Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch

KINH TẾ Việt nAM
12:05 - 01/10/2022
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VGP
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc Việt Nam được xếp hạng tháng 8/2022 của Nikkei đánh giá xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch là nhờ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Sáng 1/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022.

Thủ tướng đề nghị tập trung đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, các bài học kinh nghiệm. Qua đó, dự báo tình hình thời gian tới, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp mới để ứng phó với những vấn đề nổi lên, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp thường xuyên đã được đề ra.

Tại phiên họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2022; việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tăng trưởng GDP 9 tháng cao nhất trong 12 năm qua

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ. GDP quý III tăng 13,67%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,24%, công nghiệp - xây dựng tăng 12,91%, dịch vụ tăng 18,86%.

Tính chung 9 tháng GDP tăng 8,83%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, phục hồi và tăng đồng đều trong cả 3 khu vực, lần lượt là 2,99%, 9,44% và 10,57%.

Việt Nam được đánh giá là xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch theo xếp hạng tháng 8 của Nikkei, đứng thứ 7 thế giới về tỉ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 liều nhắc lại, thứ 5 về số liều vaccine trung bình mỗi người dân nhận được.

“Kết quả này được thể hiện qua việc Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm 2018 – 2021, bảo đảm nguồn cung điện, xăng dầu; khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội phương án giảm thuế xăng dầu, tạo dư địa hỗ trợ giá trong trường hợp cần thiết”.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Nêu ra những kết quả đạt được, Bộ trưởng Dũng chỉ rõ, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Đến ngày 26/9, tín dụng tăng 10,83% so với cuối năm trước, ổn định tỷ giá phù hợp với dư địa điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, giảm áp lực tăng giá đầu vào nhập khẩu và áp lực dịch chuyển dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam.

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8%, tạo dư địa trong điều hành tài khóa, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng ước tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đầu tư ngoài nhà nước ước tăng 10%, vốn FDI thực hiện tăng 16,2% cho thấy xu hướng mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh khá tích cực, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta.

Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9 ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 9 tháng đạt 558,5 tỷ USD, tăng 15,1%, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 13%. Nền kinh tế tháng 9 ước xuất siêu 1,14 tỷ USD, tính chung 9 tháng xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Tình hình doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đạt trên 163.000 doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Cần nỗ lực hơn nữa để nắm bắt cơ hội

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ một số khó khăn, thách thức.

Nền kinh tế mặc dù đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng tăng trưởng 9 tháng đầu năm bình quân 3 năm 2020 - 2022 chỉ đạt 5,41%, chưa bù đắp để đạt được mức tăng trưởng tương đương cùng kỳ các năm trước dịch 2016 - 2019 (6,88%). Các cấp, các ngành cần nỗ lực hơn nữa để nắm bắt cơ hội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 05 năm 2021 - 2025 (6,5 - 7%/năm).

Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ suy thoái tại nhiều nước ngày càng trở nên rõ ràng hơn; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, lượng khách du lịch… có khả năng bị thu hẹp hơn, gia tăng thách thức lên tăng trưởng xuất khẩu, du lịch. Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Dịch Covid-19 còn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp.

Phục hồi kinh tế, ổn định sản xuất.

Phục hồi kinh tế, ổn định sản xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các cấp, các ngành cần nắm chắc tình hình, rất chủ động trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, phối hợp chặt chẽ, kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, điều hành giá và chính sách vĩ mô khác để giữ vững thành quả về ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp theo mục tiêu đề ra.

Trên cơ sở kết quả 9 tháng đầu năm 2022, dự báo tình hình quý IV, Bộ KH&ĐT kiến nghị phấn đấu đạt tăng trưởng cả năm khoảng 8%,tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các Bộ, cơ quan, địa phương cần thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP và 124/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch covid-19, Chỉ thị 15/CT-TTg về ổn định kinh tế vĩ mô.

Chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thờ i bảo đảm dư địa nguồn lực, chính sách để ứng phó với những biến động trong trung và dài hạn của tình hình thế giới. Đồng thời tập trung thực hiện nhanh, hiệu quả các giải pháp căn cơ để đạt mục tiêu phát triển 5 năm đề ra.

Tin liên quan

Đọc tiếp