Cá chết hàng loạt ở sông dọc biên giới Đức - Ba Lan

môi trường Đức
20:27 - 12/08/2022
Cá chết nổi trên mặt sông Oder. Ảnh: Reuters
Cá chết nổi trên mặt sông Oder. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Môi trường bang Brandenburg (Đức) ngày 11/8 cho biết, một chất độc hại không xác định tại sông Oder – dọc theo biên giới giữa Đức và Ba Lan có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt.

Reuters dẫn tuyên bố của cơ quan trên cho biết, một phân tích về nước sông Oder được thực hiện trong tuần này cho thấy có bằng chứng về "các chất hóa học tổng hợp, rất có nguy cơ gây độc hại đối với động vật có xương sống". Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ chất này xâm nhập vào nước bằng cách nào.

Sông Oder dọc theo biên giới giữa Đức và Ba Lan ghi nhận cá chết hàng loạt. Nguồn: Reuters

Theo đài truyền hình địa phương Đức Rbb, phòng thí nghiệm của bang Brandenburg đã tìm thấy hàm lượng thủy ngân cao trong các mẫu nước.

Tuy nhiên, trao đổi với đài truyền hình Polsat News, ông Przemyslaw Daca, người đứng đầu Cơ quan quản lý nguồn nước Ba Lan cho rằng sự hiện diện của thủy ngân trong nước vẫn chưa được xác nhận.

"Hiện tại, đây là những thông tin báo chí đưa tin. Chúng tôi không có xác nhận nào liên quan đến thủy ngân trong sông Oder", ông Przemyslaw Daca cho biết.

Lực lượng Ba Lan vớt được 5 tấn cá chết. Ảnh: Reuters

Lực lượng Ba Lan vớt được 5 tấn cá chết. Ảnh: Reuters

Trong lúc này, Bộ môi trường bang Brandenburg cho biết vẫn chưa thể đánh giá có bao nhiêu con cá đã chết trên con sông giữa Đức và Ba Lan. Trước đó, các quan chức tại Cơ quan quản lý nguồn nước Ba Lan hôm 10/8 thông báo lực lượng cứu hỏa và tình nguyện viên đã vớt khoảng 5 tấn cá chết khỏi thị trấn Olawa, Tây Nam nước này.

Một chất độc chưa xác định được cho là nguyên nhân hiện tượng cá chết. Ảnh: Reuters

Một chất độc chưa xác định được cho là nguyên nhân hiện tượng cá chết. Ảnh: Reuters

Giới chức bảo vệ môi trường khu vực ở Wroclaw, Ba Lan cho biết mẫu nước được lấy từ sông Oder vào ngày 28/7 cho thấy 80% khả năng chứa methylene, một chất độc hại.

Tuy nhiên, trong các mẫu nước lấy sau ngày 1/8 thì không có chất này. Ngoài ra, tình trạng hạn hán ở châu Âu được cho có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ ô nhiễm sông.

Trong một cảnh báo công khai trong tuần này, cư dân Đức ở các quận Uckermark và Barnim, được khuyến cáo tránh tiếp xúc với nước từ sông Oder và một con kênh lân cận.

Tại Ba Lan, bà Elzbieta Anna Polak, một quan chức địa phương cấp cao của đảng Nền tảng Công dân đối lập cho biết bà sẽ đệ đơn đề nghị ban bố tình trạng thiên tai ở vùng Lubusz. "Trong mọi trường hợp, bạn không nên đến gần sông Oder hay cho động vật uống nước sông này", bà cảnh báo trên Twitter.

Đọc tiếp