 2022 có thể đạt 8%, vượt mục tiêu đề ra

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông cho biết, tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho thấy, sự phục hồi và phát triển kinh tế giữa các vùng, miền và địa phương khá đồng đều, đà phục hồi tăng trưởng 9 tháng được thể hiện rõ nét ở cả 3 khu vực kinh tế, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99% so với cùng kỳ năm trước (đóng góp 4,04%).

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44% (đóng góp 41,79%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%. Khu vực dịch vụ tăng 10,57%, (đóng góp 54,17%).

“Trên cơ sở GDP quý III/2022 là 13,67%, tính chung 9 tháng đầu năm đạt 8,83%, tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ tăng lên so với mức dự kiến, ước đạt 8%, vượt mục tiêu đề ra trước đó là 6 - 6,5%. Tốc độ tăng này sẽ tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025”.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra, trong 9 tháng vừa qua, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất, tỷ giá, hạn mức tăng trưởng tín dụng được điều hành phù hợp để kiềm chế lạm phát. Thị trường hướng tín dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh và các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên, nhất là trong bối cảnh các nền kinh tế lớn biến động mạnh.

Tỷ giá VND/USD trong 9 tháng đầu năm tăng khoảng 2,87% so với cuối năm 2021 và tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đồng tiền của nhiều nền kinh tế khác mất giá mạnh. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, can thiệp bán ngoại tệ để bổ sung nguồn cung cho thị trường, ổn định thị trường ngoại tệ, hạn chế nhập khẩu lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời linh hoạt điều hành thanh khoản VND trên thị trường tiền tệ để góp phần giảm sức ép mất giá lên VND, qua đó góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh, tăng hợp lý các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng. Tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp. Đến ngày 14/9, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,27% so với cuối năm 2021.

Dự kiến 3 phương án tăng trưởng và các cân đối lớn năm 2023

Trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế năm 2022, Thứ trưởng KH&ĐT Trần Duy Đông báo cáo dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2023.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, nền kinh tế sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là áp lực lạm phát gia tăng, nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, thiên tai, biến đổi khí hậu bất thường.

“Mục tiêu năm 2023 là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới”, Thứ trưởng Đông cho biết.

Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì.

Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì.

Về các phương án GDP năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 phương án.

Phương án 1: Trường hợp tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt khoảng 6,5%, dự báo tăng trưởng năm 2023 đạt khoảng 7 - 7,5%, CPI bình quân tăng không quá 5%. Đây là phương án khi tình hình có thuận lợi hơn, các tác động, khó khăn, thách thức từ tình hình quốc tế cơ bản được hạn chế và tình hình trong nước được kiểm soát.

Phương án 2: Trường hợp tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt khoảng 7 - 7,5%, dự báo tăng trưởng năm 2023 đạt khoảng 6,5 - 7%, CPI bình quân tăng không quá 4,5%. Đây là phương án khả thi để phấn đấu thực hiện với dự báo bối cảnh trong nước và quốc tế năm 2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn phương án này.

Phương án 3: Trường hợp tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt cao hơn 7,5%, dự báo tăng trưởng năm 2023 đạt khoảng 6 - 6,5%, CPI bình quân tăng khoảng trên, dưới 4%. Đây là phương án khi tình hình bất lợi hơn, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục căng thẳng, chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó khăn, kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng mạnh từ lạm phát cao và suy giảm tăng trưởng, suy thoái kinh tế ở một số nước.

Về các cân đối lớn, Thứ trưởng KH&ĐT phân tích, trong cân đối tích lũy - tiêu dùng: quy mô GDP đạt khoảng 10,3 - 10,4 triệu tỷ đồng, tiêu dùng cuối cùng bằng khoảng 66,2% GDP, tỷ lệ tích lũy tài sản bằng khoảng 33,8% GDP.

Về cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN), dự toán thu NSNN đạt 1.612,9 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7% GDP, huy động từ thuế và phí đạt 13,3% GDP.

Dự toán chi NSNN đạt 2.073,4 nghìn tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 33,6%. Bội chi NSNN 460,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 4,47% GDP, tăng khoảng 87,6 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2022.

Cân đối xuất, nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 795 tỷ USD, tăng khoảng 8% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 398 tỷ USD, tăng trên 8% so với năm 2022. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 dự kiến xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.

Cân đối về điện dự kiến tổng công suất nguồn điện (không bao gồm điện mặt trời mái nhà) năm 2023 dự kiến đạt 76.139 MW, tăng 3,99% so với năm 2022. Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2023 dự kiến đạt khoảng 300,03 - 310,603 tỷ kWh, tăng 8,9 - 12,7% so với năm 2022.

Cân đối lương thực hướng đến sản lượng lúa cả năm đạt khoảng 43,19 triệu tấn, tăng 0,36% so với năm 2022. Sản lượng ngô đạt khoảng 4,2 triệu tấn, giảm khoảng 3,02%. Sản lượng thịt hơi đạt gần 7,27 triệu tấn, trong đó sản lượng thịt lợn đạt khoảng 4,5 triệu tấn, tăng khoảng 3,6%.

Sản lượng sữa tươi đạt khoảng 1,25 triệu tấn, tăng khoảng 8,3%. Sản lượng trứng đạt khoảng 19,1 tỷ quả, tăng khoảng 4,6%. Sản lượng thủy sản nuôi khoảng 8,74 triệu tấn, tăng khoảng 1,5%. Tính riêng sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt khoảng 5,16 triệu tấn, tăng khoảng 3,2%; sản lượng thủy sản đánh bắt đạt khoảng 3,59 triệu tấn, giảm khoảng 3,5%.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT dự kiến kế hoạch năm 2023 có 15 chỉ tiêu:

(1) Tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5%.

(2) GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD.

(3) Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 - 25,8%.

(4) Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

(5) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,0 - 6,0%.

(6) Tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%.

(7) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 68% (có chứng chỉ đạt khoảng 27,5%).

(8) Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

(9) Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1 - 1,5%.

(10) Số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt khoảng 12 bác sĩ/1 vạn dân.

(11) Số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt khoảng 32 giường bệnh/1 vạn dân.

(12) Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 93,2%.

(13) Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 78%.

(14) Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt khoảng 94,71%.

(15) Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt khoảng 91%.

Tin liên quan

Đọc tiếp