Các cơ sở lưu trữ LNG nổi của Đức tốn gấp đôi dự tính

NĂNG LƯỢNG Đức
08:48 - 21/11/2022
Cơ sở lưu trữ LNG nổi tại cảng Wilhelmshaven, Đức. Ảnh: Reuters
Cơ sở lưu trữ LNG nổi tại cảng Wilhelmshaven, Đức. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 20/11, Bộ Kinh tế Đức cho biết chi phí mua và bảo trì các cơ sở lưu trữ nổi khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để giúp nước này đảm bảo nguồn cung năng lượng sẽ tiêu tốn thêm 3,1 tỷ USD so với kế hoạch dự kiến.

Reuters trích dẫn một báo cáo trên tờ Der Spiegel cho biết chi phí ước tính của kế hoạch này nhìn chung sẽ rơi vào khoảng 6,7 tỷ USD so với ước tính 3 tỷ USD trong ngân sách năm 2022. Điều này cũng tương đương với việc tiêu tốn gấp đôi so với dự tính.

Tuy nhiên khi phát biểu về vấn đề chi phí vận hành và các cơ sở hạ tầng bổ sung của các thiết bị lưu trữ nổi, thông báo chính thức từ Bộ Kinh tế Đức khẳng định tất cả chi phí bổ sung đã được xác định trong nhiều cuộc tham vấn với nhiều bên liên quan. Ủy ban ngân sách quốc hội cũng cho biết đã phê duyệt số tiền bổ sung cần thiết cho kế hoạch này để đảm bảo bù đắp sụt giảm trong nguồn cung khí đốt từ Nga cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Trước đó ngày 15/11, Đức công bố đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở nổi lưu trữ LNG đầu tiên tại cảng Wilhelmshaven ở Biển Bắc trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn tranh giành nguồn cung để đảm bảo cho mùa đông và đa dạng hóa các nhà cung cấp khỏi Nga.

Nhận định về sự kiện quan trọng này, Bộ trưởng kinh tế bang Niedersachsen là Olaf Lies cho biết: “Cơ sở LNG mới này là một bước tiến lớn hướng tới nguồn cung cấp năng lượng an toàn”.

Trước mắt, cơ sở lưu trữ nổi tại Wilhelmshaven sẽ được neo đậu tại một bến tàu hiện đã được mở rộng và được kích hoạt để tái tạo khí LNG cho các tàu chở dầu đặc biệt. Sau đó theo Bộ trưởng Môi trường bang Hạ Saxony là Christian Meyer, nó hoàn toàn có thể được chuyển đổi để nhập khẩu các nguồn năng lượng carbon thấp như hydro trong tương lai cho phù hợp với các mục tiêu môi trường của nước này và của Liên minh châu Âu.

Mặt khác theo Bộ trưởng kinh tế Đức Robert Habeck, cơ sở tại cảng Wilhelmshaven sẽ đi vào hoạt động vào khoảng đầu năm cùng với một cơ sở lưu trữ nổi thứ 2 tại cảng Biển Bắc Brunsbuettel. Hàng loạt các cơ sở tại Stade và Lubmin cũng sẽ đồng loạt đi vào hoạt động vào cuối năm 2023.

Trên lý thuyết, tổng cộng 6 cơ sở lưu trữ khí đốt nổi tại Đức sẽ có thể đáp ứng ⅓ nhu cầu khí đốt hàng năm của quốc gia này, tương đương với khoảng 30 tỷ mét khối theo số liệu tiêu thụ năm 2021.

Về tầm nhìn cho tương lai, Đức sẽ đặt ra mục tiêu ngừng mọi nguồn cung từ Nga vào mùa hè năm 2024, nhưng việc chuẩn bị cho viễn cảnh đó được bắt đầu từ tháng 5 năm nay.

Đọc tiếp