Bức tranh việc làm toàn cầu dưới tác động của COVID-19

việc làm asean
20:36 - 27/09/2021
Toàn cảnh bức tranh việc làm toàn cầu dưới tác động của COVID-19. Ảnh minh họa
Toàn cảnh bức tranh việc làm toàn cầu dưới tác động của COVID-19. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Đại dịch COVID-19 cùng với những hệ lụy đi kèm đã tạo nên thách thức vô cùng to lớn đối với vấn đề việc làm trên toàn thế giới.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đánh giá, đại dịch COVID-19 là “cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II”. Đại dịch lây lan thần tốc bắt nguồn từ Trung Quốc cuối năm 2019, sau đó nhanh chóng “nuốt chửng” toàn thế giới, lan rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, gây ảnh hưởng trầm trọng đến mọi hoạt động của tất cả nước.

Một hệ quả “nhãn tiền” của COVID-19 là nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng, tác động nặng nề tới thị trường lao động trên cả ba khía cạnh: Số lượng việc làm (cả thất nghiệp và thiếu việc làm); Chất lượng công việc (ví dụ: tiền lương và tiếp cận an sinh xã hội); Ảnh hưởng đến các nhóm cụ thể là những người dễ bị tổn thương hơn với tình trạng bất lợi của thị trường lao động.

Mức thiếu hụt việc làm toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây nên

Mức thiếu hụt việc làm toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây nên

Cụ thể theo thống kê của ILO:

Tổng mức tổn thất thời giờ làm việc tương đương với 140 triệu việc làm toàn thời gian trong quý I và 127 triệu việc làm toàn thời gian trong quý II năm 2021.

80% doanh nghiệp siêu nhỏ và 70% doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt với những khó khăn đáng kể về tài chính.

Thu nhập từ lao động toàn cầu giảm 5,3%, tương đương với 1,3 nghìn tỷ USD.

108 triệu người lao động sống trong tình trạng nghèo cùng cực hoặc nghèo vừa phải. Người lao động và gia đình họ sống với mức thu nhập tương đương thấp hơn 3,2 USD mỗi ngày.

Nhiều nhóm lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, trong đó các nhóm dễ bị tổn thương, như: Lao động di cư, lao động khu vực phi chính thức, người nghèo, phụ nữ… là những đối tượng dễ bị tổn thương hơn.

Khủng hoảng kinh tế thường mang lại những tác động nghiêm trọng cho một số nhóm dân số nhất định. Khi bàn vềCOVID-19 và việc làm: Tác động và ứng phó, ILO đã chỉ ra những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương gồm:

(i) Những người có bệnh lý nền và người cao tuổi là nhóm người có nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe cao nhất;

(ii) Thanh niên, những người luôn có nguy cơ phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm cao hơn, khi đại dịch diễn ra, nhóm này trở nên dễ bị tổn thương hơn với sự sụt giảm lao động nói chung;

(iii) Những người lao động lớn tuổi dễ bị thất nghiệp và thiếu việc làm, cũng như bị giảm giờ làm nhiều hơn so những người trong độ tuổi lao động vàng;

(iv) Phụ nữ chiếm số lượng cao hơn trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều (như dịch vụ) hoặc trong các ngành nghề đang ở tuyến đầu đối phó với đại dịch (ví dụ: y tá). Ước tính có 58,6% phụ nữ làm việc trong ngành dịch vụ trên toàn thế giới, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 45,4%. Phụ nữ ít có khả năng tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội và thường chịu gánh nặng nhiều hơn đối với các việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe trong lĩnh vực y tế và giáo dục;

Mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng COVID-19 đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp do phụ nữ và nam giới làm chủ (%)
Mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng COVID-19 đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp do phụ nữ và nam giới làm chủ (%)

(v) Những người lao động không được bảo vệ như: Lao động tự do, lao động làm việc không thường xuyên và các công việc tạm thời, có khả năng phải chịu thiệt thòi nặng nề từ loại virus này, vì họ không được tiếp cận với các cơ chế nghỉ phép hoặc nghỉ ốm và ít được bảo vệ bởi các cơ chế an sinh xã hội thông thường; lao động di cư đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19, họ bị hạn chế tiếp cận nơi làm việc của họ ở các quốc gia tiếp nhận và khả năng trở về với gia đình.

Điều này có thể dễ hình dung nguyên nhân vì sao khi phân tích tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp trong khủng hoảng COVID-19. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ có tỷ lệ dừng vận hành cao hơn cả so với các doanh nghiệp vừa và lớn. Trong khi các doanh nghiệp vừa và lớn lại có thể chuyển sang hoạt động tại chỗ hoặc hoạt động toàn phần từ xa tránh được các nguy cơ phải dừng vận hành hơn các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ.

Tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp trong khủng hoảng COVID-19 theo quy mô doanh nghiệp năm 2020 (%)
Tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp trong khủng hoảng COVID-19 theo quy mô doanh nghiệp năm 2020 (%)

ILO cũng cho thấy rằng, đến tháng 4 năm 2020, trên toàn thế giới có 2 tỷ người lao động – tương đương với 60,1% người có việc làm trên toàn cầu làm công việc phi chính thức trong năm 2019 (chủ yếu ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển) là nhóm có nguy cơ cao chịu các tác động tiêu cực. Tính trung bình, lao động làm công ăn lương phi chính thức có khả năng mất việc cao hơn gấp ba lần so với lao động chính thức.

Phần lớn trong số họ làm việc trong các lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất hoặc trong các đơn vị kinh tế nhỏ dễ bị ảnh hưởng hơn trước các cú sốc, bao gồm: lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, bán buôn và bán lẻ và hơn 500 triệu nông dân sản xuất phục vụ thị trường thành thị.

Thay đổi trong việc làm chính thức và phi chính thức, so với cùng kì năm trước quý II năm 2020 (%)

Thay đổi trong việc làm chính thức và phi chính thức, so với cùng kì năm trước quý II năm 2020 (%)

Từ vấn đề việc làm nhiều khó khăn kéo theo vấn đề an sinh xã hội nhiều bất cập. Cụ thể, vẫn còn 53,1% - tương đương với 4,1 tỷ người – hoàn toàn không được bảo vệ (56,9% tại châu Á – Thái Bình Dương);

Trong số những người mất việc làm do COVID-19, chỉ có 18,6% lao động thất nghiệp trên toàn thế giới được hưởng trợ cấp thất nghiệp hiệu quả. Vấn đề an sinh xã hội cho phụ nữ và nam giới trong độ tuổi lao động chưa đủ để bảo vệ họ trước những rủi ro.

Đây đều là những vấn đề nổi cộm cần các nước chung tay cùng nhau giải quyết trước những thách thức to lớn do đại dịch COVID-19 gây ra. ILO cũng đã nhận định “Khủng hoảng COVID-19 làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương và bất bình đẳng hiện hữu. Do vậy, những phản ứng chính sách phải đảm bảo sự hỗ trợ đến được với những người lao động và doanh nghiệp cần sự hỗ trợ nhất”./.

Đọc tiếp