'Các hoạt động liên kết vùng vẫn chưa hiệu quả'

KINH TẾ Bắc Trung Bộ
19:22 - 12/08/2022
'Các hoạt động liên kết vùng vẫn chưa hiệu quả'
0:00 / 0:00
0:00
Liên kết vùng một cách thực chất là yếu tố quan trọng thúc đẩy đà phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương, tuy nhiên hoạt động này vẫn chưa thực sự hiệu quả, không chỉ đối với tiểu vùng Bắc Trung Bộ mà còn nhiều khu vực kinh tế khác.

Tiểu vùng Bắc Trung Bộ bao phủ 5 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị là địa bàn có ý nghĩa chiến lược về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của Việt Nam (diện tích 5,2 triệu ha, dân số gần 10 triệu người), có lợi thế quan trọng trong việc mở rộng giao lưu kinh tế trong khu vực miền Trung và cả nước.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, nhiệm vụ quan trọng chiến lược là cần tăng cường liên kết vùng, tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng.

Liên kết vùng chưa đạt được hiệu quả

Tại tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung bộ trong bối cảnh mới" do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 12/8, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nhấn mạnh: "Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, nhiều địa phương đã trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ngày càng tăng. Hệ thống đô thị hình thành, phát triển. Các khu du lịch ven biển, sinh thái, chất lượng cao, có thương hiệu dần trở thành động lực quan trọng cho phát triển. Kinh tế biển, đảo được chú trọng và khai thác hiệu quả hơn..."

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ông Vũ Đại Thắng cũng thừa nhận: "Tiểu vùng Bắc Trung Bộ vẫn là tiểu vùng kém phát triển trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Năm 2020, GRDP/người đạt 49 triệu đồng/người, năng suất lao động đạt 87 triệu đồng/lao động. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đều thấp".

Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình phát biểu tại tọa đàm.

Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình phát biểu tại tọa đàm.

Tiểu vùng Bắc Trung Bộ được nhận định là chưa đạt được các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra trong Quyết định số 1114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ nhưng năng lực cạnh tranh chưa cao, môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn.

Cần sự thống nhất trong cơ chế điều phối tiểu vùng

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, hoạt động liên kết các địa phương trong vùng là vô cùng cần thiết. Nhưng, chia sẻ tại tọa đàm nói trên, hầu hết đại diện lãnh đạo 5 tỉnh đều thừa nhận các hoạt động này vẫn chưa hiệu quả và chưa được như mong muốn.

Thậm chí có những vấn đề được xem như “lực cản” khó chạm đến đó là tư tưởng cục bộ địa phương, mạnh ai người nấy làm, không ai chịu liên kết với ai cũng đã được đại diện các địa phương thẳng thắn đưa ra phân tích, với mong muốn tìm ra hướng liên kết mới, thực chất và hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, các ý kiến phát biểu đều thống nhất về sự cần thiết và ý nghĩa quan trọng của việc thúc đẩy liên kết tiểu vùng, liên kết vùng.

"Những hạn chế trong phát triển và liên kết tiểu vùng kể trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng chủ quan vẫn là chủ yếu, có liên quan đến sự thống nhất trong nhận thức; thiếu cơ chế điều phối tiểu vùng và vùng hiệu quả với đủ thẩm quyền và nguồn lực".

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Tại phiên thảo luận, các ý kiến phát biểu cũng đã đưa ra một số gợi ý như: Xây dựng thể chế điều phối liên kết phát triển vùng, tiểu vùng đủ mạnh, có đủ thẩm quyền và nguồn lực; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển chuỗi đô thị ven biển...

Với tiềm năng và lợi thế của mình, các địa phương đều nhận thức việc liên kết phát triển vùng là tất yếu, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của từng địa phương và mục tiêu cuối cùng là chia sẻ lợi ích lâu dài, chia sẻ hạ tầng chung, nâng cao vị thế vùng.

Tuy nhiên, để các chủ trương, chính sách liên kết vùng đi vào thực tiễn, cần phải có sự thống nhất, đồng thuận trong mối liên kết giữa các địa phương cùng hướng đến, cùng chia sẻ mục tiêu chung, thực hiện cải cách hành chính, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp...

Tin liên quan

Đọc tiếp