Cà Mau có triển vọng 3 năm liên tiếp xuất khẩu thủy sản trên 1 tỷ USD

Cà Mau THỦY SẢN
09:00 - 05/09/2022
Xuất khẩu thủy sản của Cà Mau có nhiều triển vọng.
Xuất khẩu thủy sản của Cà Mau có nhiều triển vọng.
0:00 / 0:00
0:00
Trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, ước đạt 850 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ 2021, tiệm cận đến mốc 1 tỷ USD trong 3 năm liên tiếp.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, trong 2 năm liên tiếp từ 2020 đến nay, Cà Mau là địa phương nổi bật trong xuất khẩu chung ngành thủy sản với kim ngạch luôn duy trì trên 1 tỷ USD. Năm 2022 được kỳ vọng tiếp tục là năm thứ 3 mà tỉnh có thể đạt mục tiêu xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của tỉnh đã khai thác và tận dụng tốt các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cà Mau vào các thị trường Mỹ, EU, Canada, Australia, Trung Quốc.

Trong đó, năm 2021, thị trường Mỹ đạt gần 182 triệu USD (năm 2020 hơn 129 triệu USD); EU gần 135 triệu USD (năm 2020 là gần 92 triệu USD); Canada là 64 triệu USD (năm 2020 là hơn 62 triệu USD); Australia là hơn 53 triệu USD (năm 2020 gần 39 triệu USD) và Trung Quốc 51 triệu USD (năm 2020 là gần 39 triệu USD).

Mặt hàng tôm của Cà Mau hiện có lợi thế về giá hơn so với các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Ecuador với giá xuất khẩu cũng tăng dần so với cùng kỳ.

Đáng lưu ý, bước sang năm 2022, hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch các nước đã trở lại bình thường khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu tại các thị trường các tháng đầu năm 2022 tăng cao cùng các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Cà Mau đã khai thác tốt lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang các nước thành viên so với cùng kỳ (EU tăng 32%, Anh tăng 53%, các nước thành viên RCEP tăng 33%).

Xuất khẩu tôm tăng mạnh kéo theo giá tôm nguyên liệu tăng theo, tạo phấn khởi cho người sản xuất. Hiện, loại 20 con/kg được thu mua tại đầm tôm có giá từ 225.000-235.000 đồng/kg; loại 25 con/kg giá từ 185.000-195.000 đồng/kg, loại con 30/kg giá từ 170.000 – 175.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 150.000-160.000 đồng/kg.

Các nhà máy thu mua, chế biến xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Cà Mau và VASEP nhận định, tôm nguyên liệu sẽ tăng trở lại bắt đầu từ đầu tháng 7/2022 cho đến trung thu (15/8 âm lịch), đặc biệt mặt hàng tôm sú dự báo sẽ tăng nhanh (trong đó tôm sú loại 20 - 30 con/kg sẽ tăng từ 10.000 - 15.000 đ/kg vào đầu tháng 7/2022).

Trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, ước đạt 850 triệu USD, bằng 74% kế hoạch năm và tăng 43% so với cùng kỳ. Trong đó, thủy sản ước đạt 689 triệu USD. Từ kết quả trên sẽ hứa hẹn 2022 sẽ là năm có kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt và vượt chỉ tiêu đề ra (trên 1,1 tỷ USD năm 2022).

Theo UBND tỉnh Cà Mau, kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp, người nuôi tôm kịp phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19 cũng như sự phục hồi tiêu thụ của thị trường thế giới. Đồng thời, đây là kết quả của các chương trình, chính sách phục hồi phát triển kinh tế, xã hội mà Chính phủ, các Bộ/ngành Trung ương và của Cà Mau đưa ra, phát huy tác dụng, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động chế biến, xuất khẩu.

Bên cạnh những thuận lợi, Cà Mau cũng gặp những khó khăn nhất định trong hoạt động xuất khẩu thủy sản như thiếu tàu, thiếu container rỗng, cước phí tàu, chi phí bốc xếp trong và ngoài nước, giá nguyên liệu đầu vào đều tăng, các thị trường xuất khẩu của tỉnh tăng cường kiểm soát các yếu tố an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật.

Do đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh hậu Covid-19, UBND tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục tích cực triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là thực hiện các chính sách về tín dụng.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ cho các vùng nuôi thủy sản tập trung. Tổ chức lại nuôi trồng thủy sản theo hướng liên kết sản xuất để tạo ra nguồn nguyên liệu chất lượng, an toàn thực phẩm, quy mô hàng hóa lớn cho hoạt động chế biến.

Thời gian tới, UBND Cà Mau cũng cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm khách hàng, mở rộng,à phát triển thị trường, tận dụng thật tốt cơ hội của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP để thúc đẩy phát triển chế biến, xuất khẩu.

Tin liên quan

Đọc tiếp