Bổ sung quy định về tự chủ bệnh viện trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh

bệnh viện Y Tế
08:37 - 08/11/2022
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tổng kết đánh giá tình hình thí điểm tự chủ bệnh viện để có căn cứ đề xuất, bổ sung quy định về tự chủ bệnh viện công lập trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Tại phiên thảo của Quốc hội tuần trước, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, những năm gần đây, tình hình các bệnh viện, cơ sở y tế bị nợ đọng do việc thanh toán theo tổng mức chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều cơ sở y tế "trở thành con nợ", do các chi phí khám chữa bệnh bỏ ra chưa được thanh toán nên việc triển khai khám chữa bệnh, mua sắm đấu thầu cũng khó khăn vì nợ các nhà thầu chưa thanh toán được.

Để giải quyết khó khăn cho các bệnh viện, ngày 7/11, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 7499/VPCP-KGVX, về việc thực hiện thí điểm tự chủ Bệnh viện theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019.

Xét đề nghị của Bộ Y tế tại Báo cáo số 1388/BC-BYT ngày 14/10 về kết quả thực hiện thí điểm tự chủ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 (Nghị quyết số 33), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện theo quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 33 về việc tiếp tục tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sau thời gian thí điểm.

Để có căn cứ đề xuất, bổ sung nội dung quy định về tự chủ bệnh viện công lập trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng kết đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 33.

Đồng thời, báo cáo rõ nguyên nhân chưa thực hiện thí điểm tự chủ của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy. Làm rõ bài học kinh nghiệm, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần phải khắc phục, điều chỉnh.

Nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị cụ thể các cơ chế, chính sách cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế tự chủ các bệnh viện công lập.

Bộ Y tế tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các Bộ, ngành đối với nội dung đánh giá nêu trên và khẩn trương hoàn thiện báo cáo, trình Chính phủ trước ngày 25/11/2022.

Tình hình thí điểm tự chủ tại các bệnh viện

Ngày 19/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế. Cụ thể, thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các Bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K.

Thời gian thực hiện Nghị quyết là 2 năm kể từ khi Đề án của bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau 2 năm các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, sau thời gian thí điểm, 2 bệnh viện triển khai thực hiện là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đều xin dừng tự chủ toàn diện do nhiều nguyên nhân.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau khi rà soát, cập nhật các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến các nội dung tự chủ của các đơn vị công lập. Bộ Y tế nhận thấy các nội dung thí điểm tự chủ của bệnh viện được quy định trong Nghị quyết số 33 đều đã được quy định cụ thể trong các Nghị định của Chính phủ mới được ban hành trong năm 2020 và năm 2021.

Vì vậy, Bộ Y tế báo cáo và kiến nghị dừng thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K. Hai bệnh viện này sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và các Nghị định của Chính phủ.

Về kiến nghị này, tại văn bản 7499/VPCP-KGVX ngày 7/11/2022 vừa mới ban hành, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện theo quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 33 đối với việc tiếp tục thực hiện tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sau thời gian thí điểm.

Tin liên quan

Đọc tiếp