Các hãng hàng không Việt và bí kíp sống sót qua mùa Covid

Các hãng hàng không Việt và bí kíp sống sót qua mùa Covid

Hàng KHông Việt nAM
09:34 - 12/04/2022
Thị trường hàng không Việt Nam đang phục hồi nhanh hơn dự báo. Có được kết quả này một phần nhờ việc các hãng bay của Việt Nam đã xoay xở để có thể "sống sót" qua cơn sóng dữ Covid-19, trong bối cảnh không ít hãng hàng không trên thế giới đã phải phá sản.

Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng vào các hãng hàng không khi hoạt động giao thương, di chuyển bị hạn chế trong thời gian dài năm 2021 và vắt sang đầu năm 2022. Việc phải dừng bay trong khi vẫn phải tiếp tục chi trả cho bảo dưỡng máy bay, bến bãi, nhân sự… cùng các khoản vay khổng lồ khi mua mới hoặc thuê lại các máy bay chở khách từ trước đó, khiến nhiều hãng lớn trên thế giới thua lỗ nặng, thậm chí phải phá sản.

Trong số này có thể kể đến Philippines Airlines - hãng hàng không lâu đời nhất châu Á - đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào đầu tháng 9/2021. Trước đó, đã có hơn 20 hãng hàng không trên toàn cầu tuyên bố phá sản hoặc phải dừng hoạt động vĩnh viễn, trong đó có những tên tuổi lớn như Thai Airways (Thái Lan), Virgin Australia (Úc), AirAsia Japan (Nhật Bản), Norwegian Air (Na Uy), Cathay Dragon (Hong Kong)...

Không nằm ngoài tác động nặng nề của dịch Covid-19, các hãng hàng không Việt Nam cũng lao đao trước những đợt dịch bùng phát, những đợt giãn cách xã hội. Tuy nhiên bằng các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, cùng nỗ lực xoay sở của các doanh nghiệp trong ngành, nên đến nay các hãng đều đã trở lại hoạt động bình thường và đang có tín hiệu phục hồi nhanh hơn dự báo, khi ồ ạt tuyển dụng quy mô lớn để đón xu hướng bùng nổ đi lại sắp tới thời hậu đại dịch.

Tại Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN), trong năm 2020 – năm đầu tiên Covid-19 ập đến, doanh nghiệp đã lỗ ròng 11.000 tỷ đồng. Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý “giải cứu” hãng hàng không quốc gia thông qua việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng, sau khi các tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, HVN đã phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với quy mô 8.000 tỷ đồng để đối phó với mức lỗ 14.526 tỷ đồng dự kiến năm 2021. Sau khi hoàn tất phát hành, quy mô vốn điều lệ của Vietnam Airlines đã tăng lên 22.182 tỷ đồng.

Không nhiều như dự kiến nhưng khoản lỗ của HVN năm 2021 cũng lên đến 13.337 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế lên 21.970 tỷ đồng (tương đương hơn 960 triệu USD). Nhờ đợt tăng vốn điều lệ mà vốn của công ty vẫn dương 500 tỷ đồng tại cuối năm 2021, chưa vi phạm tiêu chí hủy niêm yết bắt buộc. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn còn phải chờ tới báo cáo kiểm toán năm 2021 để biết được liệu HVN có thực sự thoát án hủy niêm yết hay không.

Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, Vietnam Airlines cũng tích cực xoay sở bằng nhiều cách để “sống sót” qua đại dịch. Năm 2020, công ty đã giảm được 8.618 tỷ đồng chi phí từ giảm lương, dùng máy bay đi chở hàng, đàm phán giãn nợ…

Năm 2021, hãng tiếp tục tái cơ cấu đội tàu bay, giải phóng bớt nguồn lực dư thừa bằng thanh lý, bán và thuê lại, đàm phán cắt giảm giãn hoãn chi phí thuê, lùi lịch nhận tàu mới, cải hoán 11 tàu bay thành tàu chuyên dùng chở hàng để tăng khả năng cung ứng.

Hãng đã cắt giảm được khoảng gần 11.000 tỷ đồng chi phí bằng cách tiết kiệm, cắt giảm tối đa, đàm phán giảm giá, giãn hoãn các khoản thanh toán, giãn khấu hao và phân bổ chi phí bảo dưỡng, tái cơ cấu nợ vay… Sau thỏa thuận ký kết với Công ty thuê mua máy bay Air Lease Corporation (ALC) ngày 15/12/2021, Vietnam Airlines giảm được 1 tỷ USD chi phí thuê mua máy bay.

Trong khi Vietnam Airlines “thoát nạn” nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và cắt giảm chi phí, bán máy bay thì hai hãng Vietjet Air, Bamboo Airways lại cầm cự khá tốt bằng giải pháp xoay chuyển dòng tiền. Năm 2020, Vietjet Air vẫn báo lãi 70 tỷ đồng, còn Bamboo Airways báo lãi 400 tỷ đồng. Năm 2021, Vietjet Air tiếp tục báo lãi 100 tỷ đồng, còn Bamboo Airways chưa công bố báo cáo tài chính.

Việc lội ngược dòng của hai hãng hàng không tư nhân Việt được cho là “kỳ tích” trong ngành. Tuy nhiên thực tế, hoạt động kinh doanh của Vietjet Air và Bamboo Airways đều thua lỗ. Phần giúp cán cân tài chính không bị âm đến từ lợi nhuận đầu tư tài chính. Như năm 2020, kết quả là hoạt động kinh doanh khiến Vietjet Air lỗ 2.396 tỷ đồng. Phần lãi 70 tỷ đồng là do "hoạt động khác" kéo lại. Cụ thể, phần hoạt động này của Vietjet đạt 2.519 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 1.798 tỷ đồng, tương đương 250% so với cả năm 2019.

Năm 2021, Vietjet Air ghi nhận doanh thu thuần giảm 29% còn 12.998 tỷ đồng và lỗ gộp lên tới 1.953 tỷ đồng. Dù vậy, nhờ khoản doanh thu tài chính lên tới 3.920 tỷ đồng, hãng hàng không của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn lãi ròng 100 tỷ đồng. Trước đó, doanh thu tài chính của Vietjet cả năm 2016, 2017, 2018 chỉ trên hơn 100 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi, lãi chênh lệch tỷ giá.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch kiêm CEO Vietjet Air từng giải thích, thu nhập tài chính khác của hãng đến từ việc đầu tư dự án, đầu tư tài chính. Cụ thể, một số bất động sản của hãng được bán với giá thị trường để thu nguồn vốn bằng tiền mặt và thuê lại một phần tùy theo nhu cầu. Số tiền thu về được đầu tư tài chính vào các giấy tờ có giá với độ an toàn cao, tỷ suất lợi nhuận tốt.

Còn tại Bamboo Airways, dù mới hoạt động từ đầu năm 2019 nhưng năm 2020, hãng vẫn báo lãi 400 tỷ đồng. Cụ thể, theo hồ sơ gửi Sở Giao thông Vận tải Mỹ (DOT) để mở đường bay từ Việt Nam tới nước này, Bamboo Airways ghi nhận doanh thu 175 triệu USD (khoảng 4.023 tỷ đồng), lỗ gộp 156 triệu USD. Tuy nhiên, nhờ nguồn thu từ doanh thu tài chính hơn 201 triệu USD, công ty vẫn lãi ròng gần 13,5 triệu USD (khoảng hơn 310 tỷ đồng).

Trong khi đó, với Vietravel Airlines – hãng bay non trẻ nhất của ngành hàng không Việt, dù không có công bố con số tài chính cụ thể nhưng Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel (đơn vị sở hữu Vietravel Airlines) lỗ lũy kế cả năm 2021 gần 350 tỷ đồng, tăng hơn gấp 3 lần năm 2020.

Theo giải trình của lãnh đạo công ty, việc đưa vào vận hành Vietravel Airlines từ đầu năm 2021 đã khiến Vietravel phải chi thêm một khoản chi phí lớn dù phải tạm ngưng hoạt động. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel từng phải thốt lên rằng: “Vietravel Airlines mới có 3 chiếc máy bay thôi, điều này đồng nghĩa với việc trong một tuần sẽ đẩy 1 chiếc Range Rover xuống sông hay mỗi ngày mất đi một chiếc Camry".

Tình hình tài chính cấp bách nên trong quý cuối năm 2021, Vietravel đã đẩy nhanh tái cấu trúc doanh nghiệp. Cụ thể, Vietravel Holdings được thành lập và hãng hàng không Vietravel Airlines sau đó chuyển đổi thành công ty cổ phần, đồng thời thực hiện tăng vốn từ 700 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng (trong đó Vietravel nắm 99,5%).

Vietravel Holdings sẽ trở thành công ty mẹ, Vietravel và Vietravel Airlines vẫn thuộc hệ sinh thái chung của tập đoàn. Khi có bước đệm, Vietravel có thể tiến tới triển khai huy động vốn, giảm áp lực dòng tiền đang căng của các thành viên, trong đó có Vietravel Airlines.

Sau một thời gian gồng mình vượt qua khó khăn, các hãng hàng không Việt Nam có thể coi là đã "sống sót" khi dịch bệnh dần được kiểm soát với chiến lược tiêm chủng vaccine, cũng như việc chuyển đổi sang chính sách "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh".

Đặc biệt, việc Chính phủ cho phép mở lại toàn bộ chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 15/2, mở cửa hoạt động du lịch quốc tế và nội địa từ ngày 15/3 thực sự là cú hích mạnh với ngành hàng không Việt Nam.

Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vừa công bố đầu tháng 3/2022, thị trường hàng không sẽ phục hồi hoàn toàn với dự kiến tổng số hành khách sẽ đạt 4 tỷ vào năm 2024, vượt giai đoạn trước khi có dịch Covid-19. Phía IATA cũng nhận định năm 2022 thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi khoảng 93%. Trong đó, kế hoạch phục hồi thị trường nội địa Việt Nam là 96%, cao hơn mức trung bình dự đoán.

Số liệu của Cục Hàng không cho thấy, tính chung 3 tháng đầu năm, khách quốc tế qua các sân bay của Việt Nam đạt hơn 321.000, tăng tới 176% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, riêng các hãng hàng không Việt Nam chở hơn 141.000 lượt khách quốc tế, tăng tới 441% so với cùng kỳ năm trước (chiếm 44% thị phần khách quốc tế).

Với thị trường nội địa, hiện các hãng hàng không Việt Nam khai thác từ 55-60 đường bay nội địa. Tổng lượng khách nội địa qua các sân bay trong 3 tháng qua đạt hơn 13 triệu lượt, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.

Nắm bắt cơ hội, Vietnam Airlines đã liên tục mở thêm đường bay nội địa và quốc tế. Từ 27/3/2022, hãng khai thác 55 đường bay, nhiều hơn 16 đường bay so với năm 2019. Đối với các đường bay quốc tế, hãng đã khôi phục hoàn toàn hoạt động bay thường lệ tới 15 thị trường truyền thống (ngoại trừ Trung Quốc do chính sách đóng cửa phòng dịch và Myanmar do bất ổn chính trị).

Vietnam Airlines dự kiến sẽ mở thêm 3 đường bay mới tới Singapore, 2 đường bay mới tới Ấn Độ từ tháng 4/2022 cũng như khôi phục 80% số đường bay thường lệ từ tháng 7/2022 và tiếp tục nghiên cứu mở thêm đường bay tới Philippines trong thời gian tới.

Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines cũng đã mở lại, tăng tần suất các đường bay.

Mặc dù vậy, khó khăn lớn nhất của các hãng bay vẫn chính là vấn đề tài chính. Tại thời điểm cuối năm 2021, tài sản của Vietnam Airlines đạt hơn 63.100 tỷ đồng, song số nợ phải trả cũng lên tới hơn 62.590 tỷ đồng. Ngoài nợ đối tác, vay mượn... hãng bay còn nợ hơn 1.070 tỷ đồng trả cho người lao động.

Vietjet Air cũng đang gánh khoản nợ phải trả hơn 34.900 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với vốn chủ sở hữu. Riêng năm qua, hãng bay đã phải trả gần 800 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng 77% so với cùng kỳ năm trước.

Các hãng bay đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không vay với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian trả nợ dài hạn 3-5 năm; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2022, giảm thuế VAT xuống mức 5% để kích thích thị trường; điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% (hiện nay 7%); điều chỉnh giá trần vé máy; cho phép hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa; hỗ trợ giá dịch vụ hàng không...

Đọc tiếp