Các gia tộc giàu có nhất Đông Nam Á

Các gia tộc giàu có nhất Đông Nam Á

TỶ PHÚ ĐÔNG NAM Á
05:51 - 01/05/2022
Với sự phát triển ngày càng nổi bật của cả Đông Nam Á, giới siêu giàu của khu vực cũng đang chứng kiến sự gia tăng tài sản đáng kể và góp mặt ngày càng nhiều vào danh sách những gia tộc tài phiệt hàng đầu của châu Á.

Gia đình nhà Chearavanont tại Thái Lan làm giàu từ đế chế kinh doanh Charoen Pokphand (CP) Group, một trong những nhà sản xuất thức ăn gia súc và thịt lớn nhất thế giới. Ông Chia Ek Chor cùng với anh trai mình là những người thuộc thế hệ thứ nhất đã khởi đầu cho việc kinh doanh của gia đình Chearavanont. Vào năm 1921, hai người này đã mở một cửa hàng bán hạt giống nhập khẩu từ Trung Quốc cho nông dân Thái Lan.

Qua nhiều năm phát triển, Charoen Pokphand Group do ông Chia Ek Chor khởi lập hiện sở hữu hơn 360.000 nhân viên trên khắp thế giới. Tập đoàn cũng đã phát triển thành một tổ chức kinh doanh toàn cầu với các khoản đầu tư tại 21 quốc gia và nền kinh tế khác nhau. Trên thực tế, tập đoàn phân chia thành các lĩnh vực kinh doanh liên quan tới 8 ngành nghề chính, với tổng cộng 13 tập đoàn trực thuộc. Trong đó, 3 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là nông nghiệp & thực phẩm, bán lẻ & phân phối và truyền thông - viễn thông.

Gia đình Chearavanont thế hệ thứ hai có 4 anh em, trong đó ông Dhanin Chearavanont là người trẻ nhất. Ông cũng đồng thời là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của CP Group trong 48 năm cho đến khi ông từ chức vào năm 2017. Tuy nhiên, ông vẫn giữ chức chủ tịch cấp cao của tập đoàn.

Con trai cả của ông Dhanin là Soopakij và con út là Suphachai đang lần lượt giữ chức Chủ tịch và Giám đốc điều hành của CP. Vào tháng 3/2020, CP Group đã đấu thầu thành công 10,6 tỷ USD trong thương vụ mua lại các hoạt động của gã khổng lồ bán lẻ Tesco tại Thái Lan và Malaysia.

Bốn anh em Dhanin, Sumet, Montri và Jaran của gia tộc Chearavanont giàu có nhất Thái Lan. Ảnh: Nikkei Asia

Bốn anh em Dhanin, Sumet, Montri và Jaran của gia tộc Chearavanont giàu có nhất Thái Lan. Ảnh: Nikkei Asia

Hai tỷ phú hàng đầu Indonesia là anh em nhà Hartono gồm R. Budi Hartono và Michael “Bambang” Hartono nhận được phần lớn tài sản từ khoản đầu tư vào ngân hàng Bank Central Asia (BCA). Gia đình Hartono đã mua lại cổ phần của BCA sau khi một gia đình giàu có khác là nhà Salim mất quyền kiểm soát ngân hàng này trong cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 và 1998.

Tuy nhiên, nguồn gốc tài sản của gia đình Hartono hiện nay lại bắt nguồn từ nhà sản xuất thuốc lá Djarum. Vào năm 1950, cha của hai tỷ phú Budi và Michael là ông Oei Wie Gwan đã mua lại một công ty thuốc lá phá sản và đổi tên thành Djarum. Hiện công ty này đang là một trong những nhà sản xuất thuốc lá lớn nhất tại Indonesia, giúp gia đình này tích lũy được khối tài sản trị giá hơn 30 tỷ USD. Con trai ông Budi là ông Victor, thuộc thế hệ thứ ba trong gia tộc kinh doanh Hartono, đang điều hành công ty này.

Sau cái chết của ông Oei Wie Gwan vào năm 1963, quyền điều hành đế chế gia đình đã được chuyển cho hai con trai R. Budi Hartono và Michael “Bambang” Hartono. Ngoài ngân hàng Bank Central Asia (BCA) và công ty sản xuất thuốc lá Djarum, tài sản của gia đình này cũng bao gồm thương hiệu điện tử nổi tiếng Polytron, công ty startup game Razer và khu bất động sản đắc địa ở Jakarta.

Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của ông R. Budi Hartono là 19,1 tỷ USD, trong khi anh trai của ông là Michael "Bambang" Hartono có 18,4 tỷ USD, tính đến thời điểm ngày 17/8/2021. Họ là những người giàu nhất Indonesia và cùng nhau tạo thành một trong những gia đình giàu nhất châu Á hiện nay.

Anh em nhà Michael và Budi Hartono.

Anh em nhà Michael và Budi Hartono.

Hơn 15 thành viên trong gia đình Singapore này cùng nhau điều hành Tập đoàn Hong Leong, một tập đoàn với nguồn doanh thu dồi dào từ lĩnh vực tài chính đến tài sản. Khởi nguồn cho sự giàu có của gia đình Kwek được bắt đầu vào năm 1941, khi ông Kwek Hong Png thành lập công ty với 3 anh em trai của mình.

Con trai cả của ông Kwek Hong Png là Kwek Leng Beng đang điều hành các hoạt động của tập đoàn tại Singapore. Trong khi đó cháu trai Sherman của ông đảm nhận vị trí giám đốc điều hành của công ty City Developments – một công ty con của Tập đoàn Hong Leong từ tháng 1/2018. Thêm vào đó, một người anh họ của ông Kwek Leng Beng là Kwek Leng Chan đang chịu trách nhiệm cho các giao dịch tại Malaysia của tập đoàn.

Hong Leong là một trong những doanh nghiệp lớn và phát triển nhất châu Á hiện nay, đồng thời cũng là một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu tại cả Malaysia và Singapore.

Ông Henry Sy, người giàu nhất Philippines, đã khởi nghiệp với một cửa hàng giày nhỏ ở thủ đô Manila. Hiện nay, ông đã xây dựng được nó thành nhà phát triển trung tâm thương mại SM Prime.

Tập đoàn SM Investments của gia đình cũng đang là nhà bán lẻ lớn nhất Philippines với hơn 200 cửa hàng. Cùng 6 người con, tất cả các thành viên trong gia tộc Sy đều tham gia vào việc quản lý. Các cháu của ông cũng có những vai trò tích cực trong tập đoàn, trong đó nổi bật là ông Howard Sy, người gần đây đã bắt đầu doanh nghiệp của riêng mình. Công ty của ông Howard là một công ty lưu trữ mang tên StorageMart tại Makati, Philippines.

Ông Henry Sy đã dựng nghiệp bằng hai bàn tay trắng và với những kiến thức kinh doanh cơ bản tích lũy được khi ông giúp cha mình điều hành các cửa hàng tiện lợi tại Philippines. Sau khi tiết kiệm được khoản tiền nhất định, ông bắt đầu mở cửa hàng giày dép vào năm 1958 tại Manila. Nhờ vào việc phát triển mạnh mẽ, cửa hàng của ông dần lớn mạnh thành SM Investments và giúp gia đình tích lũy được khối tài sản trị giá 19,7 tỷ USD hiện nay, theo Bloomberg.

Vào năm 2019, ông Henry Sy qua đời và ông Jose T Sio đã kế nhiệm ông làm chủ tịch tập đoàn. Trong vòng 30 năm, ông Sio đã làm việc chặt chẽ với gia đình Sy và đồng thời cũng là phụ tá đáng tin cậy nhất của ông Henry Sy.

Central Group là nhà phát triển trung tâm thương mại, đồng thời là nhà bán lẻ lớn nhất Thái Lan. Tập đoàn này hiện thuộc về gia đình Chirathivat, một trong những gia đình giàu nhất tại Thái Lan hiện nay.

Vào năm 1927, ông Tiang Chirathivat đã sáng lập ra tập đoàn. Con trai của ông là ông Samrit Chirathivat đã thừa kế công việc kinh doanh của gia đình, đồng thời mở trung tâm mua sắm đầu tiên của Thái Lan tại Bangkok vào năm 1957.

Dưới sự lãnh đạo của Tos Chirathivat - cháu trai của người sáng lập tập đoàn - hiện công ty đã mở rộng các cửa hàng bách hóa của mình ra khắp khu vực Đông Nam Á và thậm chí là cả châu Âu. Bằng cách mua lại chuỗi cửa hàng bách hóa La Rinascente của Italy với giá 291 triệu USD năm 2011 và cửa hàng bách hóa Illum của Đan Mạch với số tiền không được tiết lộ vào năm 2015, tập đoàn bán lẻ của Thái Lan đang trên con đường mở rộng vững chắc sang thị trường châu Âu.

Ngoài ra, Central Group cũng là một phần của liên doanh trị giá 560 triệu USD với tập đoàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc để thành lập JD Central, một trang thương mại điện tử.

Vào tháng 2/2020, gia đình này đã niêm yết chi nhánh bán lẻ tư nhân của họ là Central Retail, huy động được 2,5 tỷ USD trong đợt IPO lớn nhất của Thái Lan. Central Retail đang sở hữu hơn 2.115 cửa hàng kinh doanh thực phẩm, thời trang, bất động sản và vật liệu xây dựng trên khắp Thái Lan.

Ông Tos Chirathivat, người điều hành hiện tại của tập đoàn Central Group - tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan. Ảnh: Forbes

Ông Tos Chirathivat, người điều hành hiện tại của tập đoàn Central Group - tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan. Ảnh: Forbes

Là người giàu nhất Malaysia, ông Robert Kuok đã thành lập nên Tập đoàn Kuok vào năm 1949. Ngày nay, tập đoàn này sở hữu chuỗi khách sạn sang trọng Shangri-La, công ty dầu cọ lớn nhất thế giới Wilmart International cùng các công ty khác thuộc nhiều lĩnh vực trải dài từ sản xuất đường, sản xuất thức ăn động vật, khai khoáng, tài chính, thương mại, vận tải và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp khác.

Vào năm 1993, tập đoàn mua lại cổ phần của tờ South China Morning Post (SCMP), sau đó tới tháng 12/2015, ông Robert đã bán cổ phần của mình trong tờ báo này cho gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc với giá 265 triệu USD.

Gia đình Kuok hiện có 8 người con. Một người con trai của ông Robert Kuok là ông Khoon Ho Kuok đang là chủ tịch của tập đoàn Kuok Brothers vốn do ông Robert cùng các anh trai thành lập vào năm 1949 và chuyên về buôn bán các mặt hàng nông nghiệp. Con gái của ông, bà Kuok Hui Kwong hiện làm giám đốc điều hành tại SCMP Group và chủ tịch của Shangri-La tại châu Á.

Ông Robert Kuok cùng gia đình mình.

Ông Robert Kuok cùng gia đình mình.

Các người con khác của ông Robert Kuok cũng lần lượt là lãnh đạo, nhà điều hành tàu thăm dò dầu khí ngoài khơi lớn nhất châu Á là PACC Offshore Services Holdings và giám đốc tại công ty vận tải Kerry Logistics – công ty con của Tập đoàn Kuok.

Ngoài các lĩnh vực trên, tập đoàn cũng có cổ phần trong doanh nghiệp dầu cọ khổng lồ Wilmar International do cháu trai của ông Robert là ông Kuok Khoon Hong đồng sáng lập vào năm 1991. Trong khi đó, ông Kuok Khoon Hua, con trai út của ông hiện giữ chức giám đốc điều hành kiêm Phó chủ tịch của tập đoàn bất động sản Kerry Properties.

Thế hệ thứ 3 của gia đình hiện cũng đang hoạt động trong một số công ty con của tập đoàn. Cháu gái ông Robert là bà Kuok Meng Ru làm trong ngành âm nhạc và sở hữu công ty âm nhạc Swee Lee nổi tiếng.

Khối tài sản khổng lồ của gia tộc tại Thái Lan này có nguồn gốc từ ông trùm đồ uống năng lượng Chaleo Yoovidhya. Ông đã quyết định dấn thân vào lĩnh vực hàng tiêu dùng và là cha đẻ của sản phẩm nước tăng lực Red Bull (tiếng Thái là Krating Daeng) nổi tiếng vào năm 1975, sau khi thành lập công ty dược phẩm T.C Pharmaceuticals vào năm 1956. Chẳng bao lâu sau, nhà tiếp thị người Áo Dietrich Mateschitz bắt gặp loại đồ uống này và quyết định hợp tác với ông Chaleo.

Trước khi ông qua đời vào năm 2012, lợi nhuận của tập đoàn trải dài từ lĩnh vực bệnh viện, bất động sản cho tới các đội thể thao. Giá trị tài sản ròng của gia đình này tính đến ngày 6/7/2021 là 24,5 tỷ USD, đưa gia tộc trở thành một trong những gia đình giàu nhất châu Á.

Hiện con trai cả của ông Chaleo Yoovidhya là Saravoot Yoovidhya đang điều hành tập đoàn Redbull với doanh số bán 6 tỷ lon trên toàn thế giới vào năm 2016. Trong khi đó, một người cháu của ông là Varit đang điều hành một nhà máy rượu cùng đại lý của hãng xe sang Ferrari.

Ông Eka Tjipta Widjaja.

Ông Eka Tjipta Widjaja.

Tập đoàn Sin Armas của gia đình gốc Hoa Widjaja tại Indonesia khởi đầu từ việc người sáng lập Eka Tjipta Widjaja bán bánh quy hồi còn trẻ. Qua nhiều năm phát triển, ngày nay doanh thu của tập đoàn đã được mở rộng trên nhiều lĩnh vực từ giấy, bất động sản, dịch vụ tài chính, kinh doanh nông nghiệp cho tới viễn thông.

Trong khoảng thời gian gần đây, công ty còn thiết lập một nhà máy olechemical (nhà máy chuyên sản xuất các dẫn xuất động thực vật) với một công ty Tây Ban Nha mang tên Cepsa trên đảo Riau của Indonesia. Con trai ông Eka là ông Franky Widjaja đang điều hành công ty dầu cọ khổng lồ Golden Agri-Resources.

Anh em Robert Ng và Philip Ng kiểm soát Far East Organisation, công ty cho thuê và đồng thời là nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Singapore. Tập đoàn được thành lập bởi người cha quá cố của họ là Ng Teng Fong. Ông đã di cư từ Trung Quốc đến Singapore vào năm 1934 và được biết đến với cái tên "Vua của Đường Orchard”.

Tập đoàn Sino – chi nhánh tại Hongkong của Far East Organisation hiện nằm dưới sự quản lý bởi ông Robert và con trai của ông là ông Daryl. Trong khi đó, ông Philip giám sát việc kinh doanh của tập đoàn tại Singapore.

Hai anh em Robert và Philip Ng.

Hai anh em Robert và Philip Ng.

Gia tộc Salim giàu có tại Indonesia đã mua lại phần lớn cổ phần của ngân hàng Bank Ina Perdana vào đầu năm 2017, gần 20 năm sau khi gia đình này mất quyền kiểm soát ngân hàng Bank Central Asia (BCA), trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997 - 1998.

Ông Anthoni Salim, Chủ tịch của tập đoàn gia đình Salim, đang vẫn còn nắm hơn 1% cổ phần trong BCA hiện do gia tộc Hartono kiểm soát. Trong những tháng gần đây, gia đình Salim cũng đã trả hơn 200 triệu USD cho một mỏ than ở Australia và mua lại công ty đứng sau nền tảng thương mại điện tử Elevenia.

Nhằm mở rộng việc kinh doanh của gia đình. Tập đoàn Salim cũng đã hợp tác với Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc để ra mắt nền tảng thương mại điện tử iLotte. Đồng thời, con trai của ông Anthoni là ông Axton Salim đã hợp tác với tập đoàn NUS của Singapore để khởi động vườn ươm Block71 tại Jakarta. Cha của ông Anthoni Slim là Liem Sioe Liong, người đã qua đời vào năm 2012, được biết đến là có quan hệ thân thiết với cựu tổng thống Indonesia Suharto từ trước khi ông Suharto nhậm chức vào năm 1967.

Đọc tiếp