Bộ KH&ĐT đề nghị rà soát quốc tịch của cổ đông góp vốn IPP Air Cargo

Hàng KHông IPP Air Cargo
15:05 - 05/09/2022
Máy bay hãng hàng không IPP Air Cargo.
Máy bay hãng hàng không IPP Air Cargo.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ KH&ĐT vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến đề xuất cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo. Theo đó, về tư cách pháp lý của nhà đầu tư, Bộ này đề nghị kiểm tra về tình trạng quốc tịch của các cổ đông.

Trong góp ý gửi Chính phủ về cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị rà soát, kiểm tra tình trạng quốc tịch của các cổ đông. Theo cơ quan này, trường hợp các cổ đông góp vốn tại IPP Cargo Airlines mang 2 quốc tịch thì áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường, thủ tục đầu tư theo khoản 2, Điều 16 Nghị định 31/2021 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.

Điều này đồng nghĩa, nhà đầu tư có quyền chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường, thủ tục như với nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài. Trường hợp họ chọn là nhà đầu tư trong nước, người mang hai quốc tịch không được thực hiện các quyền, nghĩa vụ với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), các cổ đông của IPP Air Cargo đều là cá nhân có quốc tịch Việt Nam.

Hiện cơ cấu cổ đông của Công ty cổ phần IPP Air Cargo gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (đại diện là ông Nguyễn Hạnh), Công ty TNHH Thương mại Duy Anh (đại diện ông Nguyễn Phi Long) đều là doanh nghiệp 100% vốn từ nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam. Bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông Nguyễn William Hiếu là công dân Việt Nam nên IPP Air Cargo là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, không có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Luật Đầu tư 2020, dự án đầu tư kinh doanh vận tải hàng hoá của IPP Air Cargo là dự án đầu tư trong nước, không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư và không phải cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Tuy nhiên, hàng không và vận tải hàng không là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải đáp ứng các quy định và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương lập, cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Việt Nam hiện có 6 hãng hàng không nhưng chưa có hãng bay nào chuyên vận tải hàng hóa. Bộ KH&ĐT cho rằng đề xuất lập doanh nghiệp hàng không chuyên vận chuyển hàng hoá là phù hợp với quy hoạch ngành giao thông vận tải, hàng không...

Để có cơ sở báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương lập thêm hãng hàng không, Bộ KH&ĐT vẫn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo cập nhật tình hình phát triển ngành hàng không, trong đó làm rõ thực trạng thị trường vận chuyển hàng hoá đường hàng không, năng lực vận chuyển các hãng hiện có ...

Về điều kiện thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không, Bộ KH&ĐT cho biết, đây là ngành kinh doanh có điều kiện, nên mức vốn tối thiểu để lập, duy trì hoạt động đến 10 tàu bay là 300 tỷ đồng. Hiện số vốn này đã được IPP Air Cargo góp đủ.

Về chủ trương thành lập hãng hàng không mới, Bộ KH&ĐT đánh giá, việc thành lập một hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hoá sẽ góp phần tăng cường năng lực vận tải hàng hoá bằng đường hàng không của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Hồ sơ lập hãng vận chuyển hàng hóa này cần có ý kiến đóng góp của 6 Bộ trước khi Thủ tướng nêu ý kiến và giao lại cho Bộ Giao thông Vận tải và Cục hàng không xem xét. Ngoài Bộ Kế hoạch & Đầu tư, hiện Bộ Công an, Công Thương đã có góp ý về lập hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hoá IPP Air Cargo.

IPP Air Cargo là Công ty cổ phần được thành lập vào tháng 3/2021, gồm 4 cổ đông sáng lập là Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (đại diện là ông Johnathan Hạnh Nguyễn); Công ty TNHH Thương mại Duy Anh (đại diện là ông Nguyễn Phi Long) đều là doanh nghiệp 100% vốn từ nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam; bà Lê Hồng Thủy Tiên và ông Nguyễn William Hiếu.

Trước đó, cuối tháng 3, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo Thủ tướng việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo.

Dự án hãng hàng không chở hàng IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư theo hồ sơ là 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động.

Hãng này muốn khai thác 5 máy bay chở hàng trong năm đầu tiên, sau đó tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 5. Hãng dự kiến khai thác các loại máy bay B737, B777 hoặc tương đương.

Mạng đường bay nội địa IPP Air Cargo sẽ bắt đầu từ trung tâm sản xuất như Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh... với trung tâm trung chuyển hàng hóa Hà Nội, TP HCM để kết nối quốc tế khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, châu Âu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Doanh nhân Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Đức Giang phát biểu tại đại hội. Ảnh: Minh Phong

ĐHĐCĐ Đức Giang: Sáp nhập PAT

Nghiên cứu sáp nhập PAT là một trong các định hướng đầu tư quan trọng của Hóa chất Đức Giang trong năm 2024, bên cạnh xúc tiến xin giấy phép dự án Alumin hay khởi công tổ hợp xút Nghi Sơn giai đoạn 1.
ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.