Bộ trưởng KH&ĐT: Tổ chức không gian phát triển của quốc gia một cách thực chất, tổng thể

QUY HOẠCH QUỐC GIA
20:07 - 14/09/2022
Bộ trưởng KH&ĐT: Tổ chức không gian phát triển của quốc gia một cách thực chất, tổng thể
0:00 / 0:00
0:00
“Tập trung mở rộng không gian phát triển” là một lưu ý quan trọng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phát huy tối đa nội lực đất nước.

Tính đến ngày 14/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định) đã nhận được ý kiến tham gia thẩm định của 40/49 thành viên Hội đồng thẩm định (25/34 thành viên Hội đồng thẩm định và 15/15 chuyên gia phản biện).

Các ý kiến tham gia cơ bản thống nhất với Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ KH&ĐT trình thẩm định, đồng thời đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung.

Những góp ý trọng tâm, trọng điểm

Hội nghị Thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 14/9, đã có nhiều góp ý cho báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia. Trong đó, các chuyên gia như GS. TSKH Lã Ngọc Khuê, PGS. TS Trần Đình Thiên, TS Phạm Khang, TS Cao Viết Sinh, GS. TS Đào Xuân Học đều nhấn mạnh quan điểm quy hoạch phải mở rộng không gian phát triển, hướng ra đại dương và chinh phục bầu trời.

Các chuyên gia cũng đề nghị, bổ sung quan điểm coi liên kết vùng là cấu trúc không gian chủ yếu để tổ chức phát triển kinh tế - xã hội. Các chuyên gia đề xuất lấy phương án tăng trưởng GDP giai đoạn 2031 - 2050 từ 6,5% đến 7,5%, xem xét, bổ sung mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính, xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt đến năm 2030.

Các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đề nghị bổ sung nội dung bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái tự nhiên, các giá trị văn hoá, lịch sử trên các vùng đất, vùng biển của Việt Nam là vấn đề trọng tâm, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là vấn đề trọng tâm, trọng điểm phát triển trong thời kỳ quy hoạch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các chuyên gia tại Hội nghị. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các chuyên gia tại Hội nghị. Ảnh: VGP.

Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị bổ sung phân tích để lựa chọn kịch bản phát triển tối ưu; rà soát các mục tiêu phát triển cụ thể và bổ sung nội dung “Hình thành cơ sở dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số”.

Từ góc độ địa phương, UBND TP Hà Nội, TP HCM, tỉnh Nghệ An đề nghị bổ sung các nội dung trọng tâm về văn hóa, bảo vệ môi trường và phát triển các mô hình kinh tế mới, gồm: kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia đạt được sự nhất trí cao

Tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, các Bộ/ngành và các địa phương, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội rất lớn để Việt Nam đánh giá lại hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển của quốc gia một cách thực chất, tổng thể.

Qua đó cụ thể hóa đường hướng phát triển đất nước, định hình không gian phát triển, lộ trình phát triển và nguồn lực phát triển của quốc gia.

Dùng hình tượng công tác quy hoạch như người công binh mở đường, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh vai trò dẫn dắt phát triển, kiến tạo phát triển của Nhà nước trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

"Để làm tốt công tác quy hoạch, cần có phương pháp tiếp cận đúng, cùng với đó là sự cầu thị, lắng nghe, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp xác đáng, tham khảo kinh nghiệm tốt của quốc tế, tận dụng mọi nguồn lực, phát huy trí tuệ tập thể".

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về cơ bản, các ý kiến của các thành viên, ủy viên Hội động thẩm định đã nhất trí với những nội dung quan trọng của Báo cáo Quy hoạch. Các ý kiến nhất trí với quan điểm, tư tưởng chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương.

Các góp ý nhất trí với định hướng cần tập trung phát triển vùng động lực tăng trưởng và cực tăng trưởng. Việc định hình và sắp xếp thứ tự ưu tiên các hành lang kinh tế và vành đai công nghiệp, đô thị chính cũng đạt được sự nhất trí cao.

Đồng thời, các đột phá phát triển hạ tầng đạt được sự đồng thuận trong ưu tiên phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, Quy hoạch quốc gia sẽ tập trung cho giao thông đô thị Hà Nội và TP HCM, năng lượng, viễn thông... gắn với hình thành các hành lang kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực (vùng lõi) và cực tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, 100% ủy viên, thành viên của Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua hồ sơ quy hoạch và dự thảo báo cáo thẩm định. Ảnh VGP.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, 100% ủy viên, thành viên của Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua hồ sơ quy hoạch và dự thảo báo cáo thẩm định. Ảnh VGP.

“Trên cơ sở ý kiến tham gia thẩm định bằng văn bản và ý kiến tham gia tại phiên họp thẩm định ngày 14/9, Bộ KH&ĐT sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp với các Bộ/ngành và cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia trong phạm vi của Quy hoạch tổng thể quốc gia để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia đạt chất lượng cao nhất, trình Chính phủ xem xét thông qua và trình Quốc hội quyết định vào kỳ họp thứ 4”, Bộ trưởng Dũng cho biết.

Đối với những ý kiến đề nghị bổ sung các nội dung chi tiết, cụ thể về định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực, Bộ trưởng KH&ĐT cho biết, Ban biên tập sẽ tiếp thu, nghiên cứu tối đa các ý kiến xác đáng. Đồng thời, đề nghị đưa vào nội dung các quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh do phạm vi khái quát và chiến lược của quy hoạch tổng thể quốc gia.

Quy hoạch phải “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát và kiểm tra”

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, Quy hoạch cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tính khả thi và hiệu quả sao cho “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát và kiểm tra”.

Theo Thủ tướng, việc hình thành Quy hoạch cần soi vào Cương lĩnh, Hiến pháp, Nghị quyết Đại Hội XIII, XII, XI, các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị và phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt là nhiệm vụ Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt để không chệch hướng, có kế thừa, có đổi mới, có phát triển và ổn định.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

“Quy hoạch phải khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, phát huy tối đa nội lực và kết hợp khai thác ngoại lực. Song song với đó là hóa giải những mâu thuẫn, yếu kém tích lũy nhiều năm nay đến từ: thủ tục hành chính; tính kết nối vùng – khu vực – thế giới; chênh lệch giàu nghèo, vùng sâu xa – đô thị”.

Thủ tướng nhấn mạnh, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, Quy hoạch phải chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, từ đó có giải pháp phù hợp để phát huy tối đa các nguồn lực. Trong đó nội lực gồm con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài; ngoại lực (gồm vốn, công nghệ, quản lý, đào tạo nhân lực…) là quan trọng và đột phá, đồng thời phải chỉ ra, hóa giải được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, yếu kém của nội tại nền kinh tế như về hạ tầng, thể chế, kết nối vùng, kết nối quốc tế, chênh lệch phát triển giữa các khu vực…

Việc xây dựng Quy hoạch cần quán triệt và cụ thể hóa phát triển nhanh nhưng bền vững, phát triển hài hòa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường, đặt văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội, xác định văn hóa lịch sử truyền thống là một nguồn lực, "văn hóa còn thì dân tộc còn"; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng nêu ra các quan điểm lớn đối với Quy hoạch như, xác định lại các vùng kinh tế theo định hướng phát triển kinh tế phù hợp với tình hình thực tiễn. Vừa bám sát vấn đề nhưng cũng cần đánh giá đúng tình hình, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn bằng những số liệu cụ thể và có định hướng triển khai phù hợp.

Xác định những ngành mũi nhọn. Trong đó, quy hoạch Nông nghiệp là ngành quan trọng không thể bỏ, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Quy hoạch Công nghiệp phải chú trọng các ngành nền tảng: công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp năng lượng tái tạo, tiến tới hình thành bản đồ nắng và gió của Việt Nam. Quy hoạch dịch vụ đi vào các dịch vụ trọng tâm, như logistics, thương mại điện tử, du lịch.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý vấn đề mở rộng không gian phát triển gồm không gian ngầm, không gian biển và bầu trời; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế ban đêm; phát triển không gian văn hóa gắn với du lịch.

Tin liên quan

Đọc tiếp