Bộ Tài chính: Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng ước đạt 941.300 tỷ đồng

Việt nAM NGÂN SÁCH
18:19 - 07/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, luỹ kế đến hết tháng 6/2022, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán, trong đó tổng chi 6 tháng đầu năm ước đạt 713.000 tỷ đồng, bằng 40% dự toán.

Chiều ngày 7/7, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tài chính - Ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2022 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Thu ngân sách đạt hơn 66% dự toán

Báo cáo của Bộ Tài chính đưa ra, luỹ kế đến hết tháng 6/2022, thu ngân sách nhà nước ước đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán, theo phân cấp, thu ngân sách trung ương đạt 66,4% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt xấp xỉ 67% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 63,6%, thu từ dầu thô đạt 125,6%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 79,4% dự toán.

Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, quyết liệt thu, chi NSNN, kịp thời ban hành và triển khai thực hiện các chính sách tài khóa, cân đối bảo đảm nguồn lực hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp hiện đang được tăng cường; điều hành giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, ổn định đời sống của người dân; kiểm soát lạm phát lạm phát theo mục tiêu.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, về tổng thể tiến độ thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt khá, nhưng một số khoản thu và địa bàn tiến độ đạt thấp, nợ đọng thuế có xu hướng tăng; tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới, diễn biến phức tạp.

Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong 6 tháng đầu năm thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội khoảng 39,8 nghìn tỷ đồng, trong đó: Số tiền gia hạn khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng, bằng 5,5% số dự kiến gia hạn (135.000 tỷ đồng) khi xây dựng chính sách; số tiền miễn, giảm khoảng khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng, bằng 35,8% trên tổng số dự kiến miễn, giảm (90,5 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách.

Tính cả 6,1 nghìn tỷ đồng số tiền miễn, giảm theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chính sách ban hành từ năm 2021, tác động làm giảm thu ngân sách trong đầu năm 2022 khi quyết toán thuế năm 2021), tổng số tiền đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn khoảng 45,9 nghìn tỷ đồng.

Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong 6 tháng đầu năm thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khoảng 39,8 nghìn tỷ đồng; trong đó: số tiền gia hạn khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng, bằng 5,5% số dự kiến gia hạn (135 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách; số tiền miễn, giảm khoảng khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng, bằng 35,8% trên tổng số dự kiến miễn, giảm (90,5 nghìn tỷ đồng) khi xây dựng chính sách.

Chi mạnh cho công tác phòng chống dịch Covid-19

Đối với việc chi ngân sách, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội; chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến...

Báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm, cắt giảm và nguồn còn lại của ngân sách Trung ương năm 2021, trong đó 6.840 tỷ đồng thực hiện Chương trình; chuyển 15,6 nghìn tỷ đồng các nguồn kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2021 sang năm 2022 để mua vaccine phòng Covid-19 (6,99 nghìn tỷ đồng), chi cho công tác phòng, chống dịch (8,6 nghìn tỷ đồng)...

Tổng chi NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 713.000 tỷ đồng, bằng 40% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 28,6%, chi thường xuyên đạt 45,8%, chi trả lãi đạt 50,1% dự toán.

Ngoài ra, Bộ Tài chính nhận định, việc phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước chậm; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước, chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; việc triển khai bán cổ phần thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp không đạt được kết quả theo kế hoạch đề ra, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng "nóng", tiềm ẩn nhiều rủi ro; tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế, một số doanh nghiệp sử dụng vốn không đúng mục đích.

Bộ Tài chính cũng chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế trên là do hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá xăng dầu và các nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhiều doanh nghiệp phát sinh nợ thuế.

Cùng với đó, một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong chuẩn bị triển khai dự toán chi ngân sách nhà nước được giao; việc áp dụng các chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm, muộn trong phân bổ dự toán ngân sách còn chưa nghiêm.

Ngoài ra, cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp chậm, do một số vướng mắc trong việc xây dựng và phê duyệt phương án sử dụng đất của các địa phương đối với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, định giá tài sản; đồng thời, trong triển khai ở một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần phân tích, dự báo kịp thời, diễn biến tình hình, có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị; rà soát, kịp thời báo cáo, kiến nghị xử lý những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu.

Tin liên quan

Đọc tiếp