Các doanh nghiệp 'đầu đàn' đề xuất loạt giải pháp phát triển bền vững thị trường vốn

thaco VIETCOMBANK
18:59 - 22/04/2022
Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương.
Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương.
0:00 / 0:00
0:00
Tập đoàn Thaco đề xuất tiếp tục phân bổ nguồn vốn vào hạ tầng và sản xuất, trong khi Vietcombank muốn sớm xem xét hình thành thị trường giao dịch tập trung đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ. Còn REE cho rằng cần có một tổ chức giám sát sự minh bạch.

Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững chiều nay nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đại diện các doanh nghiệp lớn là CTCP ô tô Trường Hải (Thaco), Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Vietcombank (VCB), Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE) đã có những chia sẻ về kinh nghiệm huy động vốn của doanh nghiệp, đồng thời đề xuất giải pháp để phát triển thị trường trong thời gian tới.

Thaco không sử dụng đòn bẩy tài chính

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco cho biết, trong 25 năm hoạt động, Thaco luôn phát triển sản xuất kinh doanh từ nhỏ đến lớn hơn một cách hiệu quả và trong khả năng quản trị, đề cao sự tư vấn và tham gia kiểm soát của các tổ chức kiểm toán quốc tế. Doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán từ năm 2007 đến nay với 2 công ty là PWC và E&Y.

Hiện nay, Thaco có quy mô là tập đoàn đa ngành bao gồm: Sản xuất phân phối và bán lẻ ô tô, sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nông nghiệp, logistics, đầu tư xây dựng và thương mại - dịch vụ. Tổng doanh thu tập đoàn này đạt 100.230 tỷ đồng, tổng nguồn vốn 129.087 tỷ đồng và dư nợ là 56.479 tỷ đồng.

Thaco huy động vốn vay từ các ngân hàng lớn trong, ngoài nước và được thẩm định cho vay với các chuẩn mực an toàn; không sử dụng các đòn bẩy tài chính, chưa tham gia thị trường chứng khoán và chỉ mới phát hành bán vốn cho một tập đoàn nước ngoài nắm giữ 26,5% và cán bộ nhân viên 2%. Thaco cũng không đầu tư vào một ngân hàng hay định chế tài chính nào. Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương

Trong suốt thời gian qua và hiện nay, Thaco chỉ sử dụng lợi nhuận và trích khấu hao hàng năm cùng với vốn vay dài hạn với tỷ lệ hợp lý để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Thông qua việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, ô tô và công nghiệp hỗ trợ, Thaco sẽ từng bước tự cân đối ngoại tệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh; dự kiến đến năm 2028 là cơ bản cân đối được.

Thaco đề nghị Chính phủ quan tâm tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành nguồn vốn và phân bổ tập trung vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, sản xuất trong công nghiệp, nông nghiệp và logistics nhằm hướng doanh nghiệp tham gia nhiều hơn; kéo theo các nguồn lực khác như tài chính, đất đai và nguồn nhân lực trong các lĩnh vực này.

VCB đề xuất hình thành thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ

Trong khi đó, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Ngân hàng Vietcombank (VCB) cho biết, hiện tổng tài sản của VCB đã vượt 1,4 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp ở mức 11.400 tỷ đồng (khoảng 1% tổng dư nợ cho vay); đều được phân loại nợ nhóm 1, các doanh nghiệp phát hành kinh doanh hiệu quả và thanh toán đúng hạn.

VCB đánh giá việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là yêu cầu chính đáng và tất yếu của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là thị trường tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển. Do đó, VCB luôn chủ động, tích cực tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp với vai trò đa dạng như nhà đầu tư chuyên nghiệp, tổ chức tư vấn, tổ chức bảo lãnh phát hành, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán...

Để giúp thị trường vốn phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đại diện VCB đề xuất 3 giải pháp:

Xếp hạng tín nhiệm độc lập là một nền tảng hạ tầng quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng. Do đó, một mặt rất cần khuyến khích sự hình thành và phát triển của các công ty xếp hạng tín nhiệm; mặt khác cần sớm yêu cầu xếp hạng tín nhiệm độc lập bắt buộc đối với doanh nghiệp phát hành và trái phiếu phát hành.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với doanh nghiệp và trái phiếu phát hành là một trong các yếu tố then chốt giúp thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả. Xếp hạng tín nhiệm một mặt giúp bảo vệ các nhà đầu tư, mặt khác giúp doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, có dự án tốt, huy động được vốn với chi phí thấp . Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng

Hai là nên sớm xem xét hình thành thị trường giao dịch tập trung đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ. Điều này sẽ làm tăng tính minh bạch của thị trường, tăng khả năng giám sát của các cơ quan quản lý, bảo vệ tốt hơn cho nhà đầu tư. VCB xin được đăng ký cung cấp dịch vụ ngân hàng thanh toán cho thị trường giao dịch tập trung trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Cuối cùng là cơ chế bảo vệ nhà đầu tư cũng cần được liên tục cải thiện. Bên cạnh việc tăng cường đào tạo, truyền thông cho công chúng về các kiến thức đầu tư từ phổ thông tới nâng cao, cần thiết phải hoàn thiện các cơ chế quản lý, giám sát. Công tác hậu kiểm và chế tài đi kèm đối với các doanh nghiệp phát hành, các tổ chức tham gia vào quy trình phát hành và giao dịch trái phiếu phải đủ sức răn đe để đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, có kỷ cương, kỷ luật.

Cần có tổ chức giám sát sự minh bạch

Còn theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch CTCP Cơ điện lạnh (REE), thị trường vốn như là xương sống và mạch máu của nền kinh tế. REE là công ty đầu tiên cổ phần hóa năm 1993, là công ty đầu tiên niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM năm 2000.

Bà Thanh chia sẻ, 10 năm đầu sau đổi mới, khủng hoảng kinh tế khu vực 1996-1997 đã đẩy lên thành khủng hoảng tiền tệ châu Á. Tại Việt Nam, tiền mất giá, lãi suất vay 24% đến 25%/năm trong khi đây vốn là nguồn vốn chính hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh. Trong hoàn cảnh đó, một Quỹ đầu tư nước ngoài là Dragon Capital tiếp cận REE và đề nghị bảo lãnh phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế 5 triệu USD với lãi suất 4%/năm, P/E chuyển đổi là 10.

“Vậy nhà đầu tư kỳ vọng gì ở REE? Đó là lợi nhuận trung bình 3 năm 1996, 1997, 1998 là 1 triệu USD/năm để 5 triệu USD này có thể chuyển đổi thành cổ phiếu chiếm 24% sở hữu tại REE. REE chấp nhận và cuối cùng đã đạt lợi nhuận tốt hơn (trung bình 1,3 triệu USD/năm), do vậy tỉ lệ chuyển đổi là 16% - giá trị vốn hóa của REE khoảng 32 triệu USD. Ở thời điểm 1996, chưa có luật quy định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra quốc tế, REE đã mất 1 năm để có được sự chấp thuận của Bộ Tài chính mà không cần có sự bảo lãnh của Chính phủ”, bà Thanh nói thêm.

Năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời là một kênh huy động vốn rất hiệu quả, với khuôn khổ pháp lý chặt chẽ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại có thể bổ sung hay cập nhật thêm, bởi vì những phát sinh từ thực tế rất nhiều. Tôi rất thích nghe Thủ tướng nói là không nên hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế, nhưng tất nhiên những ai cố tình làm hại thị trường thì phải được xử lý. Chủ tịch REE Nguyễn Thị Mai Thanh

Bà Thanh chia sẻ thêm, tại REE đã có nhiều đợt phát hành cổ phiếu mới ra thị trường cũng như công chúng và gần đây phát hành 2 đợt trái phiếu gồm: Trái phiếu doanh nghiệp có quy mô 1.000 tỷ và 100 triệu USD, nhằm huy động vốn cho đầu tư phát triển công suất điện năng lượng tái tạo, nước sạch và bất động sản văn phòng cho thuê. Nhà đầu tư quan tâm và giao dịch thành công bao gồm: Quỹ đầu tư, các Công ty bảo hiểm, Ngân hàng... Tất cả họ đều quan tâm đến tính minh bạch trong công bố thông tin, cam kết của tổ chức phát hành trái phiếu.

Từ thực tế đó, bà Thanh đề xuất phải có một tổ chức để giám sát tính minh bạch trong quá trình thực hiện. Cùng với đó là tính khả thi được chứng minh trong quá khứ, được thể hiện trên kết quả báo cáo tài chính hợp nhất giúp nhà đầu tư có thể kiểm chứng thông tin dễ dàng. Ngoài ra còn cần có báo cáo định kỳ của tổ chức phát hành về sử dụng vốn huy động và trách nhiệm trả lãi và vốn đúng hạn.

Về mặt luật định, đại diện REE kiến nghị cần có thêm các quy định chặt chẽ hơn về người chịu trách nhiệm và tài sản thế chấp phải được định danh cũng như có tính thanh khoản cao. Chế tài cũng cần được đặt ra đối với những trường hợp đã chệch hướng như thông tin đã được công bố. Cần củng cố thêm trách nhiệm của các cơ quan kiểm toán, định giá và giám sát tài sản.

REE cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, một môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch và bình đẳng để các doanh nhân có thể tiếp tục dấn thân cùng nhau xây dựng nền kinh tế nước nhà.

Tin liên quan

Đọc tiếp