Bộ NN&PTNT và FAO cam kết đồng hành theo ba trụ cột hợp tác

FAO Việt nAM
15:00 - 18/11/2021
Bộ NN PTNT cam kết đồng hành cùng FAO
Bộ NN PTNT cam kết đồng hành cùng FAO
0:00 / 0:00
0:00
Đánh giá cao hợp tác giữa Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Bộ NN PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi FAO hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi mô hình thuần lúa thành nền nông nghiệp sinh thái tích hợp đa giá trị hơn.

Chiều 17/11, làm việc với ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định Việt Nam luôn coi FAO là đối tác rất quan trọng với ngành nông nghiệp.

Đánh giá cao những ý tưởng hợp tác phát triển nông nghiệp nông thôn theo ba trụ cột - nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh mà FAO đưa ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định chương trình đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Bộ cam kết đồng hành nhằm thúc đẩy chương trình này với tiến độ tốt nhất, mang lại hiệu quả cao nhất.

Trong xu thế phát triển, một phần khu vực nông nghiệp - nông thôn sẽ được chuyển sang phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa bao gồm đất đai và con người. Bộ trưởng kêu gọi FAO hỗ trợ để chuyển đổi mô hình thuần lúa thành nền nông nghiệp sinh thái tích hợp đa giá trị hơn, với mục tiêu giảm diện tích nhưng vẫn tăng giá trị trên từng diện tích canh tác nông nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị FAO tiếp tục hỗ trợ triển khai các nội dung của chương trình “Đối tác Một sức khỏe”. Đặc biệt, đối với nội dung sức khỏe cây trồng (Plant Health), Bộ trưởng kêu gọi FAO thông qua chuyên gia của mình đẩy mạnh truyền thông và huấn luyện người nông dân tiếp cận khái niệm để giữ sản lượng nhờ một cách tiếp cận khác về sức khỏe cây trồng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định cam kết của Việt Nam với FAO
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định cam kết của Việt Nam với FAO

Đối với cách tiếp cận một nền nông nghiệp sinh thái bao gồm chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…Bộ NN&PTNT cần sự giới thiệu của FAO đến các nguồn lực, đối tác để xây dựng mô hình và tư vấn hỗ trợ kỹ thuật.

Đối với hợp tác Nam - Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Việt Nam sẵn sàng tham gia triển khai hợp tác với nguồn chuyên gia nông nghiệp giàu kinh nghiệm. Việt Nam mong muốn FAO làm cầu nối để huy động tài chính giúp các chuyên gia làm mô hình trình diễn và chia sẻ kinh nghiệm với các nước châu Phi.

Nông nghiệp Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ngành nông nghiệp đóng góp khoảng 15% cho GDP quốc gia nhưng đang đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo ra sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần đầu tiên ngành nông nghiệp có một chiến lược mang tầm dài hạn hay nói cách khác là thoát ly ra khỏi tư duy ngắn hạn để có tầm nhìn dài hạn hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu thế thế giới trong thời đại tăng trưởng xanh chi phối.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sự tham dự của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh LHQ về hệ thống lương thực thực phẩm tháng 09/2021 đã khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện chuyển đổi và phát triển Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững.

Theo đại diện FAO, hai bên sẽ hợp tác trong phát triển khung chương trình về Một sức khỏe, lĩnh vực khí hậu, môi trường và tài nguyên và lĩnh vực chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm.

Một trong những nhiệm vụ chính của FAO ở Việt Nam là hỗ trợ kỹ thuật giúp các tổ chức nông dân, hợp tác xã… thực hiện cải cách chuyển đổi hệ thống sản xuất. Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực sản xuất, tuy nhiên cần nhận thức rõ, tập trung nhiều hơn về chất lượng, an toàn.

Tại buổi tiếp, ông Rémi Nono Womdim chia sẻ những thách thức hiện nay trên thế giới về áp lực tăng dân số, suy thoái môi trường… FAO mong muốn hỗ trợ các quốc gia nhằm chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tổng quát, bền vững hơn, khả năng thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực, môi trường và cuộc sống người dân tốt hơn để không ai bị bỏ lại phía sau.

Tin liên quan

Đọc tiếp