Các FTA là 'nhiên liệu' tiếp thêm cho quá trình hội nhập kinh tế thế giới

FTA KINH TẾ
22:33 - 16/09/2022
Bà Lâm Thị Quỳnh Anh - Trưởng phòng Hội nhập Kinh tế quốc tế trong nước (Bộ Công Thương).
Bà Lâm Thị Quỳnh Anh - Trưởng phòng Hội nhập Kinh tế quốc tế trong nước (Bộ Công Thương).
0:00 / 0:00
0:00
Thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng về hội nhập quốc tế, tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam đã đạt được những kết quả vững chắc. Đáng chú ý trên lĩnh vực thương mại chính là việc tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do.

Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về hội nhập quốc tế năm 2022 sáng ngày 16/9 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, ông Đinh Nho Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao) cho biết, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam bắt đầu từ rất sớm nhưng chủ yếu được đẩy mạnh sau khi Đảng phát động sự nghiệp đổi mới.

Tới nay, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) đã xác định quá trình hội nhập quốc tế diễn ra trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đến các lĩnh vực khác.

Hội nhập kinh tế quốc tế thực chất là sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với tình hình quốc tế đang thay đổi. Sự chuyển đổi hay đổi mới này là tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu nội tại của mỗi nền kinh tế. Mục tiêu cuối cùng của các nước không chỉ là hướng đến hội nhập kinh tế quốc tế, mà đó còn là phương tiện để hướng tới đích là tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững, gia tăng chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Ông Đinh Nho Hưng thông tin về các chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Ông Đinh Nho Hưng thông tin về các chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Theo bà Lâm Thị Quỳnh Anh - Trưởng phòng Hội nhập Kinh tế quốc tế trong nước, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương), Việt Nam đã chủ động hội nhập quốc tế toàn diện. Trong đó, hội nhập kinh tế là trọng tâm, góp phần củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Về quan hệ thương mại, bà Quỳnh Anh cho biết hiện Việt Nam đã đàm phán và ký kết 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và đang trong quá trình đàm phán FTA với Khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA: Thụy Sỹ, Nauy, Iceland, Lichteinsten), Israel và ASEAN-Canada.

Trong các FTA đã ký kết thì Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có mức độ tự do hóa và bao trùm sâu rộng hơn rất nhiều. Không chỉ các vấn đề thương mại truyền thống, CPTPP còn bao gồm cả mua sắm chính phủ, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường và các vấn đề xuyên biên giới.

Ví FTA như nguồn “nhiên liệu” tiếp thêm cho quá trình hội nhập kinh tế thế giới, bà Quỳnh Anh cho rằng các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh qua việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tuân thủ quy định của thị trường đối tác; áp dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý; xây dựng chiến lược, lựa chọn khách hàng, lựa chọn thị trường.

FTA mang lại nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam

Bàn về vấn đề xuất khẩu nông sản trong bối cảnh tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, xuất khẩu nông sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước không lớn nhưng giá trị thực mang về cho quốc gia lại là lớn nhất.

Đây cũng là một trong những mảng tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan trong các Hiệp định Thương mại tự do. Vì vậy, bà Trang cho rằng các doanh nghiệp cần tận dụng “những con đường cao tốc” mà Chính phủ đã nỗ lực tạo ra để bước ra thế giới.

Theo bà Trang, khi đàm phán ký kết các FTA, các cơ quan thực thi nhiệm vụ luôn yêu cầu đối tác mở cửa thị trường mạnh với nông sản Việt Nam bởi đây là nhóm ưu tiên. Mặt khác, một số quốc gia có ưu đãi đối với nhập khẩu nông sản. Đặc biệt, phần lớn nông sản Việt Nam có khả năng đáp ứng cao với quy tắc xuất xứ FTA do nguyên liệu đều từ trong nước.

Ngoài ưu đãi thuế quan nhờ những yếu tố trên, các FTA còn giúp giảm hàng rào phi thuế (các cách thức ngăn chặn hoặc gây trở ngại cho hàng hóa nhập khẩu nhưng không phải là đánh thuế nhập khẩu), như quy định hạn chế lạm dụng điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm bớt thủ tục xung quanh, không áp dụng hợp pháp hoá lãnh sự (giấy tờ nước ngoài phải được hợp pháp từ cơ quan đại diện ngoại giao), có cơ chế tham vấn giải quyết vướng mắc…

Sâu rộng hơn, các FTA sẽ mang lại cơ hội thu hút dòng vốn FDI vào nông nghiệp vì việc có cam kết sẽ tạo yên tâm cho nhà đầu tư; gia tăng các kênh phân phối; tiếp cận thị trường mua sắm công (thị trường lớn thường chiếm 20-30% sản phẩm của các quốc gia); giảm chi phí đầu vào, nguồn cung máy móc giá tốt vì có ưu đãi thuế quan…Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang

Mặc dù FTA mang lại nhiều thuận lợi nhưng theo bà Trang, thách thức khi nông sản Việt Nam ra thế giới cũng rất nhiều. Đây vốn là các thách thức đã tồn tại mà các FTA không giúp được như cạnh tranh chất lượng, tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại.

Năng lực tiếp cận thị trường và xúc tiến thương mại của doanh nghiệp Việt đã và đang có vấn đề. Đơn giản như bao bì, thiết kế thế nào để phù hợp với thị hiếu thị trường. Hay việc thiếu liên kết để thực hiện đơn hàng lớn. Bên cạnh đó là các khó khăn khách quan như một số nước đòi hỏi visa nhập khẩu, biến động về địa chính trị, xu hướng bảo hộ phức tạp…

Ngoài việc doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của mình thì bà Trang cho rằng, các cơ quan quản lý và truyền thông cũng cần tích cực vào cuộc, để doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội có thể tận dụng các FTA, điều kiện để tận dụng, vấn đề FTA không thể giải quyết...

Chúng ta luôn nói về việc nhanh chóng tận dụng các FTA nhưng có những nông trang nhỏ không thể xuất khẩu. Họ có cơ hội để tham gia không? Theo bà Trang, câu trả lời là có, nếu họ tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu. Sự phối hợp như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, cá thể được hưởng lợi gián tiếp, xây dựng chuỗi sản xuất bền vững.

Tin liên quan

Đọc tiếp