Các 'đại bàng' muốn lựa chọn khu công nghiệp sinh thái để làm tổ

bđs KCN
18:25 - 24/05/2022
0:00 / 0:00
0:00
Cùng với hội nghị COP26 và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái hiện nay rất quan trọng. Đây không chỉ là xu hướng mà còn tạo ra giá trị bền vững cho thế hệ tương lai.

Khu công nghiệp (KCN) đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam. Các KCN mang lại lợi ích về kinh tế cho các quốc gia, tuy nhiên, sự tập trung công nghiệp trong một khu vực sẽ làm gia tăng các tác động xấu tới môi trường. Vì vậy, việc từng bước chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái sẽ là xu hướng phát triển mới trong tương lai.

Nhà nước hiện cũng đang rất quan tâm đến việc phát triển các khu công nghiệp xanh. Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý KCN và khu kinh tế có nêu rõ mục tiêu chính sách khuyến khích phát triển KCN sinh thái và các tiêu chí xác định KCN sinh thái ở Việt Nam.

Trong Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp 2022 sáng ngày 24/5 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: "Từ năm 2015 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và một số tổ chức quốc tế thực hiện thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi không gian phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu và đảm bảo nhu cầu cho người lao động".

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Thảo Ngân

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Thảo Ngân

"Tại các khu công nghiệp sinh thái, các doanh nghiệp sẽ tham gia vào hoạt động sản xuất sạch, xanh hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, liên kết hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp", Thứ trưởng Đông nói.

Ông Trần Duy Đông cũng thông tin thêm, hiện nay, Việt Nam có 335 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 100.000 ha đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các khu công nghiệp đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường.

Phiên thảo luận - Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp 2022

Khu công nghiệp sinh thái tạo giá trị bền vững cho tương lai

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec cho biết, hiện nay, khi nói đến bất động sản công nghiệp sẽ đều đi đến xu hướng khu công nghiệp sinh thái. Sau khi Nghị định 82 được sửa đổi thì xu hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái bền vững sẽ là kênh thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam mạnh nhất.

Dẫn chứng cụ thể, ông Điệp cho hay Shinec đã xây dựng khu công nghiệp Nam Cầu Kiền giống như một công viên sinh thái, mang giá trị văn hóa địa phương vào khu công nghiệp, thay đổi suy nghĩ của mọi người về khu công nghiệp. Mô hình của Shinec được rất nhiều trường đại học quan tâm và tổ chức thường xuyên cho sinh viên đến tham quan. Qua đây, Shinec cũng muốn tuyên truyền cho thế hệ trẻ về hướng đầu tư bền vững, bảo vệ giá trị cốt lõi cho tương lai.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec

Ngoài ra, Shinec đang xây dựng 3 hệ thống kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái, trong đó, các nhà đầu tư sản xuất cộng sinh với nhau, đem lại giá trị gia tăng cho nhau và chính họ là những người cùng khu công nghiệp xây dựng nên hệ sinh thái tuần hoàn.

"Khi quy hoạch điện VIII hoàn thành, các nhà đầu tư trong Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền sẵn sàng xung phong đầu tư vào năng lượng tái tạo mà cụ thể là năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường", ông Điệp thông tin thêm.

Cũng đề cập đến nội dung này, chia sẻ từ góc nhìn từ phía chủ đầu tư Thái Lan, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Amata Việt Nam có cùng quan điểm với ông Phạm Hồng Điệp về mô hình khu công nghiệp sinh thái và nền kinh tế tuần hoàn, tái chế các phế liệu để tạo thêm giá trị.

Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Amata Việt Nam.

Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Amata Việt Nam.

Bà cũng đưa ra một số đề xuất thu hút các nhà đầu tư khác ngoài những nhà đầu tư về kinh tế tuần hoàn bằng cách thay đổi tư duy, suy nghĩ của họ theo hướng sản xuất xanh và sạch hơn, từng bước tiến tới nền công nghiệp bền vững toàn diện.

Chủ đầu tư khu công nghiệp VSIP III xác nhận tại khu công nghiệp này sẽ có trang trại năng lượng mặt trời rộng 50 ha để cung cấp điện cho các khách hàng như Tập đoàn Lego - Đan Mạch, hướng đến các dự án phát triển bền vững bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời áp mái và cánh đồng năng lượng mặt trời để bảo đảm trung hòa về khí thải carbon.

Theo các diễn giả, bất động sản công nghiệp trải qua 4 lần “lột xác” từ mô hình khu công nghiệp truyền thống chỉ có nhà xưởng, đến mô hình công nghiệp - đô thị, công nghiệp - đô thị - dịch vụ và hiện nay mô hình hướng tới là hệ sinh thái công nghiệp xanh và bền vững.

Nhưng dù xuất phát từ mục tiêu nào, thì vấn đề an toàn lao động, thân thiện môi trường, đảm bảo an sinh xã hội vẫn là cốt lõi. Đây cũng là một trong những tiêu chí mà các “đại bàng” lựa chọn KCN sinh thái để “làm tổ”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.